Quyết tâm bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi
(Tài chính) Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn đã trả lời phỏng vấn của phóng viên về việc bình ổn giá sữa.
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Ngày 20/5/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó có ban hành danh mục giá bán buôn tối đa của 25 sản phẩm sữa. Tại Quyết định này cũng đã quy định việc xác định giá tối đa trong khâu bán lẻ. Theo đó, giá không được quá 15% của giá tối đa trong khâu bán buôn.
Sở dĩ có những tính toán như trên là dựa vào kết quả thanh tra 5 doanh nghiệp (DN) sữa lớn trên thị trường và cũng là các DN thuộc diện đăng ký giá tại Bộ Tài chính. Ngoài ra, chúng tôi còn xem xét các yếu tố chi phí hợp lý, căn cứ vào diễn biến tình hình giá sữa, tham khảo mặt bằng giá sữa cùng loại trên thị trường thế giới và trong khu vực.
Qua rà soát giá bán buôn tối đa 25 sản phẩm sữa trong danh mục cho thấy trên thị trường có những sản phẩm sữa hiện nay thấp hơn cả mức giá này. Người tiêu dùng băn khoăn, liệu rằng giá bán lẻ sẽ được cộng thêm 15% nữa, vô hình trung, sau khi bình ổn, có mặt hàng giá sẽ cao hơn hay không, thưa ông?
Điều này, trong công văn 6544/BTC-QLG hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Cục Quản lý giá đã có hướng dẫn cụ thể. Về nguyên tắc, giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng được xác định bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng các chi phí hợp lý khác có liên quan, nhưng tối đa không quá 15% của giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.
Những băn khoăn của người dân cũng đã được chúng tôi lường trước. Bởi thế, trong hướng dẫn các DN thực hiện, công văn của Bộ Tài chính đã quy định rõ, tỷ lệ 15% là tỷ lệ dành cho trường hợp lưu thông sản phẩm sữa tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất.
Trường hợp có nhiều khâu phân phối, giá bán lẻ tối đa cũng chỉ được xác định cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa của nhà sản xuất, nhập khẩu nhưng không được cao hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường (giá trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá). Như vậy, có nghĩa sản phẩm chỉ được cao hơn tối đa không quá 15% so với giá bán buôn tối đa, còn không được cao hơn giá bán lẻ hiện nay. Mức thấp hơn này sẽ do các DN tính toán, cân nhắc để có mức giá cạnh tranh và nhân cơ hội này chiếm lĩnh thị phần. Như vậy, các sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ có mặt bằng giá mới, thấp hơn so với giá hiện hành.
Vậy nếu trong trường hợp cơ quan quản lý giá tiếp nhận mức đăng ký giá bán lẻ tối đa của DN sản xuất và nhập khẩu sữa vượt quá 15% so với giá bán buôn sẽ xử lý ra sao?
Trong trường hợp giá bán lẻ tối đa gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá cao hơn quy định (vượt quá 15% so với giá bán buôn của nhà sản xuất, nhập khẩu), cơ quan có thẩm quyền quản lý giá có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình và xác định lại giá bán lẻ tối đa.
Nếu sau 3 lần giải trình, tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu, hoặc không thực hiện giải trình trong vòng 5 ngày làm việc; hay không thực hiện xác định giá bán buôn tối đa thì sẽ yêu cầu tổ chức, cá nhân đó phải thực hiện mức giá bán lẻ tối đa do cơ quan có thẩm quyền quản lý giá xác định.
Trả lời phỏng vấn Báo Hải quan mới đây, một chuyên gia kinh tế cho rằng, khâu giám sát, kiểm tra thực hiện và xử lý cương quyết đối với những sai phạm của DN chưa đủ mạnh. Ông có thể cho biết việc tổ chức, kiểm tra, giám sát chủ trương này được triển khai ra sao để đảm bảo giá sữa bình ổn tới tay người tiêu dùng?
Giá sữa lâu nay chỉ có tăng mà không có giảm. Mục tiêu bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là quyết tâm của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, cần sự chung sức đồng lòng của các cấp, các ngành và địa phương. Ngay sau khi ký ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị cùng vào cuộc, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thực hiện tốt chủ trương hết sức nhân văn này.
Để tổ chức thực hiện thành công, Bộ Tài chính đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành mức giá tối đa ở các khâu bán buôn, bán lẻ trên địa bàn theo quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi cũng quy định cụ thể về chế độ báo cáo của các DN. Trong vòng 3 tháng đầu kể từ ngày Quyết định số 1079/QĐ-BTC có hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương báo cáo việc tổ chức thực hiện, diễn biến giá cả sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại địa phương định kỳ vào ngày 15 và 30 hàng tháng. Từ tháng thứ tư trở đi, định kỳ trước ngày 25 hàng tháng gửi báo cáo bằng văn bản về Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính.
Xin cảm ơn ông!