Sản xuất, kinh doanh đình trệ vì Covid, nhà đầu tư Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan… cùng mong kiếm lợi từ chứng khoán

Theo Hồng Lĩnh/kinhtevadubao.vn

Không chỉ Việt Nam ghi nhận kỷ lục về nhà đầu tư mới rót tiền vào chứng khoán, tại Ấn Độ, Thái Lan, Philippine… có cùng diễn biến này khi số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) tăng mạnh. Cổ phiếu tiếp tục tăng điểm và dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài đang giảm ảnh hưởng ở thị trường châu Á.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI vừa có báo cáo cập nhật dòng vốn đầu tư toàn cầu, cho rằng, phân bổ dòng vốn toàn cầu không có nhiều thay đổi, cổ phiếu vẫn đang hút vốn mạnh nhất dù sức nóng đã giảm so với quý I/2021. 

Vốn ngoại giảm ảnh hưởng nơi thị trường châu Á

Trong tháng 5/2021, các quỹ cổ phiếu có thêm 75 tỷ USD vốn vào, tăng 12% so với vốn vào trong tháng 4. Trong đó, các thị trường phát triển vẫn chiếm chủ yếu (67 tỷ USD, tương đương 91% tổng vốn vào cổ phiếu), hầu hết là thông qua các quỹ ETF.

Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi cải thiện nhờ các quỹ ETF. Vốn vào cổ phiếu các thị trường mới nổi tháng 5 là 6,7 tỷ USD, gấp đôi lượng vốn vào trong tháng 4. Trong đó, đóng góp lớn nhất là từ các quỹ ETF vào thị trường Trung Quốc.

Sau khi rút ròng -1,5 tỷ USD trong tháng 4, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc đã có +3,5 tỷ vốn vào trong tháng 5. Cũng đổi hướng trong tháng qua nhưng trái ngược với các quỹ ETF, các quỹ chủ động ở thị trường mới nổi bị rút ròng 328 triệu USD, là tháng rút ròng đầu tiên sau 7 tháng liên tục có vốn vào trước đó.

Tâm lý nhà đầu tư trong tháng 5 có phần tích cực nhờ các thông điệp trấn an từ các ngân hàng trung ương lớn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho rằng, lạm phát chỉ là tạm thời, các số liệu kém tích cực về tỷ lệ thất nghiệp cho thấy chặng đường hồi phục của nền kinh tế Mỹ còn khá dài, chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ vẫn được duy trì.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) thì cho rằng, giá hàng hóa tăng đột biến gần đây là do các yếu tố bên ngoài thúc đẩy nhiều hơn, mà không thể giảm thiểu trực tiếp bằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong nước. Tâm lý ổn định khiến dòng tiền vào trái phiếu và thị trường tiền tệ không có nhiều biến động trong tháng qua.

Quan sát của các chuyên gia cho biết, sức ảnh hưởng của dòng vốn nước ngoài tới một số TTCK lớn ở châu Á đang yếu đi. Ấn Độ đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ 2 và tiến độ tiêm chủng vaccine rất chậm chạp, triển vọng kinh tế u ám khiến dòng vốn ngoại liên tục rút khỏi cổ phiếu Ấn Độ và đây là quốc gia châu Á bị rút ròng mạnh nhất trong tháng 5/2021 (hơn 700 triệu USD).

Tuy vậy, các chỉ số chứng khoán của nước này tăng lên đỉnh lịch sử trong tháng vừa qua, ghi nhận tháng tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Các TTCK Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia tuy không tăng mạnh, nhưng vẫn duy trì ở vùng cao dù cũng bị rút vốn lớn.

Số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh, giao dịch nhà đầu tư cá nhân trong tổng giá trị giao dịch toàn thị trường ngày càng cao (Ấn Độ: từ mức 39% năm 2020 lên 45%; Thái Lan: từ 43% lên 47%; Philippine: từ 27% lên 45%...).

Mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp và hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ do Covid-19 đã khiến các cá nhân đổ tiền vào TTCK để tìm kiếm lợi nhuận, đẩy giá cổ phiếu lên cao và giảm kết nối với tình trạng chung của nền kinh tế.

Trong ngắn hạn, hiện tượng này sẽ vẫn tiếp diễn, khiến diễn biến dòng vốn ngoại có tác động mờ nhạt tới diễn biến TTCK ở các thị trường Châu Á.

Dòng tiền đầu tư trên TTCK Việt Nam

SSI cho biết, các quỹ ETF rút ròng trong tháng 5. Xu hướng đảo chiều sang rút ròng của các quỹ ETF bắt đầu từ tháng 3/2021, bị gián đoạn trong tháng 4 do dòng vốn của quỹ Fubon FTSE Vietnam, đã tiếp diễn trong tháng 5 vừa qua.

Tổng vốn rút ròng trong tháng là khoảng 43 triệu USD (tương đương gần 1 nghìn tỷ đồng), trong đó rút mạnh nhất ở FTSE Vietnam, KIM Kindex Vietnam, VFM VN30 ETF. Mức rút ròng này khá lớn, chỉ sau Ấn Độ, Thái Lan trong khu vực châu Á.

Các quỹ chủ động có tháng vốn vào ròng đầu tiên từ 9/2020. Theo EPFR, có khoảng 30 triệu USD vốn vào các quỹ cổ phiếu chủ động tại Việt Nam trong tháng 5. Đây là tín hiệu rất tích cực sau khi nhóm này liên tục rút ròng 285 triệu USD khỏi thị trường Việt Nam trong 8 tháng qua.

Nhờ vậy, mức vốn rút ròng khỏi thị trường Việt Nam của các quỹ đầu tư trong tháng 5 chỉ là 13 triệu USD, là mức nhỏ so với Malaysia, Philippine – là những thị trường tiếp tục bị các quỹ ETF và chủ động rút.

Khối ngoại bán ròng mạnh trên sàn chứng khoán. Tổng lượng bán ròng trong tháng 5 là 11,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn cả mức bán ròng kỷ lục của tháng 3 là 11,45 nghìn tỷ đồng. Tổng lượng bán ròng của khối ngoại trên 3 sàn chứng khoán lên tới 25,8 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2021.

Châu Á đang là điểm trũng của dịch Covid, thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ và chịu ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng chung của khu vực. Xu hướng rút vốn của các quỹ ETF có thể thay đổi khi tình hình dịch bệnh trong khu vực được kiểm soát.

Chuyên gia SSI cho rằng, nhìn lại năm 2018, dòng vốn ETF có xu hướng đảo chiều vào giữa tháng 2 thì TTCK cũng tạo đỉnh vào 9/4/2018. Dù hiện tại quy mô, chất lượng thị trường đã thay đổi, tác động của dòng vốn ngoại cũng có thể mờ nhạt hơn, nhưng nếu xu hướng rút ròng của các quỹ ETF tiếp diễn cũng sẽ là một chỉ báo đáng lưu tâm để gia tăng sự thận trọng với thị trường.