Sẽ có phương án xử lý với các ngân hàng mua bắt buộc 0 đồng
Báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 (Nghị quyết 01/NQ-CP).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã thống nhất 10 nhóm giải pháp chủ yếu, được cụ thể thành 138 nhiệm vụ cho từng bộ, ngành. Cụ thể 10 nhóm giải pháp như sau:
Thứ nhất là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh.
Thứ hai, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững, trong đó có việc nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, thanh toán nợ đúng hạn, không để ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia trong năm 2020.
Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn.
Trong đó, hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc. Ban hành khuôn khổ thể chế quản lý thử nghiệm (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt.
Có kế hoạch nâng xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 10 bậc, công bố sách trắng doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển và tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án lớn. Phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Thứ tư, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Thứ năm, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng, cơ cấu ngành, nghề hợp lý, có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thứ sáu, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Thực hiện hiệu quả, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Phấn đấu đến hết năm 2020 không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công với cách mạng.
Thứ bảy, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thứ tám, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thứ chín, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Cuối cùng là đẩy mạnh công tác thông tin, báo chí, truyền thông, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, ủy ban mặt trận tổ quốc, đoàn thể các cấp.
Vấn đề xử lý các ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đã mua bắt buộc 0 đồng từ thời điểm năm 2015 gồm OceanBank, CBBank (trước là VNCB) và GPBank đến nay là một vấn đề nhức nhối của ngành ngân hàng. Năm 2020, với việc nghị quyết của Chính phủ yêu cầu hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc hứa hẹn sẽ tạo bước phát triển mới trong hoạt động ngân hàng.