Quyết liệt triển khai Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước

PV. (Tổng hợp)

(Tài chính) Báo cáo của Chính phủ mới đây cho biết, tính đến cuối tháng 9/2012, có 55 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đã xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó có 24 Đề án của TĐ, TCT được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành địa phương có thẩm quyền phê duyệt.

Tiếp tục khẩn trương thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN
Tiếp tục khẩn trương thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, để triển khai quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐKT, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011- 2015” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012. 

Theo Quyết định này, hai mục tiêu chính được xác định: DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, nòng cốt cho kinh tế nhà nước; DNNN phải nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với DN hoạt động công ích

Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định: Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó bên cạnh việc phân loại DN theo các nhóm xác định thì cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước; tái cơ cấu DN theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý; tái cơ cấu toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm; tổ chức lại một số TĐKT, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, để DN kinh doanh hoạt động trong môi trường pháp lý chung và cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác…

Tính đến cuối tháng 9/2012, theo số liệu báo cáo, có khoảng 30 tập đoàn, tổng công ty đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án tái cơ cấu, chủ yếu là các tổng công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các tập đoàn, tổng công ty còn lại đang trong quá trình xây dựng đề án, gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan hoặc đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt...

Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, các TĐ kinh tế, TCT Nhà nước tiếp tục triển khai xây dựng Đề án tái cơ cấu DNNN do mình quản lý và phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, báo cáo kết quả thực hiện để Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài các báo cáo đã được phê duyệt trên, hiện các TĐ, TCT còn lại đã và đang xây dựng đề án trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Như vậy, lần lượt các TĐ, TCT sẽ phải trình Chính phủ và các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu trong đó phải xác định rõ các ngành nghề kinh doanh chính, thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại những DN cụ thể cũng như phân định cụ thể các DN sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc trên và dưới 50% vốn điều lệ…

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương, các TĐ, TCT quyết liệt triển khai xây dựng Đề án tái cơ cấu theo Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2012.

Thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các TĐ, TCT  là nhằm nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của khu vực DNNN, lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo cơ cấu tài chính hợp lý cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của DNNN, nhất là các TĐ kinh tế, TCT Nhà nước.

Nhằm đẩy nhanh tiến trình này, Chính phủ yêu cầu tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Trong đó, xác định DNNN là nòng cốt của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đồng thời, xác định rõ, các DN an ninh quốc phòng, DN cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích có trách nhiệm sản xuất, cung ứng các sản phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững theo đặt hàng của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu chú trọng rà soát, điều chỉnh lại danh mục đầu tư, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động cho phù hợp với nhiệm vụ, chiến lược phát triển ngành nghề kinh doanh chính được chủ sở hữu giao.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu DNNN, nòng cốt là các TĐ kinh tế, TCT Nhà nước tiếp tục thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh của DN.

Trong nhóm các giải pháp tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu chú trọng trên cơ sở phân công, phân cấp thực hiện quyền chủ sở hữu, cần phải tăng cường thực hiện giám sát của chủ sở hữu và cơ quan quản lý tài chính Nhà nước đối với công tác quản lý vốn và tài sản tại  tại DNNN. Đồng thời thực hiện nghiêm chế tài đối với Hội đồng thành viên, Ban điều hành các TĐ, TCT Nhà nước, công ty mẹ trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trực tiếp trong công tác quản lý vốn, tài sản của DN. Đây chính là nhóm các giải pháp nhằm quản lý chặt các DNNN, tránh thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước tại DN.

Tại Hội nghị quốc tế “Khuôn khổ ổn định và giám sát tài chính trong môi trường nhiều biến động” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, tái cơ cấu DNNN không chỉ cần thiết đối với bản thân khu vực DNNN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh, mà còn phục vụ và hỗ trợ cho nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, tái cơ cấu DNNN còn góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách đang tồn tại của nền kinh tế như hàng tồn kho và xử lý nợ xấu. Do đó, tái cơ cấu DNNN phải được thực hiện một cách vững chắc với lộ trình phù hợp; và đồng bộ với tái cấu trúc thị trường tài chính nhằm lành mạnh hoá tình trạng tài chính, năng lực, cải thiện mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng và ổn định thị trường tài chính, cũng như tái cấu trúc đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước và huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2012 - 2015. Theo Đề án tái cơ cấu của EVN, EVN có 4 ngành, nghề kinh doanh chính gồm: Thứ nhất: Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia. Thứ hai: Xuất nhập khẩu điện năng. Thứ ba: Đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện. Thứ tư: Quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa thuộc dây truyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện.

Đề án tái cơ cấu của EVN cũng nêu rõ: EVN tập trung vào 7 nội dung chính để tiến hành tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp; các đơn vị được giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - EVN; các doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ; các doanh nghiệp do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; doanh nghiệp do EVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ...

Đến hết năm 2015, Chính phủ yêu cầu EVN sẽ phải hoàn thành việc thoái vốn của EVN tại một số Ngân hàng Thương mại cổ phần, công ty chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản…