"Săn" cơ hội khi lãi suất và tỷ giá tăng nóng

Theo Hải Giang/vnbusiness.vn

Trước một loạt thông tin không mấy tích cực, VN-Index đang rơi vào nguy cơ hướng tới các vùng giá thấp hơn khi chỉ số chính đã xuyên thủng mốc 1.000 điểm. Trong đó, yếu tố lãi suất và tỷ giá đang được đánh giá là có thể tác động mạnh tới thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại.

Yếu tố lãi suất và tỷ giá đang được đánh giá là có thể tác động mạnh tới thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại.
Yếu tố lãi suất và tỷ giá đang được đánh giá là có thể tác động mạnh tới thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại.

Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 27% do nhà đầu tư lo ngại về làn sóng tăng lãi suất toàn cầu. Hiện tại, bên cạnh những tác động từ bên ngoài, nhất là động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại kỳ họp vào tháng 11 tới đây, công tác điều hành tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang được nhà đầu tư dồn sự chú ý.

Nên “nghỉ Tết sớm”?

Nhiều luồng quan điểm lo ngại thị trường sẽ diễn biến xấu quanh kỳ họp của Fed như những lần khác trong năm nay. Thêm vào đó, lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt dập tan những kỳ vọng chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed khó có thể “dễ thở” hơn trong cuộc họp tới.

Trong nước, tỷ giá USD/VND tiếp tục biến động trong bối cảnh NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 1% từ 25/10 để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.

"Trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng khi các yếu tố trong và ngoài nước đều không thuận lợi, NHNN đã thực hiện tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % trước kỳ họp Fed vào tháng 11 tới. Do đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 0,5 - 1 điểm % về cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn", SSI Research nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect, NHNN đã có động thái nới biên độ dao động tỷ giá từ +/-3% lên +/-5%, nhưng áp lực tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Việc tỷ giá căng thẳng là tác nhân chính khiến khối ngoại quay đầu bán ròng, kéo các chỉ số chứng khoán giảm điểm sâu.

Như vậy, trước mắt, thị trường được dự báo còn phải đối mặt với nhiều sóng gió trong ngắn hạn do áp lực tỷ giá và lãi suất còn nhiều biến động.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn sẽ dần được hé lộ trong những ngày tới và diễn biến không thuận lợi của thị trường khiến nhà đầu tư lo ngại về số liệu lợi nhuận không được như kỳ vọng.

Thực tế, hầu hết các công ty chứng khoán và một số doanh nghiệp thép đã công bố kết quả kinh doanh với nhiều cái tên tăng trưởng âm trong quý III vừa qua.

Theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Maybank Investment Bank, trong ngắn hạn, thị trường có thể hồi phục sau khi giảm quá sâu. Song, xu hướng giảm giá có thể vẫn tiếp diễn trong trung hạn. Do đó, những đợt hồi phục là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng tiền mặt. Nói cách khác, những nhà đầu tư nhỏ lẻ nên “nghỉ tết sớm” và chuyển sang những kênh đầu tư an toàn hơn như gửi tiết kiệm.

Phòng thủ với nhóm ngành ít chịu tác động lãi suất và tỷ giá

Tuy nhiên, dưới góc nhìn lạc quan, giới phân tích đánh giá về động thái NHNN Việt Nam điều chỉnh tăng các mức lãi suất chính sách mới đây là nhiều khả năng nhằm giảm tải áp lực phá giá đang gia tăng lên VND, trong bối cảnh VND đã mất khoảng 4% giá trị từ đầu năm. Dù vậy, đây vẫn là một mức giảm khá khiêm tốn so với các đồng tiền khác trong khu vực, nhờ nỗ lực giữ ổn định tỷ giá của NHNN.

Về phản ứng của thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước trước tình trạng mất giá đồng nội tệ, BSC thống kê trong giai đoạn từ 2000-2022, VN-Index vẫn liên tục duy trì đà tăng trong khi giá đồng VND trên đà suy giảm.

Theo quan điểm của ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS, TTCK hiện tại rất rẻ với P/E xấp xỉ 10.x lần. Nhìn về quá khứ, năm 2011, TTCK cũng đã giảm khá mạnh đưa P/E về mức khoảng 10 lần với hàng loạt cổ phiếu bị định giá thấp một cách phi lý. Tuy nhiên, bối cảnh vĩ mô thời điểm đó rất xấu khi lạm phát ở mức rất cao, tỷ giá bị phá giá đến 11%, thậm chí các công ty chứng khoán còn cắt hết các khoản vay margin.

Còn tại thời điểm này, cũng với mức định giá đó, nhưng bối cảnh vĩ mô hoàn toàn khác biệt.

“Lãi suất có tăng thì cuối cùng cũng sớm cân bằng, định giá thị trường khi đó rất khác. Việc nắm giữ cổ phiếu thời điểm này cần chờ đợi thời gian, bởi về dài hạn, giá cổ phiếu sẽ tăng và định giá sẽ tích cực hơn. Nhà đầu tư không nên quá hoảng loạn”, ông Tuấn lưu ý.

Tương tự, nhiều chuyên gia và quỹ đầu tư lớn vẫn cho rằng, ngay cả khi thị trường có thể giảm thêm, đây là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu chất lượng bị định giá thấp và có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai thay vì cuốn vào những câu chuyện “trading” ngắn hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chắt lọc cơ hội đầu tư.

“Hiện, không ít doanh nghiệp chất lượng sở hữu tiềm năng tăng trưởng lớn nhưng định giá lại đang thấp hơn trung bình nhiều năm. Đây chính là thời điểm vàng để mua vào”, ông James Bannan, Giám đốc quỹ đầu tư Coeli Asset nhận định.

Bàn về cách tìm kiếm cơ hội đầu tư trong thời điểm này, chuyên gia cho rằng, thị trường vẫn xuất hiện một số cơ hội đầu tư và có sự phân hoá theo kết quả kinh doanh quý III của các nhóm ngành .

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh Chứng khoán DSC nêu 3 nguyên tắc chọn cổ phiếu tốt. Đó là ưu tiên các mã vốn hóa, thanh khoản vừa phải; các mã thuộc các ngành ít chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế mang tính phòng thủ và các doanh nghiệp có dòng tiền tốt để sống sót qua khủng hoảng hoặc có lượng tiền mặt dự trữ.

Đặc biệt, trong môi trường lạm phát biến động như hiện tại, nhà đầu tư nên ưu tiên tới các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế và có tính phòng thủ cao như nhóm năng lượng và một số doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá qua thị trường Mỹ có thể hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng lên như nhóm thuỷ sản, gỗ, dệt may.