Quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn chặn tín dụng đen
Phát biểu thảo luận tại Phiên họp thứ 26, sáng 13/9, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tín dụng đen.
Thời gian gần đây xuất hiện một số thủ đoạn, phương thức lợi dụng công nghệ cao thực hiện hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Phản ánh tình trạng này tại Phiên họp thường kỳ tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, hiện nay tình hình tội phạm trên không gian mạng, đặc biệt là lừa đảo đang khá phổ biến.
Mặc dù các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều công cụ quản lý, thực hiện nhiều giải pháp chặt chẽ, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề nóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị các cơ quan cần đánh giá đúng tình hình, phân tích kỹ nguyên nhân để đề ra giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Phát biểu thảo luận tại Phiên họp về nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho hay, thời gian qua, tình hình tín dụng đen khá nhức nhối, xuất hiện các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, lợi dụng triệt để công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp để thực hiện các hành vi cho vay lãi suất cao và đòi nợ trái pháp luật.
Về địa bàn hoạt động, loại tội phạm này xuất hiện nhiều trong các khu lao động, các khu công nghiệp, chủ yếu lợi dụng những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay các khoản vay nhỏ và phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, loại hình cho vay này có thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng, thậm chí có những hoạt động không cần gặp mặt, không cần thế chấp tài sản, chỉ yêu cầu người vay đồng ý cho truy cập vào danh bạ điện thoại là có thể cho vay được.
Đến hạn trả nợ, nếu người vay không trả được thì các đối tượng sử dụng danh bạ điện thoại của người vay để gọi điện cho người thân, đồng nghiệp để đòi nợ, gây mất an ninh trật tự, khống chế và tạo áp lực cho người vay hoặc lại tiếp tục cho vay các khoản vay mới để nâng mức nợ đối với các đối tượng vay. Rất nhiều trường hợp trong thời gian vừa qua đã phát hiện, khởi tố, có những trường hợp lãi suất rất cao.
Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tín dụng đen, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các giải pháp để người lao động thuận lợi trong việc tiếp cận các khoản vay nhỏ, các khoản vay tiêu dùng và không rơi vào những cạm bẫy của những đối tượng lợi dụng.
Mới đây, trước tình trạng tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” gây ra nhiều bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử không để các đối tượng móc nối hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định.
Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh… quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"....