Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chính thức được thông qua


Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng ngày 10/11, với 443/455 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (bằng 88,96% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong 5 dự án Luật được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4, dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật mới, lần đầu được xem xét thông qua, là dấu ấn của nhiệm Kỳ Quốc hội khóa XV trong việc kịp thời thể chế hóa đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII và định hướng Chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ khóa XV. Góp ý cho Dự án Luật các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, toàn diện để xây dựng dự án Luật.

Tại phiên họp sáng ngày 10/11, với 443/455 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (bằng 88,96% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 6 Chương, 91 Điều. Luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: việc thực hiện dân chủ ở cơ sở do nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thì thực hiện theo các quy định chung tại Chương I của Luật này; đồng thời dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (Điều 82).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, phương án tiếp thu như trên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng nhiều mặt và nhận được sự đồng thuận của Chính phủ, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động và các quy định khác có liên quan làm cơ sở để các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả.

Nhấn mạnh đến nội dung thành lập Ban Thanh tra nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay. Luật không điều chỉnh đối với doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước...

Việt Hoàng