Rà soát, làm rõ tính khả thi của Quỹ bảo tồn di sản văn hoá

Trần Huyền

Thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại hội trường sáng 26/6, đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ hơn về cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý và mục tiêu của Quỹ bảo tồn di sản văn hoá để đảm bảo tính khả thi, thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và các quy định khác có liên quan.

Các đại biểu tại phiên họp.
Các đại biểu tại phiên họp.

Theo dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi trình Quốc hội, Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền. Quỹ phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích do Nhà nước quản lý; mua và đưa cổ vật, di sản tư liệu có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; hoàn thiện các sưu tập di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có giá trị của Việt Nam cho các bảo tàng công lập.

Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài NSNN. NSNN không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ. Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; thực hiện việc lập dự toán, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán, quyết toán tài chính và thực hiện kiểm toán theo quy định, bảo đảm công khai tài chính và minh bạch kết quả hoạt động.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Văn Thức - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thống nhất sự cần thiết thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Theo Đại biểu, đây là một giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Góp ý hoàn thiện dự thảo, đại biểu Trần Văn Thức đề nghị rà soát, thiết kế lại khoản 4, Điều 90 về Nguyên tắc thành lập Quỹ. Theo đó, thay đổi từ “Nguyên tắc thành lập Quỹ” thành “Nguyên tắc hoạt động Quỹ bảo tồn di sản văn hóa” và bổ sung các nguyên tắc hoạt động của Quỹ cho phù hợp.

Cùng quan tâm về nội dung này, đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho biết, khoản 1, Điều 90 của dự thảo Luật quy định, Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được NSNN đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ…

Bên cạnh đó, tại khoản 3 và khoản 5 Điều 90 quy định, Quỹ bảo tồn di sản văn hóa có tư cách pháp nhân; có con dấu riêng. Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

Theo đại biểu Sùng A Lềnh, Luật NSNN năm 2015 và Điều 12 Nghị định 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật NSNN không quy định về tư cách pháp nhân của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ hơn về cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý và mục tiêu của Quỹ để đảm bảo tính khả thi, thống nhất với Luật NSNN và các quy định khác có liên quan.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, để thể chế hóa đầy đủ hơn các chủ trương của Đảng, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nghiên cứu bổ sung, làm sâu sắc hơn các chủ trương như: huy động sức mạnh của toàn xã hội, nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội...

Tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, dự thảo Luật đã đề cập đến hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, huy động các nguồn lực, nhân lực, ngân sách để đạt hiệu quả cao nhất cho hoạt động này. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung một số chính sách liên quan đến nhân tố thụ hưởng như chế độ miễn phí với các chủ thể đặc biệt khi tham quan các công trình được công nhận là di tích lịch sử quốc gia như người có công với cách mạng, học sinh, sinh viên, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, phái đoàn ngoại giao, người cao tuổi...