Sẵn sàng với chuyển đổi số của người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tthực trạng và giải pháp
Bài viết này nghiên cứu sự sẵn sàng và thích ứng với chuyển đổi số của người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Kết quả nghiên cứu cho thấy, đa số người lao động đã bước đầu nhận thức và hành động để thích ứng với chuyển đổi số. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của chuyển đổi số, lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, mức độ sẵn sàng không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Qua bài viết, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và bản thân người lao động.
Đặt vấn đề
Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả của các tổ chức. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại nghiêm trọng rằng các tổ chức, người lao động có thể khó thích nghi để thu được lợi ích từ chuyển đổi số.
Chuyển đổi số làm thay đổi đáng kể phương thức sản xuất, từ đó đòi hỏi một lực lượng sản xuất, đặc biệt là lực lượng lao động tương ứng, đồng bộ về trình độ, nhận thức để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nền kinh tế một cách hiệu quả. Việc làm sẽ mất đi trong những ngành mà công nghệ có thể thay thế con người, nhưng việc làm mới sẽ được tạo ra trong những ngành đòi hỏi công nghệ hiện đại và lực lượng lao động lành nghề để bổ sung cho nhau.
Trong quá trình chuyển đổi số, các hệ thống tự động sẽ dần dần thay thế các công việc thủ công, tuy nhiên các công việc mới đang tạo ra ít nhiều sẽ bị hạn chế do lực lượng bản địa không có kỹ năng. Công việc mới cần có thời gian vì việc học các kỹ năng mới cần có thời gian và nguồn lực, nhưng tình trạng thất nghiệp có thể xảy ra ngay lập tức. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc công việc và thị trường lao động, dẫn đến những thay đổi lớn, đặt ra nhiều thách thức với thị trường lao động nói chung và người lao động nói riêng.
Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 850 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động nhưng 96% có quy mô nhỏ và vừa, chỉ 4% số doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn (Bích Ngân, 2022). Phần lớn khối kinh tế tư nhân, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối.
Trong khi, nhân viên chính là những người trực tiếp tham gia vào việc lập kế hoạch, triển khai và ứng dụng kĩ thuật số vào công việc, quyết định sự thành công của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số nhưng nhiều doanh nghiệp không biết chính xác cách chuẩn bị lực lượng lao động của họ cho sự thay đổi như thế nào. Vì vậy, việc nắm bắt mức độ thích ứng và sẵn sàng của người lao động để có giải pháp phù hợp và kịp thời sẽ giúp cho mục tiêu chuyển đổi số của doanh nghiệp thuận lợi và dễ hiện thực hóa hơn, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều hạn chế về nguồn lực.
Khái quát về chuyển đổi số
Khái quát về chuyển đổi số
Theo Stolterman & Fors (2004), chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ để cải thiện triệt để hiệu suất hoặc phạm vi tiếp cận của doanh nghiệp. McDonald & Rowsell (2012) cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là số hóa các nguồn lực mà các giá trị doanh nghiệp tạo ra phải trên cơ sở những tài sản kỹ thuật số.
Cũng theo quan điểm này, Fitzgerald & cộng sự (2013) định nghĩa chuyển đổi số trong doanh nghiệp là việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số mới như phương tiện truyền thông xã hội, các kỹ thuật phân tích mới, hoặc các hệ thống liên kết tự động để thực hiện những thay đổi lớn trong hoạt động kinh doanh như nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa các hoạt động và tạo ra mô hình kinh doanh mới. Theo Hess & cộng sự (2016), chuyển đổi số là những thay đổi mà công nghệ kỹ thuật số có thể mang lại trong mô hình kinh doanh, dẫn đến việc thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu tổ chức hoặc tự động hóa các quy trình của doanh nghiệp.
