Rủi ro từ lạm phát thấp
(Tài chính) Nửa cuối năm 2014 chứng kiến xu hướng giảm bất thường của chỉ số giá. Mới 3 năm trước chống lạm phát cao và tái lập các cân đối vĩ mô là ưu tiên số một của Chính phủ thì lạm phát thấp hiện đang đặt ra những thách thức mới cho công tác điều hành kinh tế.
Thực vậy, giá cả đang tăng chậm nhất kể từ năm 2002. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình 11 tháng năm 2014 tăng 4,3%, bằng một nửa tỉ lệ tăng trung bình trong 10 năm gần đây. Ẩn bên dưới là khuynh hướng giảm sâu và kéo dài của lạm phát lõi, cho thấy nhu cầu tiêu dùng ngày càng trì trệ. Kể từ năm 2012, cứ hết một năm thì tỉ lệ này giảm một nửa. Nhóm lương thực, thực phẩm và xăng dầu lại chỉ giảm mạnh trong nửa sau năm 2014 và do có quyền số lớn nên đã kéo CPI theo năm giảm 50% trong 5 tháng, từ 4,9% còn 2,6%.
Hiện tượng giảm giá hàng hóa cơ bản được ghi nhận trên toàn cầu, đều do nhu cầu tiêu thụ suy yếu trong khi nguồn cung tăng vọt. Chỉ số giá lương thực và thực phẩm thế giới giảm tháng thứ 16 liên tiếp. Giá dầu thế giới đã giảm 25% trong vòng 4 tháng qua. Giá dầu tương lai giảm càng làm gia tăng nguồn cung trong ngắn hạn, đẩy giá dầu tụt dốc nhanh.
Lạm phát thấp không hoàn toàn là xu hướng tích cực nếu nó làm giảm tổng cầu trong ngắn hạn và kéo lạm phát xuống thấp hơn. Người tiêu dùng có thể kỳ vọng giá cả sẽ tiếp tục giảm trong tương lai nên hạn chế chi tiêu hiện tại. Lạm phát thấp chỉ có lợi nếu giá cả chung giảm trong khi thu nhập tăng lên.
Trong khi đó, tín hiệu tiêu dùng lại chưa rõ ràng. Theo Tổng cục Thống kê, khối lượng hàng hóa và dịch vụ 11 tháng tăng 6,5% so với năm ngoái. Số liệu hàng tiêu dùng nhanh do Kantar khảo sát còn kém sáng sủa hơn: khối lượng tiêu dùng tại thành thị trong quý III/2014 giảm 1,5% so với năm ngoái trong khi ở nông thôn chỉ tăng 6,2%. Dù thế nào, môi trường vĩ mô ổn định và triển vọng kinh tế sáng hơn đã nâng cao niềm tin của người tiêu dùng (theo khảo sát của Nielsen) tại quý III/2014 lên trên 100 điểm lần đầu trong vòng 3 năm qua, báo hiệu tiêu dùng có thể cải thiện trong năm 2015.
Cũng cần nói thêm, một khi kỳ vọng lạm phát thấp bám rễ sâu thì rất khó thay đổi. Lạm phát thấp ở Nhật đã kéo dài hơn 2 thập niên. Hiện châu Âu cũng lâm vào tình trạng tương tự. Lạm phát thực tế của khu vực này thấp hơn nhiều tỉ lệ mục tiêu đặt ra, bất chấp những nỗ lực đẩy lạm phát lên qua chính sách tiền tệ nới lỏng bằng mức lãi suất thấp kỷ lục.
Đối với doanh nghiệp, giá cả hàng hóa thấp làm giảm doanh thu và tăng gánh nặng nợ thực. Doanh nghiệp khó khăn tìm nguồn thu để trả nợ nên sẽ hạn chế đầu tư và vay mượn. Tăng trưởng tín dụng thực (đã trừ lạm phát) 11 tháng vào khoảng 5% so với năm ngoái, trong khi tổng đầu tư xấp xỉ 30% GDP - đều ở mức thấp trong nhiều năm. Những lợi ích có được đến từ chi phí đầu vào giảm và hàng hóa sản xuất nội địa cạnh tranh hơn (do tỉ giá thực giảm) đều tương đối nhỏ, ngoại trừ lĩnh vực vận tải.
Điều kiện sản xuất trong nước sáng hơn, song những khó khăn của doanh nghiệp vẫn hiện hữu. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,1 trong tháng 11, cho thấy điều kiện sản xuất cải thiện tháng thứ 15 liên tiếp kể từ tháng 9.2013. Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 7,5% so với cùng kỳ. Tồn kho dù còn cao nhưng có dấu hiệu thu hẹp dần khi tốc độ tiêu thụ bắt kịp năm ngoái. Số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động xấp xỉ 60.000, cao nhất trong 3 năm qua. Khả năng tiếp cận tín dụng rất hạn chế do không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.
Giá dầu giảm đang thử thách các cán cân vĩ mô trong ngắn hạn. Trước hết là cán cân ngân sách năm 2015 khi nguồn thu từ xăng dầu chiếm khoảng 20% thu ngân sách, riêng dầu thô là 12%. Giá dầu giao ngay dao động quanh mức 70 USD/thùng, còn giá dầu dự báo trong dự toán ngân sách 2015 là 100 USD/thùng.
Một chuyên gia ước tính giá dầu giảm 20% thì ngân sách nhà nước thất thu khoảng 4%. Chính phủ cũng cho biết giá dầu giảm 1 USD thì ngân sách nhà nước hụt 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, 1/3 giá xăng là các khoản phí và thuế. Với mức giảm giá xăng 16% kể từ đầu năm, ngân sách sẽ giảm thu 1.400 đồng mỗi lít xăng (dĩ nhiên người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được khoản tương ứng). Kho bạc Nhà nước đã nâng kế hoạch phát hành trái phiếu thêm 30.000 tỉ đồng do giá dầu giảm và doanh thu thuế không đạt dự báo.
Việc trả nợ có thể gặp khó khăn hơn khi nguồn thu ngoại tệ từ dầu thô bị giảm mạnh. Tuy nợ công của Việt Nam nằm trong vùng an toàn ở hầu hết các khung phân tích của thế giới và thu ngân sách rất lớn, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào những nguồn thu kém ổn định từ dầu khí và xuất nhập khẩu.
Dẫu vậy, ảnh hưởng này bị kiềm chế một phần bởi sự mất giá của đồng yen Nhật và đồng euro. Ngoài ra, giá dầu giảm là dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới suy giảm. Khi nhu cầu thu hẹp, buộc các nhà sản xuất cắt giảm chi phí bằng cách chuyển các nhà máy sang các nước đang phát triển. Trong đó, Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến tiềm năng. Vì thế, cán cân vốn Việt Nam có thể cải thiện đáng kể.