Quyết định lựa chọn nguồn vốn ngắn hạn phù hợp cho doanh nghiệp

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 10/2020

Quyết định huy động vốn là một trong các quyết định quan trọng của công tác quản trị tài chính trong doanh nghiệp. Về cơ bản, doanh nghiệp có thể huy động nguồn vốn ngắn hạn và nguồn vốn dài hạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong đó, quyết định lựa chọn nguồn vốn ngắn hạn đúng đắn sẽ giúp doanh nghiệp vừa đảm bảo được nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp hoạt động của doanh nghiệp được diễn ra thường xuyên liên tục không bị gián đoạn, vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí huy động vốn, làm tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.

Đặt vấn đề

Vốn là yếu tố quan trọng cần thiết cho sự tồn tại và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của bất kỳ một doanh nghiệp (DN) nào. Quyết định huy động nguồn vốn nào để tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác quản trị tài chính DN. Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính hiện nay, nhà quản trị tài chính có nhiều sự lựa chọn hình thức huy động vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, mỗi hình thức huy động vốn đều có mặt thuận lợi và bất lợi riêng, vấn đề dặt ra là quyết định hình thức huy động vốn phù hợp với thực trạng của DN và thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của DN. Trong quá trình hoạt động, DN cần đầu tư vốn vào tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Công ty có thể sử dụng nguồn vốn ngắn hạn hoặc nguồn vốn dài hạn để tài trợ cho việc đầu tư vào tài sản ngắn hạn.

Nguồn vốn ngắn hạn là những nguồn tài trợ DN có thể huy động đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn dưới 1 năm. Nguồn vốn này dùng để bổ sung nhu cầu vốn lưu động, phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh được diễn ra thường xuyên liên tục. Trong quá trình hoạt động, DN có nhu cầu tài trợ ngắn hạn thường xuyên, điều này xảy ra khi có sự không trùng khớp về thời gian và quy mô giữa tiền vào và tiền ra của DN. Khi DN tiêu thụ hàng hóa và thu tiền về thì phát sinh dòng tiền vào; khi DN mua nguyên liệu hoặc hàng hóa dự trữ cho sản xuất kinh doanh thì phát sinh dòng tiền ra. Nếu dòng tiền ra lớn hơn dòng tiền vào thì DN cần bổ sung vốn. Nguồn vốn cần bổ sung này trước hết được lấy từ các khoản nợ phải trả có tính chất chu kỳ mà DN có thể huy động được, phần còn lại DN sẽ sử dụng tài trợ bằng các khoản nợ vay như: Tín dụng thương mại, vay ngắn hạn ngân hàng, phát hành tín phiếu.

Các nguồn tài trợ ngắn hạn

Về tín dụng thương mại

Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các DN được thực hiện dưới hình thức mua bán chịu, mua bán trả chậm hay trả góp hàng hoá. Đến thời hạn đã thoả thuận, DN mua phải thanh toán đầy đủ cho DN bán dưới hình thức tiền tệ. Ngày nay, các DN hoạt động thường xuyên phát sinh việc mua chịu và bán chịu. DN có thể mua chịu nguyên vật liệu hoặc hàng hóa của nhà cung cấp vật tư, hàng hoá. Khi đó, nhà cung cấp vật tư đã cấp một khoản tín dụng cho DN hay nói cách khác là DN đã sử dụng một khoản tín dụng thương mại để đáp ứng một phần nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh.

Các yếu tố cơ bản liên quan đến tín dụng thương mại là tiêu chuẩn bán chịu, thời hạn bán chịu và tỷ lệ chiết khấu. Tiêu chuẩn bán chịu là tiêu chuẩn tối thiểu về mặt uy tín tín dụng của DN để được nhà cung cấp chấp nhận bán chịu nguyên liệu, hàng hóa. Tiêu chuẩn bán chịu là một bộ phận cấu thành chính sách bán chịu của nhà cung cấp và mỗi nhà cung cấp đều thiết lập một tiêu chuẩn bán chịu riêng. Thời hạn bán chịu là khoảng thời gian mà nhà cung cấp cho DN nợ, tỷ lệ chiết khấu là tỷ lệ phần trăm trên doanh thu hoặc giá bán được khấu trừ nếu DN trả tiền trong thời hạn được chiết khấu.

Ví dụ: DN ký một hợp đồng thương mại với nhà cung cấp nguyên vật liệu trong đó xác định hình thức thanh toán là “3/15 net 45”, điều này có nghĩa là DN sẽ được hưởng chiết khấu 3% trên giá trị hóa đơn mua hàng nếu DN thanh toán trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hóa đơn được phát hành, nếu DN không lấy chiết khấu thì được trả chậm trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày phát hành hóa đơn.

Nguốn vốn tín dụng thương mại là nguồn vốn ngắn hạn quan trọng giúp DN giải quyết được tình trạng thiếu hụt vốn lưu động trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đối với những DN đã có mối quan hệ lâu dài, uy tín với nhà cung cấp thì việc thực hiện khoản vốn tín dụng thương mại này rất thuận lợi. Tuy nhiên, đối với khoản vốn này thì lượng giá trị cho vay bị hạn chế, chỉ giới hạn trong khả năng vốn hàng hóa mà họ có, trong nhiều trường hợp sử dụng tín dụng thương mại của nhà cung cấp, DN phải trả chi phí cao hơn so với lãi suất vay vốn ngân hàng.

