Sẵn sàng hiện thực hóa mục tiêu hình thành kho bạc số

Bảo Thương

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia Cách mạng Công nghiệp 4.0, từng bước hình thành kho bạc số... là những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030.

Hướng tới năm 2030 hoàn thành xây dựng kho bạc số
Hướng tới năm 2030 hoàn thành xây dựng kho bạc số

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới kho bạc số

Thực hiện Quyết định số 455/ QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, Bộ Tài chính vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.

Theo đó, Chương trình hành động của Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua kho bạc được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi ngân sách theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi ngân sách theo hướng kiểm soát theo rủi ro...

Mục tiêu cũng đặt ra sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng kho bạc số.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động của Bộ Tài chính đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, đề án, bao gồm: Cải cách, hiện đại hóa các chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia Cách mạng Công nghiệp 4.0, từng bước hình thành kho bạc số; Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; Chuyển đổi phương thức quản lý và cung cấp dịch vụ kho bạc; Hiện đại hóa công tác thanh tra - kiểm tra...

Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị chủ trì có trách nhiệm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KBNN, bảo đảm khả thi, có kết quả rõ ràng và thống nhất với các chương trình hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và các chiến lược ngành có liên quan.

Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong tổ chức triển khai thực hiện; quy định rõ chế độ báo cáo, tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KBNN.

Nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số trong lĩnh vực Kho bạc

Thực tế thời gian qua cho thấy, hệ thống KBNN đã rất nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Phát biểu tại Hội thảo về tài chính số trong quản lý ngân sách năm 2022, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc KBNN cho biết, về cơ bản, KBNN đã đạt được mục tiêu “các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử”.

Theo đó, KBNN đã xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) giúp cho việc quản lý quỹ NSNN được hiệu quả từ khai phân bổ dự toán, quản lý kiểm soát cam kết chi NSNN, kiểm soát chi NSNN, kế toán thu, chi NSNN... và cung cấp thông tin báo cáo hàng ngày về thực hiện ngân sách của 4 cấp ngân sách được kịp thời.

Đồng thời, chủ động xây dựng và triển khai Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, ngoài 2 thủ tục hành chính về thu NSNN đang sử dụng các dịch vụ thu của ngân hàng và các cổng thu của cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan thì KBNN đã cung cấp 09 dịch vụ công trực tuyến để phục vụ 09/11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN: Lĩnh vực kiểm soát chi NSNN; Lĩnh vực đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN.

Đặc biệt, KBNN đã triển khai kết nối liên thông hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp tại đơn vị sử dụng ngân sách với hệ thống dịch vụ công trực tuyến để hình thành thêm kênh giao dịch điện tử với KBNN. Đây là một bước tiến quan trong trong việc hình thành Kho bạc điện tử, tiến tới kho bạc số.

Đến nay, 100% đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện các khoản chi ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ giao dịch đạt trên 99,6% và KBNN đang bổ sung các tính năng của chương trình để phục vụ khách hàng tốt nhất.

Sẵn sàng triển khai lộ trình hoàn thành xây dựng kho bạc số

Đại diện KBNN khẳng định, kho bạc số là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. 

Để hoàn thành mục tiêu này, KBNN sẽ triển khai tổng thể, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, sẽ nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến các chức năng, nhiệm vụ của KBNN, để từ đó cải cách hoạt động nghiệp vụ và tạo nền tảng để hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN.

Đồng thời, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN, trong đó, trọng tâm là xây dựng và vận hành Hệ thống Thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); thực hiện liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin liên quan.

Thêm vào đó, tiếp tục thực hiện tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức KBNN có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính chuyên nghiệp cao, có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo, đáp ứng tốt các yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, hệ thống KBNN tập trung triển khai toàn bộ hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ của KBNN thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan.

Tiến đến 100% hồ sơ công việc tại KBNN được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật); 90% hồ sơ công việc giữa các cơ quan nhà nước xử lý trên môi trường mạng; Các chứng từ trong quá trình giao dịch liên quan tới các nghiệp vụ của KBNN sẽ được lưu trữ điện tử.

Song song với đó, KBNN sẽ thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhận dạng thông minh và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ cốt lõi. Phát triển phương thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua các thiết bị di động trong lĩnh vực quản lý quỹ ngân sách, ngân quỹ, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước.

Bước sang giai đoạn 2026-2030, sẽ tập trung thực hiện liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu, từ đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới; đẩy mạnh việc phân tích rủi ro, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng tới năm 2030 hoàn thành xây dựng kho bạc số.