Rủi ro khi khối nội nhập siêu ngày càng lớn

Theo Lê Thúy/vnbusiness.vn

Trong 5 tháng đầu năm 2021, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 12,74 tỷ USD, khối ngoại xuất siêu 12,37 tỷ USD. Những con số này không chỉ cho thấy thực trạng phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu, mà ẩn sâu trong đó là những rủi ro mà các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phải đối mặt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực tế, nhập siêu đã quay trở lại với nền kinh tế. Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2021 cho thấy, tháng 5 ước tính nhập siêu 2 tỷ USD; lũy kế 5 tháng nhập siêu 369 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.

'Bóng ma' nhập siêu trở lại

Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc tới 23,2 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Hàn Quốc 12 tỷ USD, tăng 23,1%; nhập siêu từ ASEAN 6,6 tỷ USD, tăng 171,6%.

Việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu (nhập khẩu) từ một số thị trường đã khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất rất khó khăn trong những tháng đầu năm 2021. Điển hình là ngành thép: giá thép trong nước tăng mạnh gần 50% là hệ quả của việc phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Tại cuộc làm việc với ngành thép, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, đây là ngành công nghiệp nền tảng, vật liệu đầu vào cho các ngành kinh tế quan trọng của đất nước như cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... Tuy nhiên, thép sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ vẫn rất thiếu.

Theo thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các chủng loại thép khác phục vụ ngành chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ như thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo cơ khí, thép tấm cán nóng, thép tấm cán nguội... chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Đáng chú ý, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành thép đa số phải nhập khẩu như quặng sắt, thép phế liệu, điện cực graphite... Vì vậy, giá thành sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài.

Do đó, Bộ trưởng Công Thương đề nghị phải có cơ chế chính sách đủ mạnh và khả thi để có hướng đi rõ ràng cho ngành thép. Ngành thép cần từng bước hình thành quỹ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của các DN trong ngành để nghiên cứu đầu tư vào các phòng thí nghiệm, sản xuất ra những mặt hàng thép đặc biệt, đáp ứng được nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp chế tạo khác. Đồng thời, từng bước hình thành chuỗi DN sản xuất sản phẩm sau thép đặc biệt, không chỉ dừng lại nguyên liệu mà còn là thành phẩm.

Không chỉ sắt thép, các ngành công nghiệp khác như điện tử, dệt may, da giày... cũng chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Đáng lo ngại, tình trạng phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu đã xảy ra ở lĩnh vực nông nghiệp như chế biến điều, chế biến gỗ.

Thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập tổng cộng gần 1,2 triệu tấn hạt điều thô với trị giá lên tới 1,9 tỷ USD, tăng 300% về lượng và tăng 323,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng điều thô nhập khẩu sau 4 tháng đầu năm 2021 đã gần bằng tổng nhập khẩu cả năm 2020 (1,45 triệu tấn).

Tìm cách nâng tỷ lệ nội địa hóa 

Nhiều nhà máy điều lâm vào tình cảnh "đói nguyên liệu", tranh nhau thu mua nguyên liệu dù giá tăng mạnh. Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ, do các DN Việt Nam tranh mua nguyên liệu từ các quốc gia trồng điều ở châu Phi khiến nhà xuất khẩu đẩy giá bán lên cao.

Việc chỉ trông chờ vào nguyên liệu nhập khẩu đã tạo cơ hội làm giàu cho nông dân trồng điều và các nhà buôn điều nguyên liệu ở Tây Phi, nhưng lại khiến nông dân trồng điều ở Việt Nam "khó sống" với cây điều. Rõ ràng, ngành điều cần phải có cái nhìn, chính sách phát triển vùng nguyên liệu trong thời gian tới. 

Thời gian gần đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng liên tục có công văn kiến nghị các bộ, ngành kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập khẩu, hay nói cách khác là có tình trạng "đội lốt" xuất xứ hàng Việt Nam để xuất khẩu.

Vừa qua, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu bộ phận, chi tiết của các sản phẩm tủ bếp, tủ nhà tắm (những mặt hàng rủi ro cao) từ Trung Quốc về Việt Nam, thông qua các hình thức như: Công ty Việt Nam thành lập mới hoặc mới hoạt động trong khoảng 1-2 năm gần đây, nhập khẩu mặt hàng bộ phận tủ bếp, tủ nhà tắm, gỗ dán, sau đó gia công, lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh (hàm lượng gia công rất ít) để xuất khẩu sang Mỹ.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt 42,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 19,57 tỷ USD, tăng 51,0%; xuất siêu khoảng 3,27 tỷ USD, giảm 28,3%.

Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 7,04 tỷ USD, tăng 126,9%, nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt khoảng 1,52 tỷ USD, tăng 23,2%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 881,2 triệu USD, tăng 25,8%; nhóm lâm sản chính khoảng 1,34 tỷ USD, tăng 42,3%, nhóm đầu vào sản xuất khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 36,5%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến "bóng ma" nhập siêu trở lại.

Để giải quyết những vấn đề tồn tại của ngành công nghiệp, Bộ Công Thương mới đây cho biết đã lấy ý kiến về dự thảo đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, trong đó có 1 điều quy định chi tiết về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên giá trị gia tăng của ngành công nghiệp không cao. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp.

Vì vậy, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất. Điều này khiến cho hoạt động sản xuất trong nước thiếu tự chủ, dễ tổn thương bởi các biến động chính trị - kinh tế - xã hội trên thế giới và trong khu vực, điển hình như ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đến khu vực sản xuất vừa qua.

Bộ Công Thương cho rằng, việc thiếu một hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh khiến cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo vừa thiếu sự đồng bộ và tính liên kết, vừa không phát huy hết được tiềm năng của ngành.

Vì vậy, Luật Phát triển công nghiệp, với trọng tâm điều chỉnh là chế biến, chế tạo ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh giúp cho ngành này phát triển theo các chỉ tiêu đã xác định, mà một trong những nhiệm vụ quan trọng là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Chúng tôi mong muốn Chính phủ có chính sách tạo điều kiện cho DN có khu đất ở 3 miền Bắc - Trung - Nam làm những khu công nghiệp dệt may tập trung có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh để đầu tư dệt nhuộm, giải quyết khâu yếu của ngành. Chứ không thể nào dựa vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài trong khi quy tắc xuất xứ phải "từ vải trở đi".

 

Ông Phạm Tất Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu, các hệ thống cung cấp đã bị đứt gãy. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành, lĩnh vực phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu, thiết bị từ bên ngoài như dệt may, giày dép... Do vậy, các DN cần phải nỗ lực để vượt lên. Làm sao để DN 100% vốn trong nước vươn lên và dần chiếm một tỷ trọng xứng đáng trong bức tranh xuất nhập khẩu.

 

PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế 

Nhìn vào con số xuất nhập khẩu có thể thấy khối ngoại vẫn xuất siêu, làm chủ "cuộc chơi". Đây là mảng tối về hoạt động thương mại khi kim ngạch xuất khẩu tháng sau khi nào cũng cao hơn tháng trước, nhưng lõi bên trong thì vắng bóng DN nội. DN nội phụ thuộc nhiều vào máy móc, thiết bị, nguyên liệu từ nước ngoài, gia công cho các công ty nước ngoài.