Vay ngắn hạn ngân hàng

Vay ngắn hạn ngân hàng là một nguồn tài trợ quan trọng để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động của DN trong hoạt động kinh doanh. Ngân hàng cho các DN vay ngắn hạn với thời hạn vay tối đa là 12 tháng. Yếu tố cơ bản để xác định khoản vay này đó là thời hạn vay và lãi suất vay. Thời hạn vay được xác định phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Lãi suất vay được thỏa thuận giữa ngân hàng với DN vay phù hợp với thị trường và phù hợp với các quy định của ngân hàng nhà nước.

Để vay được nguồn vốn ngắn hạn từ ngân hàng, các DN cần thực hiện các thủ tục và chấp hành đầy đủ các nguyên tắc quy định hiện hành về tín dụng ngắn hạn. Khoản vốn vay ngắn hạn ngân hàng sẽ giúp DN giảm được những khó khăn do thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động, bên cạnh đó, chi phí sử dụng vốn vay ngân hàng thường thấp hơn chi phí sử dụng các công cụ tài chính khác. Tiền lãi vay là một khoản chi phí hợp lý và được tính trừ vào thu nhập chịu thuế nên DN tiết kiệm được một khoản thuế nếu sử dụng nguồn vốn này. Tuy nhiên, đối với nguồn vốn vay ngắn hạn ngân hàng thì thủ tục vay vốn tương đối phức tạp, DN phải có tài sản thế chấp, nếu DN hoạt động không hiệu quả thì nguồn vốn này sẽ làm tăng rủi ro không trả được nợ cho DN.

Nợ phải trả có tính chất chu kỳ

DN hoạt động sẽ thường xuyên phát sinh các khoản phải trả, phải nộp nhưng đến kỳ hạn mới thanh toán như các khoản thuế phải nộp nhà nước, bảo hiểm xã hội phải nộp nhưng chưa đến kỳ nộp, tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động nhưng chưa đến kỳ trả. Đây là những khoản nợ ngắn hạn phát sinh có tính chất chu kỳ. DN có thể sử dụng tạm thời các khoản này để đáp ứng nhu cầu vốn mà không phải trả tiền cho việc sử dụng vốn. Các khoản nợ phải trả có tính chất chu kỳ này có xu hướng tăng lên hoặc giảm xuống theo quy mô các hoạt động của DN.

Chẳng hạn như: Khi doanh số tăng lên thì tiền lương sẽ tăng theo, do đó khoản nợ lương cũng tăng lên. Khi lợi nhuận tăng lên, tiền thuế thu nhập DN sẽ tăng lên và như vậy khoản nợ thuế cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, DN phải đảm bảo thanh toán các khoản này đúng thời hạn. Đối với khoản nợ thuế, nếu DN đang trong thời kỳ khó khăn về tài chính có thể trì hoãn trả thuế cho Nhà nước trong thời gian ngắn nhưng DN có thể bị phạt và bị tính lãi. DN có thể trì hoãn trả lương nhưng phải chịu chi phí cho người lao động, nếu chậm trả lương có thể người lao động sẽ nghỉ việc hoặc giảm hiệu quả làm việc. Việc đảm bảo thanh toán đúng hạn các khoản nợ có tính chất chu kỳ này còn thể hiện trách nhiệm xã hội của DN và sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của DN trên thị trường.

Phát hành tín phiếu công ty

Tín phiếu là một loại giấy tờ chứng nhận khoản nợ ngắn hạn được phát hành theo quy định của phát luật. Tín phiếu xác định quyền và nghĩa vụ của bên đi vay và bên cho vay. Tín phiếu được hình thành do sự thỏa thuận giữa các bên với nhau, trong đó xác định rõ lãi suất và thời gian hoàn vốn cụ thể. Đây là loại giấy tờ được phát hành với mục đích huy động vốn trong thời hạn dưới 1 năm.

Tín phiếu DN thường chỉ được phát hành bởi những DN lớn có uy tín và mức độ tín dụng cao trên thị trường. Nếu không có uy tín thì nhà đầu tư sẽ không mua tín phiếu DN vì rủi ro cao. DN muốn phát hành tín phiếu huy động vốn thì uy tín tín dụng của DN phải cao hơn của ngân hàng mới có cơ hội huy động vốn với chi phí huy động thấp hơn vay ngân hàng. Thực tế ở Việt Nam  cho thấy, hiện nay, hầu hết các DN chưa đủ uy tín để có thể phát hành tín phiếu huy động vốn. Trong tương lai, với sự phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ của các DN, hình thức huy động vốn thông qua phát hành tín phiếu sẽ sớm được thực hiện.

Gợi ý quyết định lựa chọn nguồn vốn ngắn hạn phù hợp

Huy động vốn thông qua tín dụng thương mại hay vay ngắn hạn ngân hàng?

