Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 6 tháng đầu năm
Sáng ngày 25/6/2020, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tham dự và chủ trì hội nghị.
06 tháng đầu năm, giải ngân vẫn còn chậm
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Các nhiệm vụ còn tồn tại của cả giai đoạn đều đặt vào năm nay, bao gồm cả việc hoàn thành giải ngân kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, khiến các dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi thậm chí còn chịu nhiều tác động nặng nề hơn từ đại dịch này.
Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 cho thấy, tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách trung ương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 60.000 tỷ đồng, số được phân bổ cho các Bộ, ngành địa phương để nhập vào hệ thống TABMIS là 56.700 tỷ đồng, trong đó: Dự toán giao cho các Bộ, ngành Trung ương là 18.216 tỷ đồng; Dự toán giao cho các địa phương là 38.484 tỷ đồng.
Theo số liệu trên hệ thống TABMIS, tính đến hết ngày 24/6/2020, tỷ lệ nhập dự toán trên TABMIS chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn được giao của các cơ quan đạt 85,2% (48.286 tỷ đồng), trong đó các Bộ, ngành đạt tỷ lệ 82,5% (15.030 tỷ đồng) và các địa phương đạt tỷ lệ 86,4% (33.256 tỷ đồng).
Trong đó, đãc có 7/12 Bộ đã nhập và phân bổ 100% dự toán vốn vay nước ngoài trên TABMIS; 4/12 Bộ đã nhập và phân bổ trên 70% dự toán; có 59/62 địa phương đã nhập và phân bổ TABMIS trên 50% dự toán vay nước ngoài; 2/62 địa phương còn lại nhập và phân bổ dự toán đạt tỷ lệ dưới 50% so với dự toán được giao.
Kế hoạch giải ngân vốn 2020, tính đến hết ngày 24/6/2020, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài của các Bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao
Cũng tại hội nghị, báo cáo về giải ngân kế hoạch vốn 2020, tính đến hết ngày 24/6/2020, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài của các Bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao.
Trong đó, giải ngân của các Bộ, ngành trung ương là 2.815 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15,46% so với dự toán được giao; Giải ngân của các địa phương là 4.611 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,98% so với dự toán được giao.
Riêng đối với TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ giải ngân hiện là 4,13%. Tuy nhiên, Thành phố này đang có vướng mắc về việc hoàn ứng cho 3 dự án (Metro 1 Bến Thành Suối Tiên, Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, Vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh) trị giá 4.600 tỷ đồng. Trường hợp UBND Thành phố, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị cấp phát cho tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên và hoàn thành các thủ tục hoàn ứng thì tỷ lệ giải ngân chung cũng chỉ có thể đạt mức khoảng 40%.
Nguyên nhân nào?
Theo đánh giá sơ bộ của Bộ Tài chính khi theo dõi và làm việc với các địa phương, có thể thấy một số nguyên nhân sau đây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chậm của các dự án hiện nay.
Cụ thể, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ (đặc biệt là Ngân hàng thể giới) đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA...
Giải phóng mặt bằng chậm, năng lực hạn chế của các nhà thầu, chậm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, quá trình thẩm định của cơ quan cho vay lại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thường bị kéo dài là nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công
Vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, năng lực hạn chế của các nhà thầu, chậm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, quá trình thẩm định của cơ quan cho vay lại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thường bị kéo dài là nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Ngoài ra, hiện nay, Bộ Tài chính đang đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện thí điểm rút vốn điện tử qua hệ thống của WB nhưng quá trình này triển khai khá chậm, vướng mắc từ phía WB. Đến nay, mới có 8 dự án đồng ý thí điểm và mới có 3/8 dự án thực hiện tải hồ sơ rút vốn điện tử lên hệ thống WB...
Kiến nghị giải pháp hoàn thành mục tiêu giải ngân
Để đảm bảo phối hợp hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương các nội dung sau:
Một là, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Hai là, các cơ quan chủ quản khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống TABMIS để có cơ sở giải ngân. Lưu ý tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành hoặc các dự án sắp hết thời hạn giải ngân. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn.
Ba là, thực hiện các hoạt động kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân.
Bốn là, đối với số vốn nước ngoài các năm trước thuộc kế hoạch trung hạn đã bị hủy do không kịp giải ngân theo dự toán và ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện của dự án, đề nghị các cơ quan chủ quản tổng hợp để Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền, đảm bảo tuan thủ cam kết với nhà tài trợ và đảm bảo cho dự án không bị chậm trễ trong quá trình thực hiện.
Năm là, các chủ dự án tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân. Kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản và các Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời.
Sáu là, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng hợp các yêu cầu cắt giảm kế hoạch vốn của các Bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nếu cần thiết sẽ điều chuyển cho Bộ, ngành, địa phương còn thiếu và có khả năng thực hiện và giải ngân. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét đề xuất của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án để có tập huấn việc thực hiện Nghị định số 56/2020/NĐ-CP...