Thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình thận trọng, đảm bảo công bằng
Thảo luận về cải cách tiền lương, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan cần được tiếp tục xem xét theo lộ trình từng bước, thận trọng, chắc chắn, nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách và đảm bảo công bằng.
Chiều nay, 25/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Các đại biểu cơ bản nhất trí với quan điểm cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. Các nội dung đề xuất của Chính phủ trong việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 01/7/2024 đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 83-KL/TW.
Thống nhất với đề xuất của Chính phủ, đại biểu Lê Kim Toàn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng, trong khi chưa thực hiện được các bảng lương và phụ cấp mới của khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW thì việc tăng lương là cần thiết. Đại biểu đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng thang bảng lương mới và xác định được các vị trí việc làm, mô tả các vị trí việc làm và trả lương theo mô tả như yêu cầu của Nghị quyết Trung ương.
Theo đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, thời điểm này điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng là hợp lý. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị quan tâm thêm việc sắp xếp lại hệ thống thang bảng lương và các phụ cấp kèm theo, từ đó tính tổng thu nhập của mỗi chức vụ để xây dựng bảng lương đảm bảo công bằng và hợp lý giữa các đối tượng hưởng lương.
Đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, khi tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các bảng lương mới và chế độ phụ cấp cần phải xem xét thận trọng, trên cơ sở tổng quan giữa các đối tượng, thành phần được hưởng lương, có lộ trình hợp lý; đảm bảo công bằng, tránh tâm tư sau khi thực hiện cải cách tiền lương.
Cũng thảo luận về nội dung này, đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang lưu ý, cần nghiên cứu đến có các giải pháp giảm thiểu tối đa tác động đến tăng giá, lạm phát để đảm bảo ý nghĩa của việc tăng lương. Theo đại biểu Lê Minh Nam, cần xem xét các yếu tố tác động đến giá cả các mặt hàng chiến lược, kể cả từ bên trong và bên ngoài. Đại biểu phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, những yếu tố bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, đặc biệt là khi nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh trong nước.
Do đó, đại biểu cho rằng cần có những chính sách để hỗ trợ, kiểm soát nhằm hạn chế tác động của giá trên thế giới đến thị trường trong nước. Đồng thời, cần quan tâm bảo đảm nguồn cung hàng hóa, dịch vụ, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng đến giá. Về dài hạn, đại biểu cho rằng, cần thực hiện tốt các chính sách tài khóa, tiền tệ để kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy để phát triển kinh tế.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị tăng cường sự kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng tăng lương nhưng đời sống của người dân lại không được tăng.