Cà Mau quyết tâm gỡ bỏ thẻ vàng thủy sản


Xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh ủy Cà Mau đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế biển bền vững. Theo đó, địa phương này tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, không vi phạm vùng biển các nước, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân nhằm gỡ bỏ gỡ...

Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, với vị trí có 3 mặt giáp biển, bờ biển dài nhất nước với 254 km với 87 cửa sông lớn - nhỏ ra biển. Khai thác thủy sản được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh này, với 12 nhóm nghề như: Lưới kéo, lưới vây, chà chim, lưới rê, câu mực, câu mồi, lưới chụp, lồng xếp, ốc bẫy mực, te, đáy biển và dịch vụ hậu cần. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản hằng năm đạt trên 550.000 tấn, xuất khẩu sang hơn 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt trên 1 tỷ USD.

Nhằm tuyên truyền pháp luật đến ngư dân, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác và đánh bắt hải sản; tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài…, thời gian qua, không chỉ có lực lượng Biên phòng Cà Mau thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân, đội ngũ chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cũng rất quyết liệt trong công tác đưa pháp luật đến với ngư dân.

Ngoài ra, Cà Mau cũng đã cơ bản hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá theo quy định; trong đó, số tàu cá đã lắp đặt nhiều nhất là phương tiện có chiều dài từ 24 mét trở; kế đó số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét và cuối cùng là tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 mét.

Qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nêu trên, đã góp nâng cao nhận thức về chủ quyền, biển đảo, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân nói riêng và người dân đang sống trên các đảo nói chung; hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác và đánh bắt hải sản ở Cà Mau; tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt.

Ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh Cà Mau về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cho biết, công tác chống khai thác IUU có nhiều nhiệm vụ cần phải tập trung thực hiện, khắc phục. Trên từng nhiệm vụ cũng có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trong đó, nổi lên những vướng mắc lớn, như phương tiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xảy ra tình trạng mất kết nối. Tình trạng mất kết nối xảy ra khá nhiều trên biển, trong bờ, trong khi đó các quy định xử lý chưa đầy đủ, các đơn vị cung cấp thiết bị chưa hoàn thiện trách nhiệm với khách hàng, cho nên việc xử lý là một trong những khó khăn của địa phương thời gian qua.

Việc thống kê, xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác xuất đi nước ngoài gặp khó. Trước tiên là việc thống kê sản lượng, do điều kiện hạ tầng nghề cá trong tỉnh chưa hoàn chỉnh. Riêng tỉnh Cà Mau một năm đã khai thác trên 200 nghìn tấn hải sản nhưng chỉ có hai cảng chỉ định đủ điều kiện thực hiện công việc này, do đó còn một lượng rất lớn sản phẩm khai thác được bốc dỡ ở các bến cá tư nhân, các bến hộ gia đình chưa đủ điều kiện theo quy định.

Ngoài ra, công tác điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý vi phạm đối với các phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài. Có nhiều trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là phương tiện bị bắt giữ, con người bị bắt giữ chưa trở về Việt Nam thì việc điều tra, củng cố hồ sơ của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Để chấm dứt tình trạng khai thác vùng biển nước ngoài, yêu cầu về mặt thời gian để tháo gỡ “thẻ vàng” theo khuyến cáo của Liên minh châu Âu, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các ngành, địa phương với tinh thần nâng cao trách nhiệm, phát huy sáng tạo, tự lực tự cường trong việc thực hiện nhiệm vụ cũng như trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể như, đối với việc thống kê sản lượng không thể qua được hết các cảng thì chúng tôi đã chỉ đạo các ngành, địa phương tạm thời cho phép thống kê sản lượng ở các bến cá tư nhân, các bến cá gia đình trong điều kiện họ chưa đủ điều kiện theo quy định.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra từng phương tiện, từng hộ, đặc biệt là đối với các phương tiện, nhóm phương tiện có nguy cơ cao, yêu cầu thực hiện các cam kết. Kiểm soát trên Hệ thống kiểm soát hành trình tàu cá VMS nhằm kịp thời phát hiện, chủ động làm việc với chủ phương tiện ở trong bờ ngay khi phương tiện trên biển có dấu hiệu bất thường để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những vi phạm. Quyết liệt xử lý nghiêm đối với tất cả các hành vi vi phạm.

Ông Lê Văn Sử cho biết thêm: "Đối với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, chúng tôi sẽ báo cáo và đề xuất với Trung ương ban hành hướng dẫn. Song, tinh thần là tỉnh không chờ đợi, mà phải có biện pháp tạm thời trước mắt để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất nhằm đáp ứng yêu cầu tháo gỡ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu".

Được biết, tỉnh Cà Mau đã xây dựng dự án hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển để giám sát các tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và bắt buộc chủ tàu khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác. Ngoài ra, cấm mua bán, vận chuyển một số đối tượng hải sâm liên quan đến đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển các nước.

Cà Mau cũng đã triển khai sử dụng hệ thống quan sát tàu cá, ngư trường, nguồn lợi thuỷ sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar. Đây được xem là một trong những cách hiệu quả nhất để giám sát việc khai thác, đánh bắt của ngư dân trên biển, giúp ngành chức năng có thể quản lý, ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài.

Để giúp chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên hiểu rõ vùng biển khai thác an toàn, với chức năng của mình, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Cà Mau phối hợp địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn hoạt động khai thác thuỷ sản trên vùng biển Cà Mau; tập huấn phổ biến các quy định về quản lý khai thác thuỷ sản, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho  ngư dân tại các cửa biển có tàu thuyền đánh bắt tập trung như: Cái Đôi Vàm, Sông Đốc, Khánh Hội...

Theo Bảo Châu/dangcongsan.vn