Sáng kiến hàng trăm tỷ USD của G7 khó cạnh tranh kế hoạch của Trung Quốc?
Nhiều chuyên gia cho rằng, sáng kiến hạ tầng hàng trăm tỷ USD của G7 khó có thể cạnh tranh với tham vọng "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc.
Sáng kiến hạ tầng thay thế “Vành đai và Con đường”
Tại Hội nghị thượng đỉnh các nền công nghiệp lớn nhất thế giới (G7), các nước thành viên trong nhóm đã công bố sáng kiến xây dựng hạ tầng mới mang tên “Tái thiết thế giới tốt đẹp hơn” (B3W).
Kế hoạch này sẽ góp phần hỗ trợ nhu cầu cơ sở hạ tầng lên tới hơn 40 nghìn tỷ USD ở các nước đang phát triển, thu nhập thấp và trung bình, đang ngày càng khẩn thiết vì đại dịch Covid-19.
“Tái thiết thế giới tốt hơn” sẽ bao phủ toàn cầu, từ châu Mỹ La-tinh và Caribe đến châu Phi tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đặc biệt nhấn mạnh việc hợp tác dựa trên “minh bạch, tiêu chuẩn cao và hướng tới các giá trị”.
Đây được cho là một giải pháp để thay thế sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc đang bị chỉ trích đẩy nhiều nước nhỏ rơi vào bẫy nợ, trong đó có cả Italy - một thành viên của G7.
Trên tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), nhà nghiên cứu, chuyên gia về các thách thức với Hong Kong, khu vực và toàn cầu chỉ ra, không phải đến bây giờ Mỹ mới có đề xuất dạng này.
Nhiều năm qua, Washington đưa ra không ít đề xuất đối trọng với sáng kiến đầu tư xây dựng hạ tầng tham vọng của Bắc Kinh. Một trong số đó là đề nghị tạo lập quỹ 113 triệu USD để xây dựng hạ tầng ở các nền kinh tế đang phát triển do ông Mike Pompeo, lúc đó là Ngoại trưởng Mỹ đưa ra.
Đánh giá về sáng kiến mới, nhiều chuyên gia như ông Dnyanesh Kamat, nhà phân tích chính trị chuyên về Trung Đông và Nam Á cho rằng, sáng kiến do chính quyền ông Biden đưa ra khó có thể trở thành mối đe doạ với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Giải thích rõ hơn, nhà phân tích chính trị chuyên về Trung Đông và Nam Á chia sẻ trên báo điện tử Arab News cho biết, hiện tại các nước Châu Âu chưa có chính sách đồng bộ để đối phó với Trung Quốc.
Điển hình là Đức, đất nước này vẫn coi Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với các sản phẩm sản xuất công nghệ cao và ô tô. Cho nên, rõ ràng, họ không muốn để Bắc Kinh thấy mình quá hào hứng ủng hộ sáng kiến B3W đối đầu với “Vành đai, Con đường”. Chưa kể, bất chấp áp lực từ Mỹ, Châu Âu vừa mới ký một thoả thuận đầu tư lớn với Trung Quốc.
B3W lấy tiền ở đâu?
Theo ông Kamat, một trong những dấu hỏi lớn đặt ra với chính sách B3W là sáng kiến này sẽ lấy tiền ở đâu để hỗ trợ các dự án?
Các nước G7 khẳng định, nguồn vốn lên tới hàng trăm tỉ sẽ được huy động từ các tổ chức tài chính, những thực thể trong tư nhân của Mỹ cũng như các nước trong nhóm G7. Chưa rõ mỗi nước sẽ huy động cụ thể bao nhiêu.
Hiện tại, các nhà ngoại giao Mỹ mới chỉ đưa ra một số bình luận mơ hồ rằng, sáng kiến hạ tầng B3W sẽ phối hợp với một số chương trình gây quỹ đa quốc gia hiện có.
Ngoài ra, Mỹ và các nước trong nhóm G7 cũng chưa cho biết họ sẽ thu hút các công ty tư nhân và ngân hàng ủng hộ B3W như thế nào trong khi theo chuyên gia Kamat, môi trường chính trị tại Mỹ lúc này vẫn chưa thân thiện với các công ty và ngân hàng lớn.
Bản thân Washington lâu nay cũng loay hoay tìm nguồn vốn để phục vụ nhu cầu hạ tầng rất lớn ở chính nước mình. Để phục vụ chương trình hạ tầng “Xây dựng lại tốt đẹp hơn” của Mỹ, chính quyền Joe Biden dự định sẽ tạo vốn bằng cách tăng thuế với các doanh nghiệp lớn.
Đặc biệt, khi đưa ra dự án này, ông Biden cũng lấy Trung Quốc làm động lực để thúc đẩy. Lãnh đạo Mỹ cảnh báo Bắc Kinh muốn "sở hữu tương lai" và nước Mỹ đang bị bỏ lại phía sau vì thời gian qua Washington không còn chú trọng vào cơ sở hạ tầng và nghiên cứu và phát triển (R&D). Dẫu vậy, dự án hạ tầng Mỹ vẫn đang bế tắc tại Quốc hội.
Không nên đối đầu mà bắt tay nhau vì mục tiêu chung
Chưa hết, nếu B3W được thực thi, các nước đang phát triển, thu nhập thấp muốn tham gia dự án có thể phải chấp nhận những điều kiện liên quan tới nhân quyền, biến đổi khí hậu, chống tham nhũng và một số quy định luật pháp khác...
Điều này đặt ra câu hỏi, tại sao các nước đang phát triển lại phải chọn sáng kiến B3W trong khi họ có thể tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn ít ràng buộc từ Trung Quốc, ông Dnyanesh Kamat chỉ ra.
Theo công ty cung cấp dữ liệu tài chính và hạ tầng Refinitiv, kể từ khi được công bố năm 2013, Sáng kiến "Vành đai và Con đường" đã ủng hộ hơn 2.600 dự án, trị giá 3,7 nghìn tỉ USD.
Mặt khác, theo ông David Dodwell, Mỹ và các đồng minh G7 nên phối hợp cùng Trung Quốc để giải quyết thách thức liên quan tới các dự án hạ tầng lớn dài hạn. Hầu hết các dự án này đều cần nguồn vốn "khủng" trong khi phải mất tới 3-4 thập kỷ mới có thể hồi vốn.
Ông Dodwell cho rằng, thế giới không cần những sáng kiến đối đầu nhau mà cần có thật nhiều dự án hạ tầng để khoả lấp những chỗ trống rất lớn trong nhu cầu xây dựng trên toàn cầu.