Quyết tâm đổi mới và động lực từ hội nhập
“Thị trường, thị trường, thị trường hơn nữa! Tự do, tự do, tự do hơn nữa! Phải xây dựng được một thể chế kinh tế thị trường cạnh tranh trật tự và công bằng trên cơ sở quyết tâm đổi mới và động lực từ hội nhập”. Đây là những mong mỏi đến cháy bỏng của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung khi trao đổi về định hướng cho công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Những kết quả ban đầu tích cực
Quá trình tái cơ cấu kinh tế của nước ta giai đoạn 2012 - 2015 đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, dù dư địa để cải thiện còn khá nhiều. Theo Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) Nguyễn Anh Dương, tái cơ cấu kinh tế diễn ra trong điều kiện bất ổn kinh tế vĩ mô khá nghiêm trọng, những kết quả đạt được là đáng ghi nhận. Ổn định kinh tế vĩ mô liên tục được giữ vững. Chỉ số an toàn quốc gia được nâng cao, môi trường kinh doanh có sự cải thiện. Phản ứng của thị trường là khá tích cực. Xu hướng hồi phục tăng trưởng kinh tế đang ngày càng rõ nét. Hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp đã được cải thiện đáng kể. Các hoạt động đầu tư công, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), của hệ thống ngân hàng thương mại đã trở nên minh bạch hơn, có sự giám sát lớn hơn.
Cụ thể, theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2015 vừa được CIEM công bố, trong lĩnh vực đầu tư công, quá trình tái cơ cấu đã tập trung vào 4 hướng chính là siết chặt kỷ luật đầu tư công, luật hóa các hoạt động đầu tư công, mở rộng cơ hội hợp tác công tư và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Hiệu quả đầu tư của nền kinh tế thể hiện qua chỉ số ICOR đã có nhiều cải thiện giảm từ 5,9% năm 2012 xuống 5,18% năm 2014. Giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ nguồn Ngân sách Nhà nước, đồng thời tăng dần tỷ trọng nguồn vốn vay.
Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản còn thiếu chiều sâu. Các sai phạm trong công tác đầu tư công vẫn còn khá phổ biến. Kỷ luật đầu tư công trong thực hiện còn rất lỏng lẻo, mặc dù xét về mặt văn bản pháp luật là khá chặt chẽ. Việc phân bổ vốn đầu tư công vẫn đang thực hiện theo các quyết định chính trị hơn là dựa vào hiệu quả của dự án mang lại. Kẽ hở lớn nhất trong đầu tư công là việc tiếp tục duy trì cơ quan chủ quản, các dịch vụ công ích vẫn do Nhà nước đảm nhiệm.
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, ngân hàng nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt nhưng thận trọng trong việc xử lý nợ xấu và củng cố an toàn hệ thống. Những giải pháp này đã đưa nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng thương mại giảm dần xuống dưới 3%. Tỷ lệ an toàn vốn CAR theo quy định phải đạt trên 9 điểm thì toàn hệ thống từ đầu năm 2012 đến nay đều đạt trên 13 điểm và thời kỳ năm 2012 đạt gần 15 điểm. Những thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô có phần đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng. Kiềm chế lạm phát, ổn định tiền tệ, hạ thấp lãi suất, tăng dự trữ ngoại hối… là những chỉ số mạnh cho thấy những bước đi thận trọng tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại đã mang lại những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Trong lĩnh vực DNNN, hoạt động tái cơ cấu tập trung vào thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đẩy mạnh cổ phần hóa, minh bạch hóa các hoạt động quản lý, và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 234/432 DNNN, đạt 54% số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa. Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN có nhiều cải thiện. Có thể thấy quá trình cổ phần hóa DNNN đã được tái khởi động mạnh mẽ.
