Rèn luyện đạo đức trong công tác xây dựng Đảng ngành Ngân hàng
Xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên Ngân hàng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Năm 2022 đánh dấu sự thay đổi trạng thái bình thường mới nền kinh tế của cả thế giới sau thời kỳ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 tuy nhiên lại bùng nổ cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukraine và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến cho nền kinh tế của thế giới ngày càng phức tạp.
Đầu năm 2023 xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới đang phục hồi với lạm phát giảm và tăng trưởng ổn định. Mặc dù lạm phát đã giảm khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và giá thực phẩm, năng lượng giảm, nhưng áp lực giá cả vẫn lớn, với tình trạng thị trường lao động thắt chặt ở một số nền kinh tế tại các quốc gia lớn.
Tại Việt Nam, tăng trưởng GDP cũng theo xu hướng giảm tốc trên toàn cầu, giảm so với cùng kỳ phản ánh tác động từ sự suy yếu của sản xuất công nghiệp và xuất khẩu khi nhu cầu thế giới suy giảm. Sự kết hợp của các yếu tố trong và ngoài nước đã góp phần làm gia tăng bất ổn trong ngành tài chính, ngân hàng của Việt Nam.
Lạm phát và lãi suất tăng trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam, với việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất chính sách lên 200 điểm cơ bản. Những bất ổn của thị trường tài chính nói chung cũng dẫn đến những rủi ro đạo đức vô cùng lớn trong ngành Ngân hàng, do đây là ngành kinh doanh đặc biệt, nhạy cảm, gắn chặt với tiền và luôn đối mặt với nhiều rủi ro.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm lên tới hàng ngàn tỷ đồng do cán bộ ngân hàng làm sai dưới nhiều hình thức: cho vay khi tài sản thế chấp chưa đăng ký giao dịch đảm bảo, cho vay khách hàng không đủ điều kiện vay vốn, cho vay khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, cho vay đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng, lập khống, tất toán khống sổ tiết kiệm của khách, cạo sửa sổ tiết kiệm, cầm cố khống các giấy tờ giả, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Có thể thấy, rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng là loại rủi ro khó nhận biết, khó đo lường nhưng lại để lại hậu quả nặng nề, xảy ra ở nhiều vị trí từ Bộ phận Quỹ, Giao dịch viên, Cán bộ khách hàng,… tuy nhiên mấu chốt là vấn đề con người.
Mục tiêu hoạt động của ngành Ngân hàng không chỉ tối ưu hóa lợi nhuận mà còn hoạt động với tôn chỉ tăng trưởng kinh doanh song hành thực hiện tốt trách nhiệm cộng đồng, hướng tới khách hàng và người lao động. Một hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và toàn xã hội. Để có được điều đó, các tổ chức Đảng trong hệ thống ngân hàng phải luôn tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, thực hiện hiệu quả công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cán bộ ngân hàng đã cụ thể hóa lời Bác dạy thành những phẩm chất, những đức tính cần thiết đối với từng vị trí công tác, trong từng giai đoạn cụ thể, để nêu cao phẩm chất đạo đức trong việc triển khai, xử lý và thực thi công việc. Trong giai đoạn hiện nay, đạo đức ngân hàng càng được quan tâm vì trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, rủi ro đạo đức là điều luôn thường trực. Rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên Ngân hàng cần thực hiện:
Mỗi đảng viên Ngân hàng cần đề cao tính tự giác, nêu gương trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu Ngân hàng. Để xây dựng Đảng về đạo đức, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân theo tiêu chí, chuẩn mực được xác định.
Yêu cầu về đạo đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay là: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; tin tưởng vào con đường của Đảng, luôn xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân; có lòng nhân ái và gương mẫu về đạo đức, lối sống; thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đối với đảng viên ngành Ngân hàng đó là tuyệt đối gương mẫu, rèn luyện các chuẩn mực đạo đức của người đảng viên, không ngừng học tập để nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra, có thể kiêm nhiệm được nhiều vị trí trong Ngân hàng.
