Quy trách nhiệm giải ngân chậm
Đẩy mạnh đầu tư công (trong đó gồm cả phần vốn ODA và ưu đãi) là một trong những giải pháp ưu tiên của Chính phủ nhằm chặn đà suy giảm, kích thích tăng trưởng kinh tế và phục hồi sản xuất trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, kết quả giải ngân đối với vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài hiện vẫn chậm. Tại hội nghị về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ tổ chức ngày 25/6, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết ngày 24/6, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương mới chỉ 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán.
Trong đó, giải ngân của các bộ, ngành trung ương là 2.815 tỷ đồng, đạt 15,46%. Có 3 bộ giải ngân trên 20% so với kế hoạch được giao gồm: GTVT (29%), Quốc phòng (27,6%), Y tế (27,3%). Giải ngân của các địa phương đạt 4.611 tỷ đồng (11,98% dự toán). Trong đó có 14 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 20%. Như vậy, tính đến nay vẫn còn hơn 49.000 tỷ vốn đầu tư công vay nước ngoài vẫn đang chờ giải ngân.
Tình trạng giải ngân nguồn vốn ODA chậm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác như: Chính phủ sẽ phải trả phí cam kết cao hơn; các dự án phải trả chi phí cao hơn; chi phí quản lý dự án cũng tăng lên theo thời gian…
Một trong những nguyên nhân là do nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, trong những tháng đầu năm nay, các bộ ngành, địa phương vẫn đang giải ngân dự toán đã được giao của năm 2019 và phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn.
Đồng thời, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án (chủ trương đầu tư) và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai, chưa thể lập hồ sơ rút vốn. Vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, năng lực hạn chế của các nhà thầu… cũng là nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Song đó chỉ là những nguyên nhân khách quan. Thực tế, không riêng gì năm nay mà những năm gần đây, vấn đề giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cũng chậm. Nguyên nhân chủ quan của tình trạng này đã được các chuyên gia nhiều lần “chỉ mặt đặt tên” song vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đó là sự phối hợp của các bộ ngành trong vấn đề hoàn tất quy trình thủ tục giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài thiếu chặt chẽ.
Những vướng mắc không giải quyết được, song cũng không thể quy trách nhiệm cho ai và cuối cùng lại đợi xin ý kiến Chính phủ. Lãnh đạo một số địa phương cho biết, việc giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chậm là do rườm rà về thủ tục, quy trình xét duyệt, xác định dự án… Những vấn đề này địa phương không thể tự quyết mà cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành.
Đầu tháng 4 năm nay, trong một cuộc họp chuẩn bị hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trước tình trạng chậm trễ giải ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra đối với chính quyền các cấp, các bộ ngành.
Một tinh thần, chế tài đặt ra là cơ quan nào, bộ, ngành nào, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải trực tiếp kiểm điểm. Điều này cho thấy quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ trong việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kích thích tăng trưởng để vực dậy nền kinh tế sau một thời gian trầm lắng bởi dịch Covid-19.
Để thay đổi tình trạng giải ngân chậm hiện nay, các bộ ngành, địa phương với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc. Song có lẽ, việc quy trách nhiệm giải ngân chậm, trước tiên cần phải hướng đến người đứng đầu các bộ ngành, địa phương - những nơi phối hợp và ra các quyết định.