Rượu bia bất hợp pháp gây thất thu ngân sách, rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng

Thùy Linh

Ngày 8/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành Đồ uống”.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, thực hiện Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, vào tháng 10/2024 và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025.

Trong đó, ngành đồ uống, các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ là đối tượng chịu tác động trực tiếp của đề xuất điều chỉnh của Luật. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Đại diện Hiệp hội Bia-Rượu-nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngành Đồ uống luôn tuân thủ tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối các quy định pháp luật có liên quan đặc biệt là các chính sách về thuế: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… cùng với các trách nhiệm đối với xã hội. Các doanh nghiệp trong ngành cũng luôn ưu tiên cho các nghiên cứu, sáng kiến cho chất lượng và sự an toàn của sản phẩm.

Trong mấy năm trở lại đây, Ngành này đã gặp rất nhiều khó khăn do COVID-19, các cuộc xung đột trên thế giới, các chính sách quản lý hạn chế… Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã cố gắng vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp để tăng sức chống chịu, ổn định sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động.

Tại Hội thảo, góp ý với dự thảo Luật thuế TTĐB, hầu hết các chuyên gia kinh tế, tư vấn thuế, quản lý thị trường bày tỏ sự đồng thuận với dự thảo Luật Thuế TTĐB. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho hay, thuế TTĐB nhằm điều chỉnh các hàng hoá dịch vụ không phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, không khuyến khích, hạn chế tiêu dùng, hoặc thuộc nhóm sản phẩm ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường, sức khoẻ cộng đồng, an sinh xã hội.

“Việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong vấn đề phòng ngừa, kiểm soát bệnh không lây nhiễm, cụ thể thông qua chính sách thuế để giảm thiểu, kiểm soát sản phẩm có hại cho sức khỏe người dân. Việc tăng thuế cần có sự hài hoà đảm bảo hạn chế tiêu dùng, định hướng sản xuất kinh doanh và yêu cầu điều tiết của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử nhất định”, bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ.

Chuyên gia Bùi Thị Việt Lâm - Đại diện Quốc gia, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam chia sẻ, cũng giống như các quốc gia trên thế giới, sắc thuế này không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách (đóng góp trung bình khoảng 1-3% vào GDP), giúp đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà còn định hướng sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đồ uống có cồn trên thế giới được đánh thuế theo các phương pháp khác nhau, khi so sánh thuế TTĐB ở các quốc gia trên thế giới có thể thấy việc so sánh mức thuế cao thấp giữa các quốc gia là rất khó, tỉ trọng trên giá bán lẻ lại còn khó hơn vì thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn rất khác nhau ở các quốc gia, tùy thuộc rất nhiều yếu tố kinh tế, văn hóa xã hội, thu nhập người dân, các chính sách quản lý, độ tuổi cho phép uống rượu bia, thuế nhập khẩu, các sản phẩm phi chính thức... Vì vậy, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh mà các quốc gia lựa chọn phù hợp: dễ áp dụng, hiệu quả, đạt được mục tiêu.

Bùi Thị Việt Lâm cũng cho rằng, một trong những yếu tố cần lưu ý khi tăng thuế là tình trạng rượu bia bất hợp pháp trên thế giới, khu vực và các nước gần với Việt Nam đã gây thất thu ngân sách, rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hợp pháp.

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) cho biết, hiện 63% lượng rượu tiêu thụ ở Việt Nam (chủ yếu là rượu thủ công do dân tự nấu, rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ) vẫn chưa được quản lý. Tình trạng này không những gây lo ngại về sức khỏe người sử dụng mà còn gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo gánh nặng cho các cơ quan giám sát thực thi pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã kiểm tra xử lý 153 vụ liên quan đến mặt hàng rượu với số tiền xử phạt 1,5 tỷ đồng và 38 vụ liên quan đến mặt hàng bia với số tiền xử phạt 587 triệu đồng. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê cho rằng, đây thực sự là con số rất nhỏ so với thực tế.