Sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế “dởm” – Cần phải xử lý nghiêm

Theo Gia Nguyễn/enternews.vn

Từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra, giám sát hơn 7.965 vụ, xử phạt hơn 3,66 tỷ đồng, trong đó vi phạm chủ yếu liên quan đến khẩu trang y tế…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, lợi dụng nhu cầu tăng cao, do hám lợi, một số đối tượng đã đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh trà trộn các mặt hàng trang thiết bị y tế, khẩu trang không bảo đảm chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cần phải có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp sản xuất khẩu trang, trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 "dởm"
Cần phải có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp sản xuất khẩu trang, trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 "dởm"

Điển hình như vụ việc ngày 17/3/2020, Đội QLTT số 17 đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại số 1233 đường Bạch Đằng, Cảng Hà Nội, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 200 thùng khẩu trang (197 thùng khẩu trang cao cấp 4 lớp dùng một lần và 3 thùng khẩu trang y tế 4 lớp) do ông Phạm Thành Duy trú tại địa chỉ P506 - CT4B Bắc Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội là chủ sở hữu.

Hay, chiều 26/3, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh (Tổng cục Quản lý thị trường) vừa tiến hành xử phạt cơ sở sản xuất khẩu trang giả do ông Phạm Văn Quang làm chủ, có địa chỉ tại số 121A Lê Cao Lãng, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú đối với hành vi sản xuất hàng giả không có công dụng là trang thiết bị y tế. Đồng thời buộc tiêu hủy 27.550 chiếc khẩu trang được xác định là hàng giả, không có giá trị sử dụng và không phải là khẩu trang y tế.

Quay trở lại thông tin về việc phòng chống hàng giả, giả mạo xuất xứ, vi phạm nhãn hàng hóa… Lực lượng chức năng cho hay, tất cả các hiện trạng trên đều được hợp thức hóa bằng rất nhiều phương thức, phân phối thông qua các kênh tiêu thụ đa dạng, linh hoạt, nhất là qua mạng internet hay khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo thường trà trộn cùng với hàng thật, bằng các thủ thuật tinh vi... Và đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng, nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Tính từ đầu tháng 2 đến nay, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, giám sát hơn 7.965 vụ, xử phạt hơn 3,66 tỷ đồng, trong đó vi phạm chủ yếu liên quan đến mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay sát trùng. Trong đó, lực lượng chức năng cũng thu giữ nhiều sản phẩm tem nhãn và nhiều loại hàng hóa bán thành phẩm như quần áo, kính, găng tay bảo hộ.

Trong khi đó, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, tuy nhiên, không ít trường hợp các doanh nghiệp vẫn lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Vậy, đối với các trường hợp này cần phải xử lý ra sao?

Trước hiện trạng trên, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty luật HPVN (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Đối với hành vi này cần phải xử lý nghiêm, tùy theo tính chất mức độ, động cơ và giá trị trục lợi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;  Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường, Luật sư Hiệp cho hay.

Cũng theo Luật sư Hiệp, trong trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đề nghị khởi tố để điều tra xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự hiện hành về tội danh “sản xuất, buôn bán hàng giả” và người phạm tội phải đối diện với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.

Việc sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế “dởm”, không chỉ là hành vi gian dối trong hoạt động kinh doanh thương mại mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hại đến người sử dụng, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến của bệnh dịch ngày càng phức tạp. Vậy nên, đối với cách trường hợp sản xuất khẩu trang, trang thiết bị y tế “dởm” cần phải có biện pháp xử lý nghiêm.