Sáp nhập ngân hàng: To hơn sẽ... tốt hơn?
Những đồn đại về sáp nhập hai ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) đã trở thành sự thật. Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường của Sacombank đã được diễn ra. Nội dung chính của Đại hội là thông qua việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank.
Khác với ngân hàng GP Bank, không nhiều người quan tâm, kể cả cổ đông. Phải đến lần thứ 3 ngân hàng này mới tổ chức được đại hội với tỉ lệ cổ đông tham dự rất ít. Còn Đại hội bất thường của Sacombank ngay từ rất sớm đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, cổ đông. Chẳng gì ngân hàng này cũng là một trong những những ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đồng thuận sáp nhập
Theo đề án sáp nhập Sacombank và Southern Bank, sau khi sáp nhập, vốn điều lệ của ngân hàng mới sẽ đạt 18.853 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 290.861 tỷ đồng; mạng lưới hoạt động được mở rộng lên đến 567 điểm giao dịch trên cả nước và tổng số cán bộ nhân viên lên đến 15.510 người. Và ngân hàng này sẽ là ngân hàng cổ phần lớn nhất về qui mô, nếu không tính các ngân hàng nhà nước được CP hóa như Vietinbank, BIDV và Vietcombank.
Theo đề án sáp nhập giữa hai ngân hàng, tỷ lệ hoán đổi cổ phần sẽ là: 1 cổ phần Southern Bank sẽ được hoán đổi thành 0,75 cổ phần Sacombank. Như vậy tại đại hội, các cổ đông thông qua việc chốt danh sách hoán đổi cổ phần và 1 cổ phần của cổ đông Sacombank tại ngày khi sáp nhập sẽ được nhận thêm 0,3875 cổ phần của Sacombank.
Tỷ lệ này đã bao gồm cổ phần nhận thêm từ tỷ lệ chuyển đổi cổ phần Southern Bank (0,0875 cổ phần) và tỉ lệ cổ tức 8% của năm 2013 được trả bằng cổ phiếu và tỉ lệ cổ tức 12% của năm 2014 được trả bằng cổ phiếu. Phần còn lại là thưởng cổ phiếu từ chia cổ phiếu quỹ và thặng dư vốn cổ phần.
Dự kiến sau khi sáp nhập, ngân hàng Sacombank sẽ tiếp tục là ngân hàng có nhiều cổ đông nhất với trên 65.000 cổ đông. Trong đó các cổ đông nắm giữ từ 1% đến trên 5% là 24 cổ đông. Chỉ qua đêm là qui mô ngân hàng đã tăng đáng kể. Nhưng liệu qui mô lớn hơn có làm ngân hàng tốt hơn trước là điều mà các nhà quản lí và nhà đầu tư rất quan tâm. Chắc chắn, ngân hàng mới sau sáp nhập sẽ vấp phải khá nhiều thách thức và khó khăn. Cụ thể, ngân hàng sau sáp nhập phải xử lý tài chính phát sinh từ Southern Bank, đặc biệt, lợi nhuận sẽ giảm trong ngắn hạn và tỷ lệ nợ xấu có thể phải chờ thời gian giải quyết, xử lý dứt điểm.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Sacombank khẳng định với cổ đông trước đại hội, với năng lực lãnh đạo hiện tại của ban lãnh đạo ngân hàng và sự giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng sau sáp nhập có thể giải quyết hết được những khó khăn cũng như thách thức. Tổng Giám đốc Sacombank khẳng định ngân hàng sau sáp nhập sẽ rất ổn định.
Cuộc chơi quyết liệt?
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho biết, việc ngân hàng Southern Bank sáp nhập vào Sacombank là nằm trong lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Vị này cho biết nợ xấu sẽ có thể xử lý dễ dàng hơn. Trước đây đã có tiền lệ việc mua bán sáp nhập của ba ngân hàng thành ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mới. Trước đây, cả ba ngân hàng đều thuộc diện yếu gồm: SCB, Ficombank và TinNghiaBank. Sau khi cả ba ngân hàng trên hợp nhất thành một ngân hàng thì hướng xử lý cũng như giải quyết nợ xấu cũng chỉ cần tập trung vào ngân hàng sau hợp nhất. Đây cũng có thể là một thuận lợi nếu các ngân hàng sáp nhập có nhiều điểm chung.
Cho đến nay, ngân hàng nhà nước vẫn ủng hộ và chủ trương khuyến khích, cho phép các ngân hàng lớn mua lại hay sáp nhập các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém để hỗ trợ các ngân hàng này cũng nhưng tránh những tín hiệu xấu trong hệ thống ngân hàng. Vừa mới đây không lâu, VietinBank đã tiếp nhận PGBank còn MHB được sáp nhập vào BIDV mà không hề có trở ngại nào.
Có thể nói, đây là bước đi đúng nhằm nâng chất lượng của hệ thống ngân hàng, nâng sức mạnh lên để vốn tăng lên. Qua đó có điều kiện tăng trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật tốt hơn, chọn lựa nhân sự tốt hơn để phục vụ cho khách hàng. Đặc biệt, chú trọng nâng cao vai trò chủ đạo của các NHTM nhà nước thông qua việc các NHTM này tham gia tích cực vào quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD khác.
Bên cạnh việc tập trung xử lí nợ xấu, tăng qui mô vốn điều lệ thì NHNN muốn thông qua các phi vụ mua bán sáp nhập ngân hàng để từ đó xử lý được tình trạng sở hữu chéo, để hình thành một số TCTD có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao. Điều này có thể nói rất đúng với các ngân hàng tương tự như Sacombank và Southern Bank.
Nếu quá trình thanh lọc, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thông qua mua bán, sáp nhập thành công như chủ trương của NHNN thì số lượng ngân hàng nội địa trong vòng 2-3 năm nữa sẽ giảm đáng kể. Việc sáp nhập ngân hàng từng bước nâng tầm ngân hàng lớn lên cỡ khu vực về quy mô và tính cạnh tranh. Các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank và BIDV tham gia thương vụ sáp nhập nhằm trở thành những người khổng lồ trong lĩnh vực tài chính.
Tuy nhiên, các ngân hàng tham gia sáp nhập thì vốn điều lệ ít, quy mô nhỏ nên tiềm năng không cao. Theo tính toán của NHNN, mục tiêu năm 2017 chỉ còn 20 ngân hàng thương mại trong hệ thống thì kế hoạch sáp nhập, hợp nhất năm nay của NHNN là khoảng 6-7 ngân hàng và những năm tiếp theo vẫn phải cơ cấu tiếp. Điều đó cho thấy, cuộc chơi trong lĩnh vực tài chính ngày càng khốc liệt hơn.