Sạch nợ tại VAMC, lợi nhuận sẽ bứt phá?

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Các ngân hàng đã xử lý xong nợ xấu đã bán cho VAMC sẽ có sự bứt phá trong năm 2020 về lợi nhuận. Ngược lại, nhóm ngân hàng vẫn còn vướng nợ xấu tại VAMC sẽ gặp những áp lực nhất định như: giảm lợi nhuận, không được chia cổ tức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tính đến đầu tháng 1/2020 có 11 ngân hàng sạch nợ xấu tại công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC): Agribank, SeABank, VPBank, Kienlongbank, Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Nam A Bank, TPBank.

Nguy cơ không được chia cổ tức

Nợ xấu bán cho VAMC thực chất chỉ xử lý về mặt kỹ thuật hạch toán và giãn thời gian trích dự phòng chứ chưa giải quyết được bản chất nợ xấu. Nói cách khác, việc bán nợ xấu sang VAMC là giải pháp để kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống mức thấp dưới quy định, nhằm làm đẹp sổ sách.

Theo lộ trình đến hết năm 2019, các ngân hàng phải tất toán khoản nợ xấu đã bán cho VAMC. Tuy nhiên, dù rất muốn nhưng không phải nhà băng nào cũng có khả năng để nhanh chóng tất toán hết trái phiếu VAMC, nhất là những ngân hàng có khối lượng nợ xấu lớn.

Nhiều ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu như Sacombank, SCB hay ngay cả những “ông lớn” như BIDV, VietinBank cần thời gian để có thể xử lý dần dần khối nợ xấu này.

Đứng trước nguy cơ nhiều ngân hàng không thể hoàn thành quy định trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC ban hành vào năm 2016, cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa lên đến 10 năm.

Tuy nhiên, quy định mới này chỉ áp dụng cho TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án đã được phê duyệt hoặc TCTD gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành có thể dẫn đến lỗ trong năm tài chính. Vì thế, không phải ngân hàng nào muốn gia hạn cũng được.

Do đó, thời gian qua, bên cạnh một số ít nhà băng đã tất toán thành công nợ xấu bán cho VAMC, vẫn còn phần lớn ngân hàng vướng một phần, hoặc chưa thu hồi được nợ đang “gửi” tại VAMC.

Vậy, với những ngân hàng chưa tất toán với VAMC theo đúng quy định sẽ đối diện với những “án phạt” nào?

Thứ nhất, sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu VAMC, đồng nghĩa với việc lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị sụt giảm hàng năm. Thứ hai, NHNN đang dự thảo quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC thay thế cho Thông tư 19/2013, quy định các ngân hàng có nợ bán cho VAMC sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán. Quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2020.

Agribank vừa tất toán hết nợ tại VAMC
Agribank vừa tất toán hết nợ tại VAMC
 

Bứt phá lợi nhuận, cổ tức

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố báo cáo về ngành ngân hàng với nhận định chất lượng tài sản là một trong những yếu tố tác động mạnh tới lợi nhuận của các nhà băng trong năm 2020.

Theo đó, nhóm các ngân hàng đã hoàn thành việc xử lý nợ tồn đọng như Vietcombank, ACB, MB, Techcombank và VIB có lợi thế rõ ràng để duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn do không còn phải trích lập lượng lớn dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng giúp lợi nhuận không bị “ăn mòn”.

Ngược lại, nhóm đang trong giai đoạn tái cơ cấu, đặc biệt các ngân hàng có nợ tồn đọng lớn như Sacombank, VietinBank, BIDV, NCB, SHB… sẽ cần thêm thời gian để trích lập dự phòng rủi ro. Trong trường hợp hoàn tất quá trình xử lý nợ tồn đọng, nhóm này sẽ có cơ hội bứt phá lợi nhuận trong những năm kế tiếp.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng khi không còn nợ xấu tại VAMC cũng sẽ giúp lãnh đạo các nhà băng “ghi điểm” với cổ đông khi mùa đại hội cổ đông thường niên chuẩn bị bắt đầu vào năm tới và có thể là động lực giúp cổ phiếu ngân hàng tăng giá.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng muốn mua lại nợ xấu tại VAMC về để tự xử lý.

Theo đánh giá của TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng, việc xử lý dứt điểm nợ xấu tại VAMC sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong xử lý nợ xấu, tự chủ kế hoạch kinh doanh và có thể tăng trưởng bứt phá giai đoạn tới.

Tại buổi họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2019 và định hướng điều hành năm 2020 vừa được NHNN tổ chức, ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, công bố ước tính đến cuối tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ở mức 1,89%, hoàn thành mục tiêu dưới 2% hồi đầu năm.

Tính từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt.

Như vậy, trung bình mỗi tháng, toàn hệ thống xử lý được khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 4,9 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

“Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD”, ông Du đánh giá.