Rủi ro của doanh nghiệp thời hội nhập: Nút thắt và giải pháp tháo gỡ
Hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ là bức tranh toàn màu hồng vì bên cạnh thuận lợi còn có sự gia tăng những rủi ro pháp lý của doanh nghiệp (DN) trong giao thương quốc tế. Vì vậy, với chỗ đứng của “người đến sau”, DN của Việt Nam luôn cần những khoảng thời gian để làm quen, bươn trải trong một sân chơi rất phức tạp, có nhiều quy định khác nhau.
Thực tế hiện nay, đa phần các DN với kinh nghiệm thị trường non trẻ, nguồn lực hạn chế thì những biến động của thị trường thời siêu hội nhập, siêu cạnh tranh có thể sẽ khiến các doanh nghiệp đứng trước nhiều rủi ro ở nhiều cấp độ khác nhau.
Lo lắng về vấn đề rủi ro trong DN, bà Nguyễn Thị Tòng, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày Việt Nam cho rằng: Trong một số trường hợp, do không vững về nghiệp vụ nên DN không lưu ý hết các điều kiện ràng buộc dẫn đến khi xảy ra tranh chấp thường bị thua thiệt. Nhiều DN không hiểu hết pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế nên bị động trong đàm phán, giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết thông tin về nhu cầu thị trường, khả năng đối tác, đối thủ cạnh tranh... DN còn lúng túng do thiếu cơ sở dữ liệu để chứng minh mình đúng khi có tranh chấp xảy ra mà vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da là một ví dụ điển hình.
Phần lớn DN chưa nhận thức hết các rủi ro, chưa có sự đề phòng thích đáng và sẵn sàng đối mặt với môi trường kinh doanh quốc tế... Hiệp hội kiến nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ kịp thời và được công nhận mỗi khi có tranh chấp xảy ra, mặt khác cơ quan chức năng cần nâng cao hoạt động cảnh báo.
Đồng quan điểm với bà Tòng, đại diện TCty Thuốc lá Việt Nam cũng cho biết họ đã từng bị Cty của một nước khác đăng ký chiếm đoạt nhãn hiệu hàng hóa tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây tác hại nghiêm trọng đến quyền lợi.
Xuất phát từ nhu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, vị đại diện này kêu gọi DN Việt cần rút kinh nghiệm vì trước đây chưa quan tâm nhiều đến việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ra nước ngoài để chuẩn bị cho chiến lược xuất khẩu. Vấn đề này cần được thay đổi và điều đáng ghi nhận là thời gian gần đây đang thay đổi theo chiều hướng tích cực. Còn ông Nguyễn Văn Du, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra TCty Hàng không lại đánh giá về nguyên nhân gây ra rủi ro pháp lý có nhiều, biểu hiện dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Một số nguyên nhân chính như: rủi ro về luật pháp, văn hóa-xã hội, chính trị, về sự liên quan đến kinh nghiệm và khả năng của DN, tập quán thương mại, yếu kém của nguồn nhân lực... và ông đề nghị, ở cấp vĩ mô, cần có những cải cách hệ thống pháp luật, luật hóa đầy đủ và rõ ràng bằng những quy phạm thực chất điều chỉnh nội dung có tác dụng ngăn ngừa rủi ro; thiết lập các tổ chức hỗ trợ, xây dựng các chính sách, cơ chế hỗ trợ DN; học tập một cách có chọn lọc cách thức quản trị rủi ro từ các hãng, Cty khác; thông tin cập nhật các rủi ro; đầu tư cho nguồn lực con người; sử dụng tư vấn luật...
Bên cạnh các doanh nghiệp thì một số ngân hàng Việt Nam đã phải gánh chịu những thiệt hại nhất định từ việc thực hiện phương thức thanh toán quốc tế với đối tác nước ngoài. Đó là trường hợp nhận hàng chậm, kém chất lượng nhưng vẫn phải thanh toán cho bên nước ngoài; không bán được hàng tạm nhập tái xuất do bị đối tác nước ngoài câu kết với nhau thực hiện hành vi lừa đảo; không nhận được tiền bán hàng do bên thứ ba yêu cầu tòa án phong tỏa số tiền đó để thu nợ... nguyên nhân là DN của ta không hiểu quy định, không xác định được quan hệ giữa hợp đồng xuất - nhập khẩu với tín dụng thư.
Đây cũng là một bài học mà các DN cần kiểm tra, xác minh tư cách pháp lý và năng lực tài chính của đối tác nước ngoài trước khi ký hợp đồng. DN cần làm quen với việc thuê luật sư hoặc sử dụng chuyên gia pháp luật để soạn thảo hợp đồng khi tiến hành đàm phán. Cần chuẩn bị đội ngũ cán bộ giỏi ngoại ngữ và hiểu rõ về tập quán thanh toán quốc tế. DN cần sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế ở ngân hàng lớn - có uy tín...
