Quyết nghị tổng số thu ngân sách trung ương năm 2023 là 863.567 tỷ đồng
Chiều ngày 11/11/2022, tiếp tục Kỳ họp thứ 4, với tỷ lệ tán thành cao, có 453 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua (chiếm 90,96 %), Nghị quyết về dự toán ngân sách trung ương (NSTW) năm 2023 đã chính thức được thông qua.
Phân bổ NSTW theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương
Theo Nghị quyết, tổng số thu NSTW là 863.567 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương (NSĐP) là 757.177 tỷ đồng. Tổng số chi NSTW là 1.294.067 tỷ đồng, trong đó dự toán 436.204 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho NSĐP.
Ban hành kèm theo Nghị quyết là các phụ lục số I, II, III và IV quy định về việc phân bổ NSTW theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương theo; Việc phân bổ NSTW năm 2023 kinh phí thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Phụ lục số V kèm theo Nghị quyết.
Tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa NSTW và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; số bổ sung cân đối ngân sách, số bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP theo Phụ lục số VI, Phụ lục số VII kèm theo nghị quyết. Trong đó, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa NSTW và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số bổ sung cân đối ngân sách được áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách đến năm 2025. Mức bội thu, mức vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của NSĐP theo Phụ lục số VIII kèm theo Nghị quyết.
Quốc hội giao Chính phủ thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN và mức phân bổ NSTW cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Luật NSNN, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phân chia thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa NSTW và NSĐP theo quy định của Luật NSNN đối với năm 2023 và ổn định cho giai đoạn 2023 - 2025 trên cơ sở sản lượng xăng dầu sản xuất, bán ra trong nước so với tổng sản lượng xăng, dầu tiêu thụ trên thị trường. Cụ thể: 60% thực hiện phân chia giữa NSTW và NSĐP, 40% còn lại thực hiện điều tiết 100% về NSTW.
Quốc hội yêu cầu sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông), lĩnh vực y tế; phần còn lại ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng, cấp bách khác thuộc đối tượng đầu tư của NSĐP.
Bố trí ổn định trong dự toán chi thường xuyên của NSĐP giai đoạn 2023 -2025, bao gồm toàn bộ nhu cầu chi NSNN thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã được Trung ương ban hành theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tính theo mức lương cơ sở hiện hành 1,49 triệu đồng/tháng.
Địa phương cần ưu tiên bổ sung nguồn lực bố trí cho công tác an sinh xã hội
Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ NSTW năm 2023 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ NSTW năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở 375 ý kiến nhất trí, 48 ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về dự toán NSTW năm 2023.
Theo đó, về ý kiến đề nghị cần ban hành giải pháp cụ thể, gắn liền với chế tài và trách nhiệm cá nhân trong việc phân bổ, giải ngân nguồn vốn đầu tư NSTW đặc biệt là Chương trình phục hồi kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; phân bổ vốn đầu tư NSNN bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện phân bổ theo đúng quy định các khoản chi của NSTW chưa phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phương án phân bổ cụ thể, bổ sung dự toán trong năm đối với số kinh phí của NSTW chưa phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương.
Đối với các Chương trình, đề án chưa đề xuất cụ thể nguyên tắc, tiêu chí thì chưa có căn cứ để phân bổ cụ thể. Để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị giao Chính phủ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi thường xuyên, chi đầu tư áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Về ý kiến đề nghị cân nhắc lại tỷ lệ điều tiết của địa phương một cách hợp lý, nâng mức được giữ lại để bảo đảm nguồn lực phát triển cho địa phương, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc xác định lại tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho từng địa phương trên cơ sở dự toán thu NSNN và dự toán chi NSĐP năm 2023 và áp dụng trong thời kỳ ổn định ngân sách đến năm 2025.
Song do nhiều địa phương sau khi xác định lại tỷ lệ điều tiết để lại cho địa phương có sự sụt giảm lớn, dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong việc cân đối nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Vì vậy, Chính phủ dự kiến bố trí 32.000 tỷ đồng trên cơ sở mức đóng góp nguồn thu về NSTW và mức tăng chi hàng năm trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2021 và dự toán năm 2022 để cân đối cho các địa phương này có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tăng thu cho NSTW.
Về ý kiến đề nghị tăng mức hỗ trợ để bố trí cho công tác an sinh xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các nhiệm vụ chi thường xuyên của NSĐP cho công tác an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự đã cơ bản được bảo đảm.
Ngoài ra, trong điều hành ngân sách, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương nhất là các địa phương có khả năng cân đối ngân sách cần ưu tiên bổ sung nguồn lực bố trí cho công tác an sinh xã hội theo thẩm quyền. Về hỗ trợ từ NSTW cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2023 và các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định ngân sách, căn cứ Luật NSNN, đề xuất của Bộ Công an, thực tiễn triển khai thời gian vừa qua, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung có mục tiêu cho từng địa phương tương ứng 21% số thu thực tế phát sinh trên địa bàn năm trước liền kề năm hiện hành để chi cho các lực lượng của địa phương.
Báo cáo cũng đã giải trình ý kiến của các ĐBQH về căn cứ phân bổ nguồn lực cho các một số chương trình, đề án đã được phê duyệt có phạm vi thực hiện bao gồm các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong các năm qua khi chưa có nguyên tắc, tiêu chí phân bổ; phương án phân bổ vốn đầu tư của 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia nguồn NSTW.
Ngoài ra, với các ý kiến của ĐBQH góp ý về từ ngữ, kỹ thuật văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, thể hiện trong Dự thảo Nghị quyết về phân bổ NSTW năm 2023 trình Quốc hội xem xét, thông qua.