DN có thể tận dụng nguồn vốn tín dụng thương mại thay cho nguồn vốn vay ngắn hạn từ ngân hàng. Vấn đề đặt ra là khi nào nên vay ngân hàng và khi nào nên sử dụng tín dụng thương mại. Chi phí huy động vốn của nguồn vốn tín dụng thương mại ngầm định trong giá bán hàng hóa.

Ví dụ: Nhà cung cấp bán chịu hàng hóa cho DN trị giá 300 triệu đồng theo điều khoản “3/15 net 45”, có nghĩa là DN được chiết khấu 3% nếu trả trong thời hạn 15 ngày đầu, còn không lấy chiết khấu thì được mua chịu trong thời hạn 45 ngày. Với điều khoản bán chịu này DN phải quyết định lựa chọn: hoặc là bỏ qua chiết khấu 3% để lấy khoản tín dụng thương mại trong thời hạn 45 ngày hoặc là lấy chiết khấu 3% và bỏ qua khoảng thời gian tài trợ thương mại 30 ngày thay vào đó bằng khoản vay ngắn hạn khác.

Nếu lấy chiết khấu thì DN phải trả 291 triệu đồng vào ngày thứ 15 và được lợi 9 triệu đồng tiền chiết khấu (300 triệu đồng x 3%), DN phải chấp nhận bỏ qua khoản tài trợ thương mại trị giá 291 trđ trong khoảng thời gian 30 ngày. Giả sử lãi suất ngân hàng tại thời điểm đó là 12%/năm, tức là 1%/tháng, DN có thể vay ngân hàng để trả cho nhà cung cấp và lấy chiết khấu 3% giá trị hóa đơn. Nếu không lấy chiết khấu thì DN được sử dụng khoản tín dụng thương mại, DN trả 300 triệu đồng vào ngày thứ 45. Sử dụng mô hình chiết khấu dòng tiền để quy đổi các khoản tiền về cùng thời điểm và so sánh giữa hai phương án trên.

Với phương án lấy chiết khấu, vào ngày thứ 15 DN trả 291 triệu đồng cho nhà cung cấp, để có tiền DN đi vay ngân hàng trong vòng 30 ngày với lãi suất 12%/năm tương ứng lãi suất 30 ngày là 0,986% (tức là 0,12 x 30/365), như vậy đến ngày thứ 45 DN phải trả ngân hàng khoản tiền là 291(1+0,986%)=293,87 triệu đồng. Với phương án sử dụng tín dụng thương mại thì đến ngày thứ 45 DN phải trả 300 triệu đồng cho nhà cung cấp. Như vậy, DN nên chọn phương án vay ngân hàng để lấy chiết khấu sẽ có lợi hơn so với khoản tín dụng thương mại.

Huy động vốn bằng cách phát hành tín phiếu hay vay ngân hàng?

Khi DN đã quyết định nên đi vay thay vì sử dụng tín dụng thương mại, thì tiếp đến DN cần quyết định nên vay ngân hàng hay vay trên thị trường tài chính bằng cách phát hành tín phiếu. Việc lựa chọn này dựa trên cơ sở so sánh chi phí vốn của 2 phương án trên. Chi phí vay ngân hàng bao gồm tiền lãi và chi phí giao dịch, chi phí phát hành tín phiếu bao gồm tiền lãi và chi phí phát hành. Sử dụng mô hình chiết khấu dòng tiền để so sánh giữa 2 phương án.

Với phương án vay ngân hàng, DN sẽ nhận số tiền là PV ở hiện tại và sau này hoàn trả lại ngân hàng một số tiền là FV trong tương lai. Chi phí cho khoản vay này chính là lãi suất, giả sử thời hạn vay là m ngày thì lãi suất theo năm được tính như sau:

Với phương án phát hành tín phiếu, DN sẽ phát hành 1 tín phiếu có mệnh giá là P và bán ra thị trường với giá bán ròng sau khi trừ chi phí phát hành là C, giả sử m là thời hạn vay (tính theo ngày) như vậy chi phí huy động vốn tính theo năm sẽ là:

So sánh 2 phương án trên, phương án nào có chi phí huy động vốn thấp hơn sẽ được lựa chọn.

Như vậy, trong quá trình hoạt động DN sẽ phát sinh nhu cầu vốn ngắn hạn. Để đáp ứng nhu cầu đó, DN có thể sử dụng nợ phải trả có tính chất chu kỳ, nếu thiếu DN sẽ lựa chọn các phương án sử dụng tín dụng thương mại hay vay ngân hàng hay phát hành tín phiếu công ty. Cơ sở để lựa chọn nguồn vốn nào chủ yếu dựa vào chi phí huy động vốn. DN sẽ lựa chọn nguồn vốn có chi phí huy động vốn thấp nhất để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thanh Liêm (2014),Quản trị tài chính, NXB Thống kê;

2. Nguyễn Minh Kiều (2013), Tài chính doanh nghiệp căn bản, NXB Lao động xã hội;

3. Đặng Thị Việt Đức, Đỗ Thu Hà (2018), “Nguồn tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, số tháng 4/2018;

4. Lê Thị Minh Ngọc (2020), “Hình thức huy động vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, số tháng 3/2020.