"Hợp lực" để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công


Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020 đang là vấn đề cấp thiết hiện nay nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân giai đoạn 2016-2020 và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để làm được điều này, cần có sự quyết liệt vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Nguồn: internet
Cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Nguồn: internet

Nhiều giải pháp đã được thực hiện

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước, các dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi thậm chí còn chịu nhiều tác động nặng nề hơn từ đại dịch này. Trước tình hình này, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ này.

Thời gian qua, Bộ Tài chính luôn coi trọng công tác giải ngân vốn đầu tư công trong và ngoài nước, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo toàn ngành Tài chính thực hiện đồng bộ các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả vốn vay nước ngoài.

Chỉ trong quý I/2020, Bộ Tài chính đã có 5 lượt văn bản đôn đốc các bộ, ngành địa phương sớm phân bổ và nhập TABMIS số dự toán được giao để có cơ sở thanh toán vốn; đồng thời cũng đã rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan đến kiểm soát chi, rút vốn, hạch toán.

6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020 cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ của năm 2019. Tuy nhiên, mức giải ngân này vẫn chậm so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước.

Sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính tiếp tục có 2 công văn đôn đốc các chủ dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của các bộ, ngành và địa phương có báo cáo số kế hoạch vốn phân khai và nhập TABMIS, số giải ngân và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch vốn.

Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh công tác hiện đại hóa việc quản lý đơn rút vốn (ghi nhận và giải quyết trên 1.300 khoản rút vốn trong gần 6 tháng); xây dựng Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ... Đồng thời, triển khai các đoàn công tác làm việc trực tiếp với các bộ, địa phương có các dự án sử dụng vốn ODA với quy mô vốn lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Giáo dục và Đào tạo để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.

Cùng với Bộ Tài chính, các bộ, ngành cũng đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, dự toán các dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư cử cán bộ có thẩm quyền tại hiện trường để đôn đốc nhà thầu, tư vấn thực hiện hoạt động; ban hành quy định trình tự, thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ thanh toán nội bộ tại đơn vị, lấy tiêu chí kết quả giải ngân kế hoạch để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập và kiện toàn Tổ công tác thúc đẩy giải ngân; ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn; định kỳ hàng tháng tổ chức rà soát, kiểm tra định kỳ các dự án chậm tiến độ để chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án.

Các địa phương cũng đã tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành và với các cơ quan liên quan để nắm bắt tình hình vướng mắc trong giải ngân dự án ODA, vay ưu đãi. Một số địa phương đã thành lập bộ phận chuyên trách quản lý dự án vay ODA, vay ưu đãi trong Sở Tài chính như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Kạn...

Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020 cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ của năm 2019. Tuy nhiên, mức giải ngân này vẫn chậm so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước. Công tác này lại càng khó khăn hơn trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án

Để tháo gỡ những khó khăn và nỗ lực hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ, cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, các chủ dự án.

Đối với các cơ quan chủ quản

Theo Bộ Tài chính, các cơ quan chủ quản cần khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống TABMIS để có cơ sở giải ngân. Lưu ý tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành hoặc các dự án sắp hết thời hạn giải ngân. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn.

Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án và đẩy mạnh công tác hiện đại hóa việc quản lý đơn rút vốn nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. chỉ trong 6 tháng năm 2020, Bộ đã ghi nhận và giải quyết trên 1.300 khoản rút vốn.

Đồng thời, chỉ đạo các chủ dự án khẩn trương hoàn chứng từ các khoản đã rút về tài khoản đặc biệt quá 3 tháng, đảm bảo tuân thủ kỷ luật tài chính; Thực hiện các hoạt động kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân.

Đối với số vốn nước ngoài các năm trước thuộc kế hoạch trung hạn đã bị hủy do không kịp giải ngân theo dự toán và ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện của dự án, đề nghị các cơ quan chủ quản tổng hợp để Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền, đảm bảo tuan thủ cam kết với nhà tài trợ và đảm bảo cho dự án không bị chậm trễ trong quá trình thực hiện.

Cơ quan chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, các cơ quan liên quan để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh; Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án.

Đối với các chủ dự án

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chủ dự án cần tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân. Cùng với đó, kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản và các bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời; Thực hiện hoàn chứng từ thanh toán từ tài khoản đặc biệt, tài khoản tạm ứng trong vòng 3 tháng theo đúng quy định.

Đối với các cơ quan tổng hợp

Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm tổng hợp các yêu cầu cắt giảm kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nếu cần thiết sẽ điều chuyển cho Bộ, ngành, địa phương còn thiếu và có khả năng thực hiện và giải ngân. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét đề xuất của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án để có tập huấn việc thực hiện Nghị định số 56/2020/NĐ-CP. Bộ Xây dựng nghiên cứu, xem xét đề xuất của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án và có tập huấn việc thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân  vốn ODA, vay ưu đãi; Thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát và rút ngắn thời gian hoàn chứng từ đối với hình thức thanh toán qua tài khoản đặc biệt.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các hoạt động để triển khai Nghị định thủ tục hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn quy định; không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục kiểm soát chi trong 4 ngày kể từ khi có khối lượng hoàn thành, không để tồn đọng đến cuối năm.