Tóm lại, chuyển đổi số được hiểu là sự thay đổi trong cơ cấu, tổ chức của doanh nghiệp từ mô hình truyền thống sang mô hình hiện đại bằng cách áp dụng công nghệ mới và hiện đại như: dữ liệu lớn ( big data), Internet vạn vật (Iot), điện toán đám mây (Cloud) hay các giải pháp hỗ trợ Marketing Automation.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một bài toán lớn đặt ra cho người lãnh đạo nói riêng và toàn bộ doanh nghiệp nói chung. Để giải quyết được bài toán ấy, doanh nghiệp cần phải trải qua 3 bước hay nói cách khác, chuyển đổi số trong doanh nghiệp bao gồm 3 giai đoạn chính: (1) Giai đoạn “ số hóa “ (doing digital) là quá trình đổi mới từ hệ thống thường sang hệ thống kĩ thuật số; (2) Giai đoạn “ chuyển đổi” (becoming digital) : từ những kết quả số hóa từ giai đoạn 1, doanh nghiệp xây dựng hệ thống báo cáo quản trị và đặc biệt trong giai đoạn này, tính liên kết giữa cơ sở dữ liệu được coi là thiết yếu; Giai đoạn “chuyển đổi hoàn toàn” (being digital). Đây là lúc hoàn thiện cơ sở dữ liệu và nền tảng số cho doanh nghiệp bằng cách tính hợp cơ sở dữ liệu của các chức năng/bộ phận thành một hệ thống dữ liệu tập trung và xuyên suốt, áp dụng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp nhằm xây dựng kế hoạch, ngân sách,… từ cơ sở dữ liệu thích hợp. Ngoài ra ,trong giai đoạn này, có thể áp dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm mới ( R&D).
Vai trò của người lao động trong chuyển đổi số của doanh nghiệp
Người lao động đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số của doanh nghiệp. Các nhà nghiên cứu đã công nhận vốn con người là một nguồn tài nguyên ngày càng có giá trị trong bối cảnh số hóa (Colbertet al., 2016).
Theo Chatterjee và cộng sự (2002), để chuyển đổi số thành công, các nhà lãnh đạo phải tin tưởng vào giá trị và lợi ích của các công nghệ mới, hỗ trợ việc triển khai chúng trong hoạt động của tổ chức. Cũng theo quan điểm này, Hess và cộng sự (2016) nhấn mạnh vai trò của yếu tố con người, đặc biệt là nhà quản lý trong việc thúc đẩy các quá trình chuyển đổi; đồng thời Hess và cộng sự (2016) cũng cho rằng cần có sự phù hợp giữa năng lực nhân sự với các ứng dụng công nghệ số để khai thác tối ưu các ứng dụng công nghệ đó.
Nguồn nhân lực của các tổ chức đang trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình cũng như kết quả của quá trình chuyển đổi theo nhiều cách (Osmundsen và cộng sự 2018). Để nhân viên nắm bắt quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và tham gia áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực tương ứng của họ, điều quan trọng là các nhà quản lý phải xem xét mối quan tâm của nhân viên và coi nhân viên là một phần tích cực của quá trình chuyển đổi (Mueller và Renken, 2017; Petrikina và cộng sự, 2017), chẳng hạn như bằng cách thông báo, tư vấn, tham gia hoặc cộng tác với các bên liên quan nội bộ này. Tham gia vào các quy trình thay đổi có thể làm giảm sự phản kháng của nhân viên đối với các quy trình, từ đó nâng cao thành tích mục tiêu và cam kết của tổ chức (Petrikina và cộng sự, 2017). Đặc biệt quan tâm tới tầm quan trọng của việc thu hút, tuyển dụng và giữ chân những người có tài năng mới và khả năng tích hợp chuyên môn công nghệ kỹ thuật số với bí quyết kinh doanh (Piccinini et al., 2015)
Trong nghiên cứu của Swen Nadkarni và Reinhard Prug (2020) tổng hợp từ các nghiên cứu trước cho thấy 4 yếu tố được đề cập nhiều và cho ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả mong đợi về chuyển đổi số của doanh nghiệp là: (1) lãnh đạo, (2) chiến lược kinh doanh kỹ thuật số, (3) năng lực nhân viên và (4) văn hóa doanh nghiệp.
Mức độ sẵn sàng với chuyển đổi số của người lao động trong các SMEs
Những tín hiệu tích cực
Chuyển đổi kỹ thuật số đã cách mạng hóa phương thức kinh doanh khiến cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nói riêng trở nên hiệu quả hơn, năng suất hơn và có lợi nhuận hơn. Nhân lực cho chuyển đổi số của các SMEs đã bước đầu có một số chuyển biến tích cực.
Về mặt nhận thức, đa số người lao động đã có sự chuẩn bị về tinh thần và nhận thức về chuyển đổi số một cách tích cực. Dựa theo cảm nhận của người lao động về chuyển đổi số, có tới 92,2% nhân viên lạc quan về vấn đề chuyển đổi số và hơn 1/5 trong số đó rất lạc quan về những lợi ích mà chuyển đổi số sẽ mang lại cho họ. Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 6,3% tỏ ra lo lắng và không có ai sợ hãi về chuyển đổi số. Tuy nhiên, những vấn đề này hoàn toàn có thể thay đổi trong tương lai bằng những giải pháp cụ thể. (Hình 1)
Nghiên cứu của CIEM cũng chỉ ra rằng, có tới 99% người lao động sẵn sàng ở một số nội dung cơ bản và có hơn ⅗ số người lao động hoàn toàn sẵn sàng cho chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Đây là một dấu hiệu tích cực khi người lao động có cái nhìn khách quan, sẵn sàng thử thách bản thân mình đối mặt với chuyển đổi kỹ thuật số.
Người lao động cũng đang tích cực tự học tập, nâng cấp bản thân để thích ứng với chuyển đổi số. Theo số liệu khảo sát của PwC Việt Nam về công nghệ, việc làm và kỹ năng số, 93% người lao động cho biết họ hiện đang học các kỹ năng mới, trong đó phần lớn nói rằng họ đang tự học. Có 88% người lao động trả lời họ được trao cơ hội để cải thiện kỹ năng số trong việc làm của họ, điều này cho thấy cả từ góc độ của từng người lao động và ngành Dịch vụ ở Việt Nam đều đang chủ động thực hiện các bước để giải quyết vấn đề nâng cao kỹ năng và tăng trưởng năng lực nội bộ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn cần đảm bảo rằng nhân viên của họ đã sẵn sàng và được trang bị để thích nghi với môi trường kỹ thuật số mới.
Một số hạn chế
(1) Sự thiếu hụt về số lượng và hạn chế về chất lượng lao động cho chuyển đổi số
Trong quá trình chuyển đổi số, các hệ thống tự động hóa sẽ dần thay thế công việc thủ công, nhưng khả năng tiếp cận việc làm mới ít nhiều bị hạn chế do lực lượng lao động cả nước không đủ trình độ và trang bị kỹ năng cần thiết. Tỷ lệ lao động có kỹ năng trong lực lượng lao động của Việt Nam vẫn còn thấp và số lượng sinh viên theo học các chương trình giáo dục sau đại học không đủ để lấp đầy khoảng trống. Theo đánh giá thống kê của Tập đoàn Công nghệ CMC, nhu cầu về nguồn nhân lực số rất cao, nhưng các trường đại học mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu và về chất lượng chỉ đáp ứng 30% yêu cầu đề ra. Tỷ lệ lao động Việt Nam có trình độ kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp dưới 30% và chỉ có khoảng 10% lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay theo đánh giá của World Bank. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt xấp xỉ 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,1% (Tổng cục Thống kê, 2022). Sự không phù hợp về kỹ năng có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng, vì nhân viên cần có kỹ năng phù hợp để tận dụng lợi thế của công nghệ kỹ thuật số.
(2) Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số của SMEs còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu Việt Nam còn đang thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi cũng như đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên lành nghề có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của quá trình phát triển công nghiệp hóa cũng như quá trình chuyển đổi số. Một trong những nguyên nhân là công tác đào tạo còn chưa theo sát với tình hình thực tế. Để thành công trong quá trình chuyển đổi số, các kỹ năng về kỹ thuật số và công nghệ thông tin là điều rất cần thiết và bắt buộc đối với các doanh nghiệp SME. Tuy nhiên, trên thực tế, nhân viên sẽ mất rất nhiều thời gian để học cách sử dụng các ứng dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, nhiều nhà quản lý không có đầy đủ kiến thức về công nghệ dẫn đến việc không thể đánh giá được phạm vi chuyển đổi và kết quả sau khi áp dụng kỹ thuật số.
(3) Sự đáp ứng của người lao động với chuyển đổi số còn có khác biệt lớn giữa các nhân viên, các doanh nghiệp và giữa các lĩnh vực
Trong khi một số nhân viên có thể dễ dàng thích nghi với các công cụ và quy trình kỹ thuật số mới thì những nhân viên khác phải vật lộn với chúng do thiếu kiến thức hoặc kỹ năng kỹ thuật. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thực hiện các bước để đảm bảo nhân viên của họ có mức độ sẵn sàng phù hợp cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. (Hình 2)
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế trung ương năm 2022, cả 4 nhóm ngành Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Giao thông vận tải - logistic có mức độ cơ bản sẵn sàng và sẵn sàng tham gia vào chuyển đổi số đều ở mức cao, đều đạt trên 97%. Tuy nhiên, ngành Giao thông Vận tải có mức độ cơ bản sẵn sàng ở mức cao nhất, đồng nghĩa với việc mức độ sẵn sàng của nhóm ngành này vẫn còn thấp. Về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số, ngành Giáo dục đứng đầu với tỉ lệ 57,4%, cách biệt hẳn so với 3 nhóm ngành còn lại. Ngành Y tế xếp ở vị trí thứ hai với 36.4% mức độ sẵn sàng tham gia vào chuyển đổi số, tiếp đến là ngành Tài chính - Ngân hàng với tỉ lệ 34% và cuối cùng là ngành Giao thông Vận tải với tỉ lệ 19.6%, thấp hơn hẳn 3 nhóm ngành còn lại). Trong khi đó, tình hình triển khai số hóa trong doanh nghiệp hầu như đều chỉ đang dừng lại ở số hóa dữ liệu, số hóa quy trình (90% trở lên) và giữa các lĩnh vực có sự chênh lệch khá lớn. (Hình 3)
(4) Mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và SMEs nói riêng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới
Theo Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố tháng 4/2018 về chỉ số nguồn nhân lực, Việt Nam được xếp thứ 70/100, thấp hơn các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia. Về chỉ số lao động có chuyên môn cao, Việt Nam thuộc nhóm cuối bảng với thứ hạng 81/100, đây là thách thức đối với các quốc gia đang phát triển trong tiếp cận với cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện chuyển đổi số. Một số chỉ số khác về nguồn nhân lực của Việt Nam đều ở mức thấp và không ổn định; chỉ số vốn nhân lực Việt Nam năm 2018 chỉ đạt 0,67 điểm, xếp thứ 48 trên 157 nước tham gia xếp hạng (theo WEF). Chỉ số cạnh tranh tài năng (TCI) của Việt Nam mới đạt 33,41 điểm, xếp thứ 92/125, thấp nhất trong số 8 nước Đông Nam Á tham gia xếp hạng, sau cả Lào (xếp thứ 91/125 với điểm số 33.36). (Hình 4)
Đề xuất một số giải pháp
Để chuyển đổi số được hiệu quả, Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cần có những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cụ thể, để giúp người lao động thích nghi với chuyển đổi số, cụ thể như sau:
a) Về phía chính phủ:
- Nâng cao kỹ năng kỹ thuật số trong doanh nghiệp bằng cách: Phát triển tài năng trẻ về công nghệ kỹ thuật số thông qua các chương trình học bổng nhằm chuẩn bị cho sinh viên bước vào thời đại kỹ thuật số; Khuyến khích đưa công nghệ vào giáo dục ngay từ đầu; Khuyến khích phát triển các kỹ năng mềm của nhân viên như kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc nhóm, sáng tạo, quản lý…
- Hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chẳng hạn chi phí triển khai các giải pháp dựa trên kỹ thuật số để tự động hóa và nâng cao hiệu quả quy trình, bao gồm công nghệ, sản xuất, kinh doanh và quản lý.
- Hợp tác chặt chẽ hơn với khu vực tư nhân nhằm tạo ra các điều kiện hình thành nguồn nhân lực chất lượng để chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người lao động và doanh nghiệp.
b) Về phía doanh nghiệp
- Người đứng đầu tổ chức phải là người trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi số, luôn luôn theo đuổi và quyết tâm chuyển đổi số trong doanh nghệp. Có như vậy, nhân viên mới cảm thấy có động lực và làm theo. Các doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, thay đổi không chỉ cơ cấu bộ máy, tổ chức mà cả cách vận hành và chiến lược để sẵn sàng tâm thế “hành động”, “đột phá”, chuyển đổi “nhận thức” của người lao động và bản thân sử dụng lao động.
- Trang bị cho người lao động những điều cơ bản về chuyển đổi số như tri thức về chuyển đổi số và tinh thần sẵn sàng học hỏi. Doanh nghiệp có thể tổ chức các hoạt động nhóm để mọi người có thể theo dõi, giúp đỡ nhau sử dụng các hệ thống các kĩ thuật số mới, cũng như khuyến khích người lao động tìm tòi các công nghệ mới để có thể ứng dụng nâng cao hiệu suất trong công việc.
- Nâng cao và tái trang bị kĩ năng năng lực chuyển đổi số: Doanh nghiệp tổ chức các khóa học kĩ năng chuyển đổi số cho công việc hiện tại (như nâng cao kĩ năng) và cho nhân viên học các kỹ năng mới cho các chức năng công việc riêng biệt (như tái trang bị kĩ năng) bằng cách cải tiến chương trình, phương thức giảng dạy, chuyển từ các lớp học truyền thống sang các nền tảng trực tuyến hoặc kết hợp để giảng dạy đào tạo nhân viên.
- Tập trung vào trải nghiệm làm việc cho nhân viên và xây dựng văn hóa số: Trong quá trình chuyển đổi số cần tới sự thực hành cao, việc tăng trải nghiệm giúp nhân viên có được những cái nhìn và hình dung rõ ràng hơn về các công cụ trong chuyển đổi số, góp phần làm nên thành công trong chuyển đổi số của doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa số cũng tạo ra môi trường giúp cho nhân viên học hỏi nhiều hơn và sẵn sàng hơn với chuyển đổi số.
c) Về phía người lao động
- Bản thân mỗi người lao động cần có cái nhìn đúng và hiểu rõ vai trò của mình đối với chuyển đổi số để chủ động học tập, trau dồi và đào tạo cho mình những kĩ năng cần thiết để thích nghi với chuyển đổi số.
- Tự gọt dũa và nâng cao những kĩ năng số để có sự chủ động, tiếp cận với các nguồn tài nguyên, các chương trình đào tạo đa dạng trên Internet, các chương trình đào tạo từ xa, trực tuyến. Điều này góp phần giúp người lao động hiểu được bức tranh toàn cảnh về các công nghệ đang phát triển cùng với các xu thế lớn khác có thể có tác động như thế nào đối với công việc
- Tuyên truyền, chia sẻ một cách đúng nhất về ý nghĩa, tri thức về chuyển đổi số tới những người lao động khác trong doanh nghiệp nói riêng và mọi người nói chung. Để mọi người có góc nhìn rõ ràng và tích cực về chuyển đổi số. Điều này giúp tăng tính liên kết giữa những người lao động với nhau và với chuyển đổi số.
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố tháng 4/2018.
- Colbert, A., Yee, N., George, G., 2016. The digital workforce and the workplace of thefuture. Acad. Manag. J. 59 (3), 731- https://doi.org/10.5465/amj.2016.4003
- Digital Transformation: Drivers, Success Factors, and Implications Osmundsen et al 2018
- Fitzgerald, M. et al., 2013. Embracing Digital Technology: A New Strategic Imperative. MIT Sloan Management Review, pp.1-
- Hess, T. (2016). Options for formulating a digital transformation strategy. MIS Quarterly Executive, 15(2). 123-139. ISSN 15401960.
- McDonald, M., Rowsell-Jones, A., and Cole, J. “Digitalizing the Business,” Gartner Inc., April 2012
- Petrikina, J., Krieger, M., Schirmer, I., Stoeckler, N., Saxe, S., & Baldauf, U. (2017). Improving the readiness for change - Addressing information concerns of internal stakeholders in the smartPORT Hamburg. In AMCIS 2017 Proceedings (pp. 1-10).
- Piccinini, E., Hanelt, A., Gregory, R. W., & Kolbe, L. M. (2015). Transforming industrial business: Stolterman. E.Fors, A.C. (2004). Information Technology and the Good Life. In: B. Kaplan,D.PTruex,DWastell. A.T. Wood-Harper, J.I. . DeGross (eds.). Information Systems Research. IFIP International Federation for Information Processing, vol. 143. Boston, MA Springer.
- The impact of digital transformation on automotive organizations. In Icis 2015 (pp.1-20). Retrieved: https://pdfs.semanticscholar.org/ea87/b659e573ccd0b6e267c2ca30a1a0d3d98393.pdf
- Vũ Hoàng Linh, Phạm Anh Tuấn (2022), Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam - https://vjst.vn/vn/tin-tuc/6750/nhung-kho-khan-tren-con-duong-chuyen-doi-so-cua-doanh-nghiep-viet-nam .aspx?fbclid=IwAR0QguOqwKVl1hO2XvJl__gHmEkcahMhKnf4QCno82HRXTGTO6v2stQtTPc
- Hà Văn (2022). Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - Báo Điện tử Chính phủ, truy cập tại https://baochinhphu.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-phien-hop-uy-ban-quoc-gia-ve-chuyen-doi-so-102220808083941674.htm
- Tổng cục Thống kê (2023), Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022.
- Nguyễn Đăng Mạnh (2021), Chính sách phát triển nguồn nhân lực tại Tập đoàn Công nghệ CMC, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Đại học Thương mại, Hà Nội.
- Madani Dorsati H., Morisset Jacques (2021), “Taking Stock: Digital Vietnam - The Path to Tomorrow”, working paper (163180), World Bank Office: Hanoi (EACVF), Vietnam.
- Đinh Thị Quỳnh Vân (2021), “Báo cáo mức độ sẵn sàng về kỹ năng số Việt Nam” (trang 22, 26), Công ty TNHH PwC (Việt Nam).