Ráo riết chia cổ tức cuối năm
Chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2018. Vì vậy nhiều ngân hàng chưa thực hiện chia cổ tức năm 2017 đang ráo riết lên kế hoạch.
Hoạt động ngân hàng dần tốt hơn khi nợ xấu có đầu ra, tín dụng tăng, nhờ đó kết quả kinh doanh cải thiện sẽ tác động lên giá cổ phiếu, nên việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu cũng được nhiều nhà đầu tư đón nhận hơn so với những năm trước.
Cổ đông thích nhận cổ phiếu
Trong quý IV/2018, giai đoạn kết thúc năm, nhiều ngân hàng đã gấp rút thực hiện công bố phương án chia cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố thông tin liên quan đến việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7,4%, tương ứng với phát hành hơn 39,3 triệu cổ phiếu.
Tương tự, HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2017 và phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Theo thông báo của nhà băng này, 28/12 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu. Đồng thời, đây cũng là ngày ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm với tỷ lệ 26,66%. Giá bán ra công chúng là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng cộng, LienVietPostBank sẽ phát hành và chào bán gần 237,5 triệu cổ phiếu. Trong đó, ngân hàng phát hành gần 37,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017 và chào bán 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng vừa có thông báo thay đổi thời gian chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức và chia thưởng cổ phiếu năm 2017. Theo đó, ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/12 và ngày đăng ký cuối cùng là ngày 10/12. Cổ đông của ngân hàng sẽ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,38% và nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 19,735%.
Giới đầu tư đánh giá nếu như các năm trước, việc chia cổ tức là câu chuyện "khó nói" của các ngân hàng, khiến không ít cổ đông ấm ức do giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thì hiện tại, tình hình đã đảo ngược.
Một năm trở lại đây, diễn biến giá cổ phiếu khởi sắc, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu lại được cổ đông đón nhận. Điều này cũng giúp cho nhiều ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc đưa ra quyết định chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Luật sư Ts. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng Tp.HCM, nhận định với kết quả kinh doanh cải thiện, nhiều nhà băng mạnh tay chia cổ tức, tạo tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, nhất là khi cổ phiếu "vua" đã tăng so với trước.
Nhìn một cách bao quát hơn, một số chuyên gia cho rằng thuận lợi trong kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp ngân hàng bắn "một mũi tên trúng hai đích", đó là vừa trả được cổ tức cho cổ đông, nhưng đồng thời cũng giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng theo Thông tư 36/2014/ của Ngân hàng Nhà nước quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn.
Một mũi tên trúng hai đích
Hiện, vốn điều lệ của ABBank đứng ở mức 5.319 tỷ đồng, dự kiến việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp nhà băng này đạt được mục tiêu trong năm nay sẽ tăng thêm hơn 393,6 tỷ đồng lên 5.713 tỷ đồng.
Với nguồn vốn tăng thêm, theo kế hoạch, ABBank sẽ sử dụng 20% để bổ sung nguồn vốn kinh doanh nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường bán lẻ. Ngoài ra, dùng 50% để đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ; dùng 30% để đầu tư nâng cấp các trụ sở địa điểm giao dịch.
Hay như LienVietPostBank sau khi thực hiện việc trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 5%, tương ứng gần 37,5 triệu cổ phiếu và chào bán thêm 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà băng này dự kiến sẽ thu về gần 2.375 tỷ đồng.
Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết số tiền này sẽ được sử dụng vào việc nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của ngân hàng tại thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước khi quy mô tổng tài sản của ngân hàng ngày càng tăng.
Đồng thời, đầu tư cho công tác phát triển mạng lưới, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản trị ngân hàng và cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại và cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Tương tự, với việc sẽ phát hành gần 53,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành thêm 131,4 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ của TPBank dự kiến tăng lên 8.566 tỷ đồng.
Có thể thấy nhiệm vụ tăng vốn điều lệ ở các ngân hàng chưa bao giờ là dễ dàng. Các ngân hàng thường có hai lựa chọn cách tăng vốn. Một là tăng vốn cấp 1 thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ hoặc giữ lại lợi nhuận hoặc sáp nhập. Hai là tăng vốn cấp 2 bằng hình thức phát hành giấy tờ có giá (trái phiếu hay chứng chỉ tiền gửi) theo quy định.
Tuy nhiên, năm 2018 được đánh giá là năm thuận lợi để các ngân hàng tăng vốn thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng, cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, nhờ sức nóng của thị trường chứng khoán.