Vì sao giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài tiếp tục chậm?
Có khá nhiều nguyên nhân khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài chậm chạp trong 6 tháng đầu năm đã được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 tổ chức sáng 25/6/2020.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn năm 2020 cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ của năm 2019. Tuy nhiên, nếu so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước thì tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài vẫn còn thấp.
Tại Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020, nhiều bộ, ngành cho rằng, trong sáu tháng đầu năm, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 do đó các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn.
Thực tế cho thấy, tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... Từ đó, kéo theo hoạt động giải ngân cũng bị ngưng trệ do không có khối lượng, hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận.
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án (điều chỉnh chủ trương đầu tư), và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn. Trong số này có một số dự án có số giao kế hoạch 2020 lớn như: Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vay JICA (dự toán 1.970 tỷ đồng), Dự án Xây dựng tuyến Lộ Tẻ Rạch Sỏi vay Hàn Quốc (dự toán 700 tỷ đồng), Dự án Xây dựng Cảng Lạch Huyện vay JICA (dự toán 340 tỷ đồng), Dự án Vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2 vay WB (dự toán 1.000 tỷ đồng) Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vay JICA (dự toán 1.157 tỷ đồng).
Với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có các giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ 2016-2020.
Nhiều chủ dự án chậm trễ thực hiện thủ tục hoàn chứng từ cho các khoản rút vốn từ tài khoản đặc biệt. Thậm chí, có dự án trên 6 tháng mới thực hiện thủ tục như Dự án Phát triển giao thông đồng bằng Bắc bộ vay WB, Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam vay WB, Dự án Phục hồi và quản lý rừng bền vững vay JICA, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững vay WB, Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập vay WB, Dự án Cải cách đào tạo nguồn nhân lực y tế vay WB, Dự án Phát triển giáo dục trung học phổ thông giai đoạn 2 vay ADB... Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2020, số rút lần đầu về tài khoản đặc biệt hoặc bổ sung tài khoản đặc biệt là 8.700 tỷ đồng nhưng số hoàn chứng từ mới chỉ là 620 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện nay, Bộ Tài chính đang đề nghị WB thực hiện thí điểm rút vốn điện tử qua hệ thống của WB nhưng quá trình này triển khai rất chậm, vướng mắc từ phía WB. Đến nay, mới có 8 dự án đồng ý thí điểm và mới có 3/8 dự án thực hiện tải hồ sơ rút vốn điện tử lên hệ thống WB. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nợ vay nước ngoài theo chủ trương, chính sách của Chính phủ, hiện nay Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu để triển khai thực hiện đề nghị rút vốn trên môi trường điện tử theo định hướng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ.
Theo phản ánh của các Bộ, ngành, địa phương và các ban quản lý dự án, những sự thay đổi về cơ chế chính sách cũng dẫn đến việc các Bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án. Theo đó, hiện có một số thay đổi về cơ chế chính sách như: Thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư (định mức, đơn giá) thực hiện theo quy định tại Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về chi phí đầu tư xây dựng công trình; Hay về cơ chế quản lý vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 25/5/2020 cũng có nhiều quy định thay đổi so với nội dung các Nghị định trước đó, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong những tháng đầu năm 2020, các Bộ, địa phương tập trung giải ngân tiếp dự toán đã được giao của năm 2019 và phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn, song song với việc giải ngân kế hoạch vốn 2020. Số giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 trong 6 tháng đầu năm xấp xỉ số giải ngân theo kế hoạch vốn 2020. Cùng với đó, vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, năng lực hạn chế của các nhà thầu, chậm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, quá trình thẩm định của cơ quan cho vay lại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thường bị kéo dài... cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có các giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ 2016-2020.