Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản Quý I/2016

Theo gso.gov.vn

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I năm nay theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 178,8 nghìn tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 137 nghìn tỷ đồng, giảm 2,5%; lâm nghiệp đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3%; thủy sản đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3%.

Nông nghiệp

Tính đến trung tuần tháng Ba, cả nước đã gieo cấy được 3021,6 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 98,8% cùng kỳ năm trước. Các địa phương phía Bắc gieo cấy được 1100,3 nghìn ha, bằng 99%, trong đó một số địa phương (Bắc Ninh, Lào Cai, Bắc Giang, Thanh Hóa) do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại đầu vụ nên đến nay chưa hoàn tất tiến độ gieo cấy vụ đông xuân.

Các địa phương phía Nam gieo cấy được 1921,3 nghìn ha, bằng 98,8% cùng kỳ năm 2015 (Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1553,8 nghìn ha, bằng 99,5%), chủ yếu do dự báo được tình hình khô hạn, không đảm bảo nguồn nước tưới tiêu nên một số địa phương đã chủ động không xuống giống hoặc chuyển đổi một phần diện tích lúa sang trồng cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Một số địa phương có diện tích lúa đông xuân giảm nhiều: Bình Thuận giảm 12 nghìn ha; Kiên Giang giảm 6,2 nghìn ha; Gia Lai giảm 3 nghìn ha, Bến Tre giảm 2,4 nghìn ha. Đến giữa tháng Ba, các địa phương phía Nam đã thu hoạch hơn 1,1 triệu ha lúa đông xuân sớm, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1079 nghìn ha, chiếm 69,5% diện tích xuống giống và tăng 27,2%. Ước tính sơ bộ, năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 67,2 tạ/ha, giảm 5,6% (khoảng 4 tạ/ha) so với vụ đông xuân trước, trong đó Bến Tre giảm 33,5%; Hậu Giang giảm 10,4%; Kiên Giang giảm 10,2%; Trà Vinh giảm 7%; Long An giảm 6,7%. Sản lượng lúa đông xuân toàn vùng ước đạt 10,4 triệu tấn, giảm 700 nghìn tấn.

Thời tiết nông vụ năm nay không thuận, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm nên dòng chảy bị thiếu hụt, mực nước sông Mê Công xuống mức thấp nhất trong gần một thế kỷ qua. Tình trạng xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn cùng kỳ năm trước với độ mặn trên các sông chính tăng cao, thấm sâu vào nội đồng 40-60 km. Đến thời điểm hiện nay, toàn bộ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bị xâm nhập mặn, trong đó 8 tỉnh đã công bố tình trạng thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn. Một số địa phương có diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại nặng: Kiên Giang 56,5 nghìn ha (mất trắng 35,3 nghìn ha); Cà Mau 48,6 nghìn ha; Trà Vinh 21,6 nghìn ha (mất trắng 5 nghìn ha); Bến Tre gần 20 nghìn ha (mất trắng 14,7 nghìn ha); Long An 8,6 nghìn ha (mất trắng 1,1 nghìn ha).

Gieo trồng hoa màu giảm so với cùng kỳ năm trước do thời tiết không thuận lợi, hiệu quả kinh tế thấp. Tính đến giữa tháng Ba, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 347,4 nghìn ha ngô, bằng 97,4% cùng kỳ năm trước; 69 nghìn ha khoai lang, bằng 93,5%; 125,7 nghìn ha lạc, bằng 98,7%; 34,1 nghìn ha đỗ tương, bằng 77,1%; 518,2 nghìn ha rau đậu, bằng 103,8%.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tháng nhìn chung ổn định, giá bán sản phẩm tăng cao và không xảy ra dịch bệnh lớn. Thời tiết rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc cuối tháng Một đã ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi trâu, bò tại các địa phương. Đàn trâu cả nước đến tháng Ba ước tính giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng khoảng 1%, trong đó đàn bò sữa tăng 8%; đàn lợn tăng 2,3%; đàn gia cầm tăng 2%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 3 tháng đầu năm giảm 0,4%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 2%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 3,9%; sản lượng thịt gia cầm tăng 4,6%. Tính đến ngày 23/3/2016, cả nước không có dịch lợn tai xanh và dịch cúm gia cầm. Dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày chỉ còn ở Quảng Trị.

Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng tập trung cả nước 3 tháng đầu năm ước tính đạt 12,5 nghìn ha, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 1613 nghìn m3, tăng 7%; sản lượng củi khai thác đạt 7,7 triệu ste, tăng 1,3%. Một số tỉnh có sản lượng gỗ khai thác tăng cao: Quảng Ngãi đạt 174,3 nghìn m3, tăng 15,2%; Bình Định 122,9 nghìn m3, tăng 13,9%; Quảng Nam 118 nghìn m3, tăng 16,5%; Thanh Hóa 96,2 nghìn m3, tăng 45,9%; Thừa Thiên - Huế 77,4 nghìn m3, tăng 25,7%; Đắk Lắk 64 nghìn m3, tăng 11%; Sơn La 10,7 nghìn m3, tăng 33,4%.

Mặc dù công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, nhưng do thời tiết khô hanh kéo dài, từ đầu tháng Ba đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng lớn tại các tỉnh vùng núi phía Bắc. Tính đến trung tuần tháng Ba, diện tích rừng bị thiệt hại trên cả nước là 823,1 ha, gấp 5,1 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 726 ha, gấp 9,8 lần; diện tích rừng bị chặt, phá là 97,1 ha, tăng 13,6%. Một số tỉnh có diện tích rừng bị cháy lớn: Sơn La 378,7 ha; Điện Biên 227,4 ha; Yên Bái 50,4 ha. Theo thông tin cảnh báo cháy rừng từ cơ quan chức năng, cả nước hiện có 17 tỉnh[7] có khu vực nguy cơ cháy rừng ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Do đó, các địa phương cần tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản 3 tháng đầu năm ước tính đạt 1271,7 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 934,2 nghìn tấn, tăng 3%; tôm đạt 124,5 nghìn tấn, xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 3 tháng đạt 549,6 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 388,3 nghìn tấn, tăng 2%; tôm đạt 91,9 nghìn tấn, giảm 1%.

Nuôi trồng thủy sản từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn như cá chết hàng loạt do rét đậm, rét hại ở một số tỉnh Bắc Bộ và tình trạng nguồn nước sông Đồng Nai và sông Cái Vừng tại An Giang, Đồng Tháp bị ô nhiễm. Nuôi cá tra găp khó khăn do giá cá tra không ổn định và ở mức thấp. Sản lượng cá tra ước tính đạt 211,8 nghìn tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó An Giang đạt 47,1 nghìn tấn, giảm 16%; Cần Thơ 20,9 nghìn tấn, giảm 2,7%; Hậu Giang 7,8 nghìn tấn, giảm 1,3%; Vĩnh Long 7,5 nghìn tấn, giảm 55,2%; Đồng Tháp 79,8 nghìn tấn, tăng 0,3%. Thời tiết bất thường và tình trạng xâm nhập mặn sâu vào đất liền làm cho người nuôi tôm gặp khó khăn do không chủ động được nguồn nước. Sản lượng tôm sú 3 tháng đầu năm ước tính đạt 38,2 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 32,6 nghìn tấn, giảm 6,9%.

Sản lượng thủy sản khai thác 3 tháng đầu năm ước tính đạt 722,1 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 545,9 nghìn tấn, tăng 3,8%; tôm đạt 32,6 nghìn tấn, tăng 2,8%. Khai thác thủy sản biển tiếp tục phát huy hiệu quả từ mô hình Nghiệp đoàn nghề cá, các tổ khai thác biển, tổ hợp tác khai thác hải sản và các đội dịch vụ hậu cần nghề cá, cùng với giá xăng dầu ở mức thấp làm giảm chi phí khai thác đã khuyến khích bà con tích cực ra khơi bám biển. Sản lượng thủy sản khai thác biển 3 tháng ước tính đạt 683,8 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản khai thác nội địa ước tính đạt 38,3 nghìn tấn, tăng 0,5%.