Đó mới chỉ là những câu chuyện mở đầu cho một chuỗi các hoạt động đã và đang diễn ra tới đây trong môt “Thế giới phẳng”, và nếu không tìm được giải pháp hữu hiệu có thể từ ngành đang có nhiều lợi thế sẽ trở thành ngành nghề gặp nhiều khó khăn nhất trong thời TPP.
Tuy nhiên, nếu chỉ chờ những quy định của TPP buộc chúng ta phải thay đổi, Việt Nam sẽ chịu thiệt do mất đi tính chủ động của người đi trước, cũng như chậm chân hơn trong việc tương thích với hệ thống chung của cả khối.
Do đó, điều cần làm nhất của Việt Nam trong ngắn và trung hạn là đẩy mạnh cải cách thể chế theo những chủ đề yêu cầu của TPP trong giai đoạn hiệp định này chưa có hiệu lực thực thi, tức trong vòng 2 năm tới.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chơi này, nhiều chuyên gia kinh tế phân tích rằng trước mắt cần phải ưu tiên “gỡ rối” những nút thắt: Cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp quyền, và tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Thứ nhất, về cải cách hành chính, Việt Nam đang ở trong giai đoạn 3 (2011-2020) của quá trình được bắt đầu từ Đại hội Đảng lần VI (1986). Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định, quá trình cải cách này đang bị chững lại trong vài năm trở lại đây. Theo đánh giá của Bộ Nội vụ qua chỉ số PAR Index, tiến độ cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước còn chậm. Giá trị trung bình PAR INDEX 2014 của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt 76,99%, thấp hơn so với năm 2013 (77,25%).
Thứ hai, về xây dựng bộ máy pháp quyền, liên quan đến vấn đề minh bạch thông tin và chống tham nhũng trong Chương 26 của TPP, Việt Nam cũng chưa cải thiện được nhiều. Xét về khung pháp lý, Luật Tiếp cận Thông tin, công cụ rất hiệu quả ở nhiều quốc gia để chống tham nhũng, chưa được thông qua. Điều này dẫn đến tình trạng việc công khai, minh bạch hoá thông tin, và trách nhiệm giải trình của cơ quan công quyền vẫn là những điều xa lạ với người Việt.
Theo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do UNDP thiết lập, trung bình chỉ có 8 trong số 100 người biết đến, đã đọc và tin tưởng các thông báo công khai về ngân sách ở địa phương mình. Khoảng 12% người được khảo sát cho biết họ phải hối lộ để được phục vụ ở bệnh viện, và 30% những người có con đang học tiểu học nói rằng họ phải hối lộ.
Thứ ba, cải cách doanh nghiệp nhà nước là một “hòn đá tảng” khác với Việt Nam. DNNN dù chỉ chiếm hơn 1% số lượng, nhưng vẫn nắm đến 51,3% nguồn vốn xã hội. Tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước bằng khoảng 80% GDP, cao hơn rất nhiều so với mức của các quốc gia OECD và hầu hết các nền kinh tế mới nổi (thường ở dưới 15%).
Đáng lo ngại hơn, tiến trình cổ phần hoá DNNN có vẻ như đang chững lại. Trong khi đó, văn kiện Đại hội Đảng XII vừa qua tiếp tục ưu tiên cải cách DNNN, phân tách rõ ràng DNNN vì mục đích công cộng và kinh doanh, là một nhân tố chính trị thuận lợi để quá trình cổ phần hoá vàsắp xếp lại các doanh nghiệp được thực hiện nhanh hơn. Tuy nhiên, điều khó là số DNNN còn lại cần cổ phần hoá là những “miếng xương khó nhằn”, hoặc là những doanh nghiệp lớn, tạo ra nhiều lợi nhuận như MobiFone, Vietnam Airlines, hoặc là những doanh nghiệp đang chìm trong nợ và tự tái cơ cấu như Vinalines. 9 năm sau bước “hội nhập 1.0” với WTO, chúng ta lại đang đối diện với ngưỡng cửa hội nhập 2.0 khi gia nhập TPP.
Biển lớn hơn, sóng gió nhiều hơn, nhưng những khuyết tật trên cơ thể thì chưa chữa lành được bao nhiêu, sẽ khó để hy vọng TPP là thần dược, tự động đưa Việt Nam lên “tầm cao mới” như nhiều người mong đợi. Mọi việc dù sao vẫn đều phụ thuộc vào chính mình. Và các DN Việt luôn ghi nhớ phải có chiến lược quản trị rủi ro kỹ lưỡng, kiểm soát mọi vấn đề; trong trường hợp những rủi ro không thể lường trước được thì có nhiều cách để dự trù rủi ro đó, bao gồm việc mua bảo hiểm dự phòng; mời các nhà đầu tư để chia sẻ rủi ro cùng mình, từ đó xây dựng quyền lợi cũng như trách nhiệm với các nhà đầu tư; Xây dựng quỹ dự phòng rủi ro… như vậy, các nút thắt sẽ dần được tháo gỡ.