Quyết liệt triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Gia Hân

Để quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan nghiêm túc chấn chỉnh, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp  được Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU giao tại Quyết định số 81/QĐ-TTg; Công điện số 265/CĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo khác.

Xử lý nghiêm, dứt điểm vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp.
Xử lý nghiêm, dứt điểm vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp.

Giải quyết dứt điểm tồn tại, hạn chế để gỡ “Thẻ vàng”, tránh “Thẻ đỏ”

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 916/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị đón và làm việc với EC lần thứ 4 (từ ngày 10 – 18/10/2023).

Sau gần 6 năm triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của EC và qua 3 đợt thanh tra thực tế của EC, kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, sau đợt thanh tra lần thứ 3 (tháng 10/2022) của EC đến nay, kết quả triển khai các khuyến nghị của EC tại địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu như: Tiếp tục xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; Chậm triển khai xử lý đối với các phát hiện của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3 liên quan đến một số tàu cá nhập khẩu, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và cảng cá xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác có dấu hiệu vi phạm quy định IUU…

 

Theo ước tính của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu bị áp dụng "thẻ đỏ", Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị khoảng gần 500 triệu USD/năm. Không chỉ mất thị phần, nếu bị phạt "thẻ đỏ" cũng sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động tại 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như những ngư dân làm ăn chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại mà Việt Nam đang gây dựng.

Những tồn tại hạn chế nêu trên nếu không sớm giải quyết dứt điểm thì không những không gỡ được "Thẻ vàng" mà nguy cơ bị cảnh báo "Thẻ đỏ" là rất cao.

Để quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 4 của EC, không để ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản, đời sống sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển; đặc biệt là làm giảm uy tín, vị thế, hình ảnh của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan cần phải đặt trách nhiệm cao nhất tại thời điểm hiện nay, nghiêm túc chấn chỉnh, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU giao tại Quyết định số 81/QĐ-TTg, Công điện số 265/CĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan.

Đảm bảo nguồn lực, kinh phí khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế

Công điện số 916/CĐ-TTg chỉ rõ, từ nay đến trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam lần thứ 4, cần tập trung nguồn lực, xử lý dứt điểm các nội dung trọng tâm, cấp bách.

Cụ thể, các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan đảm bảo nguồn lực, kinh phí khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế; chuẩn bị nội dung và các điều kiện tốt nhất để đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không dung túng, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng cố tình thực hiện hành vi trái phép làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, Dân tộc, hình ảnh của Đất nước trên trường quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC, đặc biệt là chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong việc đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC đảm bảo đạt kết quả tốt nhất.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP. Hải Phòng kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ảnh: Cổng TTĐT TP. Hải Phòng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP. Hải Phòng kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ảnh: Cổng TTĐT TP. Hải Phòng.

Trong quá trình Đoàn Thanh tra EC công tác tại Việt Nam, tận dụng mọi cơ hội giải thích, chứng minh cho Đoàn Thanh tra EC hiểu, nắm được hoàn cảnh, điều kiện ngành Thủy sản Việt Nam, quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của các cơ quan liên quan của Việt Nam trong chống khai thác IUU để  Đoàn có ý kiến ủng hộ gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần này.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải… trong trao đổi thông tin, cung cấp hồ sơ liên quan trong việc thực hiện quy định của Hiệp định về Biện pháp các quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) và kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu bằng tàu Container.

Đối với các địa phương, Công điện nêu rõ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quy định pháp luật trong công tác quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, đảm bảo nắm được toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương; nắm rõ, cập nhật hiện trạng hàng ngày đối với các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác (tàu đang neo đậu ở đâu, tình trạng tàu…).

Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng biên phòng kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh và tàu cá của tỉnh khác phải đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định; đặc biệt thiết bị VMS trên tàu cá từ 15m trở lên phải mở máy, hoạt động bình thường từ lúc rời cảng, đến khi cập cảng. Điều tra, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm về VMS, trước mắt tập trung xử lý 100% tàu cá có chiều dài 24m trở lên vi phạm theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn không để tái diễn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; Bộ Công an đảm bảo an toàn, an ninh trước, trong và sau thời gian Đoàn Thanh tra EC làm việc tại Việt Nam...

Ngoài ra, tại Công điện số 916/CĐ-TTg, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Ngoại giao; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông... căn cứ chức năng của mỗi đơn vị để phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là lỗi nghiêm trọng được phía EC đánh giá khi đưa ra khuyến nghị đối với thủy sản Việt Nam. Do đó, phải tập trung quyết liệt để ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đặc biệt, chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa phải xử lý dứt điểm 2 tàu cá nhập khẩu theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3 trước khi Đoàn thanh tra của EC sang thanh tra lần thứ 4.