Đòi hỏi thay đổi từ tư duyTheo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 tới đây cần tập trung thay đổi tư duy nhà nước để thị trường phát triển tốt hơn. Chìa khóa để tập trung tái cơ cấu và tái cơ cấu thành công là phải “Thị trường, thị trường, thị trường hơn nữa! Tự do, tự do, tự do hơn nữa! Cần xây dựng được một thể chế kinh tế thị trường cạnh tranh trật tự và công bằng trên cơ sở quyết tâm đổi mới và động lực từ hội nhập. Trong đó, thay đổi tư duy, thu hẹp phạm vi, thay đổi vai trò, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Đồng thời, thay đổi công cụ quản lý, cách thức quản lý nhà nước.
Để làm được điều này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, vai trò, chức năng của các Bộ, ngành phải thay đổi lại. Hiện tại, các Bộ, ngành cùng lúc đứng 3 vai: chức năng chủ sở hữu, chức năng giám sát thị trường, chức năng hoạch định chính sách… Các chức năng này xung đột lợi ích với nhau. “Anh không thể giám sát thị trường khi anh có đội ngũ doanh nghiệp do anh sở hữu. Khi anh thực hiện chiến lược của ngành, anh sẽ chú ý doanh nghiệp của anh làm chiến lược và thực thi chiến lược… cách làm này không công bằng, không tạo ra cơ hội cạnh tranh để thu hút nguồn lực xã hội”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn đặt ra rất bức thiết trên một số lĩnh vực trọng tâm. Báo cáo của CIEM đưa ra khuyến nghị, trong lĩnh vực đầu tư công, tái cơ cấu cần theo hướng thực hiện phân bổ đầu tư công theo khuôn khổ đầu tư trung hạn. Đổi mới tổ chức bộ máy giám sát và thẩm định đầu tư theo hướng tổ chức các hội đồng chuyên môn tư vấn cho cơ quan giám sát và thẩm định. Mở rộng chức năng giám sát thẩm định trên các tiêu chí hiệu quả đầu tư, tiết kiệm hơn là chỉ tập trung giám sát tuân thủ quy trình đầu tư. Quyết liệt hơn trong việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, tăng cường kỷ cương trong việc thực hiện các chỉ thị, quyết định, nghị định và các văn bản pháp luật trong vấn đề thực hiện đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.
Trong lĩnh vực ngân hàng thương mại, cần nhanh chóng giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngoại bảng của các ngân hàng thương mại để có thể kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%. Nhanh chóng phổ cập áp dụng chuẩn mực quản trị hệ thống các ngân hàng thương mại theo chuẩn Basel II. Phát triển các thị trường giao dịch các sản phẩm tài chính phái sinh. Tăng tính minh bạch và công khai trong hoạt động của ngân hàng thương mại để bảo đảm cung cấp đủ thông tin cho các chủ thể tham gia thị trường đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống.
Đi cùng với đó, cần tập trung vào đổi mới thể chế và cách thức quản trị DNNN và quản lý nhà nước đối với DNNN theo hướng các DNNN phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Nghiêm ngặt áp dụng nguyên tắc ngân sách cứng đối với DNNN. Tiến hành cổ phần hóa thực chất các DNNN với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài chứ không chỉ là sự sở hữu chéo của các DNNN với nhau.
Ngoài ra, cần nỗ lực tạo đột phá đáng kể đối với hai nút thắt quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, đó là chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Tập trung thiết lập và hoàn thiện thể chế để hình thành, phát triển và hoàn thiện các thị trường, nhất là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, thị trường quyền khai thác tài nguyên, thị trường chứng khoán, thị trường KHCN…
Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 phải xác định trọng tâm là thay đổi tư duy và vai trò quản lý kinh tế của bộ máy Nhà nước. Bộ máy Nhà nước phải cấu trúc lại chức năng vai trò của các Bộ vì hiện nay các Bộ thực hiện nhiều chức năng cùng một lúc, chủ sở hữu, giám sát thị trường, hoạch định chính sách mà những chức năng này lại xung đột lợi ích với nhau.-Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành