Sản xuất công nghiệp nửa đầu năm 2018
Sản xuất công nghiệp trong tháng đạt mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Sáu ước tính tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 3,6%;ngành chế biến, chế tạo tăng 15,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 10%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,9%, quý II tăng 8,4%), cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,7%, đóng góp 9,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung nhưng đang có xu hướng tăng chậm lại (quý I tăng 15,7%; quý II tăng 10,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 1,3% (chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,7%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm mức tăng chung.
Xét theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất của sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo) 6 tháng đầu năm 2018 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 10,3% (sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 7,7% và sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 11,6%).
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Sản xuất kim loại tăng 20,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 20,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 18,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,5% (quý I tăng mạnh 30,1% nhưng quý II chỉ tăng 4%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 16,2%.
Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất thuốc lá tăng 2,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 2,6%; khai khoáng khác (đá, cát, sỏi…) giảm 0,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 2,7%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,7% (khai thác dầu thô giảm 10,9% và khai thác khí đốt tự nhiên giảm 0,2%).
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sắt, thép thô tăng 43,7%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 22,1%; đường kính tăng 18,9%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 18,5%; thức ăn cho thủy sản tăng 17,8%; ti vi tăng 17%; thép thanh, thép góc tăng 16%.
Tuy nhiên có một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Điện thoại di động tăng 2,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 2%; bột ngọt tăng 1,6%; thức ăn cho gia súc tăng 0,6%; sữa tươi bằng cùng kỳ năm trước; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 0,2%; phân u rê giảm 1,8%; dầu gội đầu, dầu xả giảm 2,3%; sữa tắm, sữa rửa mặt giảm 6,6%; dầu thô khai thác giảm 10,9%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó Hà Tĩnh là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất với mức tăng 170,9%, chủ yếu do có sự đóng góp của Tập đoàn Formosa.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Hải Phòng tăng 24%; Bắc Ninh tăng 19,2%; Thái Nguyên tăng 12,1%; Vĩnh Phúc tăng 11,9%; Quảng Ninh tăng 11%; Hải Dương tăng 10,6%; Bình Dương tăng 8,8%; Đồng Nai tăng 8,3%; Hà Nội tăng 8%; Đà Nẵng tăng 7,8%; Cần Thơ tăng 7,4%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,1%; Quảng Nam tăng 5,6%; Bà Rịa -Vũng Tàu tăng 2%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2018 tăng 5% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,4%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 49,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 21%; sản xuất kim loại tăng 15,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 15%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 14,9%.
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấphoặc giảm: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 3,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 3,3%; sản xuất phương tiện vận tải tăng 2,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 1,1%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2018 tăng 11,4% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2017 tăng 10,4%), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất thuốc lá tăng 2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 1,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 8,3%; sản xuất xe có động cơ giảm 16,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 28%.
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 216,5% do thời điểm này năm trước Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ máy móc, thiết bị; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 144,1%, nguyên nhân chủ yếu do tồn kho sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng đang chờ xuất khẩu của Công ty Samsung; sản xuất phương tiện vận tải tăng 132,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 47,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 36,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 31,8%.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2018 là 63,4%, là mức tồn kho thấp nhất những năm qua. Một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Dệt là 287,5%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) 117,2%; sản xuất xe có động cơ 79,4%; chế biến thực phẩm 75,1%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/6/2018 tăng 3,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,2%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng tăng 3,5%.
Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm trước; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,2%; riêng ngành khai khoáng giảm 0,9% (lao động khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 9,8%).
Lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/6/2018 so với cùng thời điểm năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Cần Thơ tăng 23,2%; Hải Phòng tăng 14%; Đồng Nai tăng 5,5%; Hà Nội tăng 4,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,8%; Bình Dương và Quảng Ninh cùng tăng 3,4%; Hải Dương tăng 3,3%; thành phố Hồ Chí Minh và Thái Nguyên cùng tăng 0,2%; Bắc Ninh giảm 1,2%; Vĩnh Phúc giảm 2,2%; Đà Nẵng giảm 4,2%.