Đảng viên cần có tinh thần tự giác học tập, rèn luyện chuyên môn đáp ứng công việc; tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác, nâng cao năng suất lao động để đạt được hiệu quả công việc cao hơn. Mỗi cá nhân cần có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tích cực, dũng cảm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; chăm lo xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ Ngân hàng.
Có như vậy, Đảng bộ của Ngân hàng mới khẳng định được uy tín, tạo ra sức hút để tập hợp, quy tụ và phát huy cao độ sức mạnh của quần chúng trong thực hiện các nhiệm vụ của Đất nước. Các cấp ủy, tổ chức cần quán triệt cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương, làm cho việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trở thành lẽ sống hằng ngày, tạo sức lan tỏa trong Đảng và ngoài xã hội, làm cho cái tốt, cái đẹp được nhân lên, cái xấu và cái tiêu cực bị đẩy lùi.
Thực hiện tốt các nội dung trong xây dựng Đảng về đạo đức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, điều lệ Đảng, tránh quan liêu, tham nhũng. Đây là giải pháp quan trọng để xây dựng Đảng về đạo đức, được các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai với nhiều cách làm mới, hiệu quả, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, “góp phần củng cố, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn tình trạng suy thoái” của cán bộ, đảng viên.
Trong đó, đối với đảng viên ngành Ngân hàng, cần xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định, xử lý nghgiêm các vụ việc vi phạm, liên quan đến các rủi ro đạo đức xảy ra trong ngân hàng từ các bộ phận xuất hiện tình trạng vi phạm đạo đức như Gian lận tiền/tài sản của khách hàng xảy ra ở bộ phận kho Quỹ, làm giả chứng từ, tẩy xóa sổ tiết kiệm của khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản tại bộ phận quầy giao dịch, gian lận trong quá trình cho vay của bộ phận thẩm định tín dụng... Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Để thực hiện việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả cao, trở thành việc làm thường xuyên của các tổ chức đảng cũng như cán bộ, đảng viên trong ngành Ngân hàng, cần tiếp tục đẩy mạnh với tinh thần kiên quyết, kiên trì, “xây” đi liền với “chống”, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu Đảng bộ Ngân hàng.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền quá trình tổ chức thực hiện, biểu dương những nơi làm tốt, phản ánh, nhân rộng những việc tốt, người tốt; đồng thời, tích cực nhắc nhở, phê phán nghiêm khắc những nơi làm chưa tốt, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí.
Với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của Nhân dân, thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là việc xử lý những vụ tham nhũng lớn bằng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã mang lại hiệu quả quan trọng, góp phần cảnh tỉnh, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về mọi mặt, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Phát huy kết quả đó, Đảng bộ Ngân hàng các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm cao, sự kiên trì, kiên quyết, bằng những giải pháp đồng bộ. Bên cạnh việc đấu tranh xử lý những vụ tham nhũng lớn, cần có những biện pháp răn đe thích đáng để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí và đẩy mạnh giáo dục, xây dựng đạo đức, phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên Ngân hàng, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhằm triệt tiêu hành vi “tham nhũng vặt” gây bức xúc đối với Nhân dân.
Phát huy vai trò của tập thể trong giám sát cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, Đảng bộ Ngân hàng phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho Đảng viên về quyền được tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về phát huy dân chủ. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, có nhiều hình thức để đảng viên Ngân hàng thực hiện quyền giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; làm tốt công tác khen thưởng, động viên đối với những người dân kịp thời phát hiện, tố cáo các vụ, việc sai phạm của cán bộ, đảng viên; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, trù dập người phát hiện, tố cáo.
Xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên Ngân hàng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ mới như lời Bác Hồ đã căn dặn trong Thư gửi Hội nghị cán bộ Ngân hàng: “Mỗi cán bộ Ngân hàng phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân được nhiều và tốt hơn”.