Quyết tâm đạt 97% kế hoạch bao phủ bảo hiểm xã hội

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đặt chỉ tiêu hết quý III/2019, toàn ngành phải phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 97% kế hoạch; số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 8 và tháng 9 giảm 0,5% tổng số phải thu.

 Toàn ngành BHXH đang tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT nhằm hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong năm 2019.
Toàn ngành BHXH đang tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT nhằm hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong năm 2019.

Theo báo cáo từ Ban Thu (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) tại Hội nghị trực tuyến về công tác thu BHXH, BHYT tháng 8/2019, tính đến ngày 31/7/2019, tổng số thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của cả nước là 200.292 tỷ đồng, đạt 55,7% kế hoạch giao; số nợ từ 3 tháng đến dưới 6 tháng và từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, nợ trên 12 tháng đều giảm so với các tháng trước.

Ngoài ra, số người tham gia BHYT là 84,867 triệu người, đạt 99,7% kế hoạch giao, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 89,5% dân số, vượt 1,4% so với Quyết định 1167/QĐ-TTg. 7 tháng đầu năm 2019, số người tham gia BHYT tăng 796.060 người; số còn phải phát triển 5 tháng cuối năm là 562.473 người. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố có số người tham gia BHYT cao là: Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên.

Riêng số người tham gia BHXH tự nguyện toàn quốc là 424.209 người, đạt 86,4% kế hoạch giao, tăng hơn 18 nghìn người người so với tháng 6/2019; số người còn phải phát triển 5 tháng cuối năm là 66 nghìn người. Một số tỉnh, thành phố phát triển được nhiều đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong 7 tháng đầu năm 2019 như: Sơn La, Hưng Yên, Điện Biên, Hà Nam, Sóc Trăng. Số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,551 triệu người, đạt 95,1% kế hoạch giao, tăng 66.890 người so với tháng 6/2019; theo đó, số người tham gia còn phải phát triển 5 tháng cuối năm 2019 là 752 nghìn người.

Hết tháng 7/2019, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành là 16.875 tỷ đồng, chiếm 4,69% số phải thu. Trong đó, số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 6.803 tỷ đồng, chiếm 1,79% số phải thu.

Ngoài ra, theo BHXH Việt Nam, hiện toàn quốc đã ban hành 710/13.156 quyết định thanh tra đột xuất đối với các đơn vị nợ BHXH, trong đó Hà Nội ban hành 120 quyết định, TP. Hồ Chí Minh 50 quyết định. Tuy nhiên, đến nay còn 28.808 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3- 6 tháng; 12.121 đơn vị nợ từ 6- 12 tháng và 14.913 đơn vị nợ trên 12 tháng với số tiền nợ 2.896 tỷ đồng (giảm 1.274 đơn vị với 39,1 tỷ đồng so với tháng 6).

Đánh giá cao những thành tích đã được, dù còn rất nhiều khó khăn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - ông Trần Đình Liệu tiếp tục chỉ đạo, hết quý III/2019, toàn ngành BHXH phải phát triển người tham gia BHXH bắt buộc đạt 97% kế hoạch; về số nợ BHXH, BHYT và BHTN, trong tháng 8 và tháng 9, mỗi tháng phấn đấu giảm 0,5% tổng số phải thu. Đặc biệt, “BHXH Việt Nam đã giao kế hoạch cho từng địa phương và không có chuyện “ưu ái” địa phương này, địa phương kia, nhất là trong công tác thu, thu nợ BHXH. Số nợ BHXH tính trên số phải thu, không thể “ẩn” lấy thành tích"- ông Liệu nhấn mạnh.

Để đạt được kế hoạch đề ra, ông Trần Đình Liệu đề nghị các địa phương tập trung mọi nhân lực, nguồn lực, giải pháp để tổ chức triển khai hiệu quả công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và BHTN. Trong đó, tập trung khai thác dữ liệu thuế phục vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất đối với các đơn vị nợ, đơn vị chưa tham gia BHXH hoặc tham gia chưa đủ số lao động; kiên quyết chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với các đơn vị cố tình vi phạm.

Đồng thời, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, huyện bám sát các đơn vị sử dụng lao động, cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHYT, cơ quan tài chính đôn đốc, phấn đấu thu đủ số tiền phát sinh phải thu trong tháng và số tiền còn phải thu của những tháng trước theo Thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN. Giám đốc BHXH tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể và đánh giá kết quả công tác đối với từng cán bộ thu trong việc rà soát dữ liệu thuế, phát triển người tham gia BHXH bắt buộc; đôn đốc thu, giảm nợ.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành BHXH từ nay đến hết năm cần quyết liệt triển khai nhiệm vụ với tinh thần chủ động, nhiệt tình, trách nhiệm không chỉ trong công tác thu mà trên mọi lĩnh vực, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chung của toàn Ngành. Các ban nghiệp vụ tích cực ghi nhận những kiến nghị của BHXH các địa phương, kịp thời giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền, hoặc báo cáo lãnh đạo ngành giải quyết (nếu vượt quá thẩm quyền) để đạt hiệu quả cao nhất.

Từ nay đến cuối năm, toàn ngành BHXH Việt Nam phải khai thác mở rộng 31.000 lao động tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó, Thanh hoá còn 10.000 lao động, Vĩnh Phúc 9.000 lao động, Hải Dương 16.000 lao động, Thái Nguyên 13.000 lao động, Đồng Nai 49.000 lao động, TP. Hồ Chí Minh 160.000 lao động, Bình Dương 67.000 lao động, Long An 22.000 lao động, Đà Nẵng 17.000 lao động và Tiền Giang 14.000 lao động…