Rửa tiền, vì sao khó khởi tố?
(Tài chính) Việt Nam dù đã có quy định tội rửa tiền cho phù hợp với công ước quốc tế nhưng đến nay các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn chưa xử lý hình sự được một vụ rửa tiền nào, vì sao?
Tội rửa tiền là một tội mới được quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Điều 251) thay cho tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Theo quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác…
Thiếu hướng dẫn về tội phạm
Thực tế từ đó đến nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa xử lý hình sự được một vụ rửa tiền nào dù vẫn triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức, nhiều đường dây buôn lậu, buôn bán ma túy… Qua các vụ phạm tội này, cơ quan chức năng cũng phát hiện ra nhiều tiền, tài sản mà người phạm tội đã hợp pháp hóa thông qua việc thành lập công ty, kinh doanh bất động sản, chứng khoán…
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này mà đáng chú ý nhất là việc thiếu hướng dẫn. Trước hết là về mặt khái niệm. Pháp luật nước ta chưa giải thích rõ ràng, đầy đủ về các hành vi rửa tiền. Trong khi đó, theo Công ước Palermo năm 2000 của Liên Hiệp Quốc, các quốc gia phải hình sự hóa bốn nhóm hành vi rửa tiền: Nhóm hành vi chuyển đổi, chuyển nhượng tài sản biết rõ là phạm tội mà có với mục đích che giấu hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản… Nhóm hành vi che giấu hoặc ngụy trang bất cứ khía cạnh thông tin nào về tài sản biết rằng do phạm tội mà có. Nhóm hành vi nhận, sở hữu, sử dụng tài sản mà vào thời điểm nhận biết rằng do tội phạm mà có. Nhóm hành vi tham gia, phối hợp hay thông đồng, âm mưu, hỗ trợ, xúi giục, tạo điều kiện và hướng dẫn thực hiện bất kỳ hành vi phạm tội nào nói trên.
TS Đỗ Đức Hồng Hà (Phó Trưởng ban Thư ký Văn phòng Bộ Tư pháp) phân tích thêm: Trong cấu thành tội phạm tội rửa tiền ở nước ta hiện nay không quy định cụ thể số lượng tiền, tài sản được rửa có giá trị bao nhiêu thì phạm tội. Luật không quy định, hướng dẫn lại không có nên các cơ quan tố tụng không có căn cứ để xử lý hình sự dù có thể vẫn phát hiện ra dấu hiệu rửa tiền.
Thẩm phán Lê Thành Văn (Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh) và Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP. Hồ Chí Minh) cũng đều đồng quan điểm là một khi chưa có hướng dẫn cụ thể thì chưa áp dụng được tội rửa tiền. Bởi lẽ khái niệm chung về hành vi rửa tiền thì có thể ai cũng hiểu nhưng để chứng minh đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự là rất khó.
Thiếu cơ chế quản lý tiền mặt minh bạch
Một nguyên nhân khác, theo ThS Nguyễn Trường Tín (giảng viên Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh), người Việt Nam có thói quen xài tiền mặt, hạn chế việc giao dịch, thanh toán qua ngân hàng. Trong khi hiện nay chúng ta lại đang thiếu một cơ chế quản lý tiền mặt rõ ràng nên khó có thể làm minh bạch nguồn gốc các khoản tiền. Đây là việc cần phải cải thiện nếu muốn nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền.
Đồng tình, kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm III Viện kiểm soát nhân dânTối cao) bổ sung: Trong thời hội nhập, việc rửa tiền nhiều khả năng chứa đựng nhân tố nước ngoài. Chẳng hạn, người nước ngoài hợp pháp hóa tiền, tài sản ở Việt Nam hoặc ngược lại, người Việt Nam có thể hợp pháp hóa tiền, tài sản ở nước ngoài thông qua tổ chức tài chính nào đó. Vì vậy, để phát hiện hành vi rửa tiền, cần mở rộng hợp tác tư pháp quốc tế nhưng điều kiện này ở ta đang còn hạn chế.
“Đối với tội phạm trong nước, khi phát hiện có hành vi liên quan đến việc sử dụng tiền, tài sản biết rõ do phạm tội mà có, các cơ quan tố tụng thường xử lý về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bởi hành vi rửa tiền không chỉ khó phát hiện mà nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì không thể xử lý hình sự” – ông Thêm cho biết.
Một số vụ án nước ngoài đã kết tội rửa tiền
Nghị viện Mỹ Tom DeLay bị kết tội rửa tiền
Năm 2010, cựu lãnh đạo đa số trong Hạ viện Mỹ Tom DeLay đã bị kết án chung thân về tội rửa tiền và âm mưu rửa tiền. Các công tố viên cho biết DeLay đã sử dụng Ủy ban Hành động chính trị của mình rót 190.000 USD trái phép vào quỹ từ thiện của các công ty trong cuộc chạy đua vào Quốc hội bang Texas hồi năm 2002. DeLay từng nắm vị trí số hai trong Hạ viện Mỹ, từng là một trong những nghị viên mạnh mẽ nhất của đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ.
Úc xét xử 6 bị cáo gốc Việt
Năm 2009, một tòa án tại Úc đã phạt 6 người Úc gốc Việt từ năm năm tù đến 12 năm tù vì tham gia đường dây rửa tiền lớn nhất từ trước tới nay tại nước này. Từ tháng 12-2005 tới tháng 10-2006, có 68 triệu Úc kim thu lợi từ tội phạm ma túy đã được “rửa” thông qua các văn phòng chuyển tiền ở Footscray, Saint Albans, Cabramatta, ngoại ô Sydney và Bankstown. Sau khi nhận tiền mặt từ khách hàng, các văn phòng này đã trao cho hai phi công của hãng hàng không Việt Nam Airlines cầm về Việt Nam giao cho các cơ sở kinh doanh thuộc gia đình của một phụ nữ Melbourne.
Rửa tiền là thách thức với Trung Quốc
Tội rửa tiền tại Trung Quốc nằm trong nhóm tội tham nhũng. Theo các chuyên gia nước này, quan tham ở Trung Quốc có thể dễ dàng “xách tay” nhiều tỉ USD ra khỏi đất nước, tậu bất động sản cao cấp ở nước ngoài, tiêu tiền cho gái, đánh bạc… Năm 2010, các cơ quan thanh tra kỷ luật của Trung Quốc đã thực hiện 140.000 vụ thanh tra tham nhũng với kết quả là 145.000 người phải nhận hình phạt.