Tái cơ cấu ngân hàng đem lại nhiều kết quả tích cực

PV.

(Taichinh) - Là 1 trong 3 trụ cột trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã tập trung thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại một cách mạnh mẽ, nhất là việc sáp nhập các ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tái cơ cấu để tăng sức cạnh tranh

Với mục tiêu ổn định hệ thống, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, cũng như sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 2 giai đoạn hành động. Trong đó, giai đoạn thứ nhất đã được tiến hành bằng cách sáp nhập đơn vị yếu kém với ngân hàng lớn hoặc giải thể, giúp giải quyết những đơn vị có nhiều hạn chế, tồn tại, từ đó giúp ổn định toàn hệ thống.

Giai đoạn thứ hai được thực hiện nhằm nâng cao trình độ để nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả kinh doanh và có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Trong giai đoạn này, các ngân hàng được tự lựa chọn đối tác sáp nhập, thay vì được chỉ định như thời gian trước. Ngân hàng nhỏ có thể sáp nhập vào ngân hàng lớn để đôi bên cùng có lợi.

Cụ thể là, ngân hàng nhỏ có thể lấy vốn, hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ năng quản trị để tiếp tục phát triển, đặc biệt lấy danh hiệu của ngân hàng đối tác để khắc phục hạn chế. Ngân hàng lớn cũng được tăng vốn điều lệ, thêm nhân sự để lựa chọn và có quyền mở rộng văn phòng đại diện để thu hút thêm khách hàng. Đối với những đơn vị quá yếu, không có đối tác nào chấp nhận sáp nhập, thì Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, và tạm giao cho ngân hàng có tiềm lực mạnh, có nhân sự tốt thực hiện củng cố lại đơn vị này.

Các ngân hàng sau sáp nhập hoặc hợp nhất đã tiếp tục tận dụng được các thế mạnh trước đây của từng tổ chức, đồng thời phối kết hợp các thế mạnh với nhau để tạo hợp lực, nâng tầm vị thế của ngân hàng sau sáp nhập. Đặc biệt, với những thương vụ liên quan đến các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng sau sáp nhập đã có những biện pháp xử lý hiệu quả, giảm thiểu được các tổn thất phát sinh, nhất là vấn đề nợ xấu.

Cụ thể, Ngân hàng SHB đã có những biện pháp tích cực để xử lý và thu hồi nợ xấu “kế thừa” từ Ngân hàng Habubank trước đây, giảm tỷ lệ nợ xấu của toàn Ngân hàng trong mức kiểm soát xấp xỉ 2% (báo cáo kiểm toán 31/12/2014); hoặc SCB đã rất nỗ lực trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu xuống còn 0,5% - một nỗ lực đáng ghi nhận trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng.

Hầu hết các thương vụ M&A từ trước đến nay đều được đánh giá là thành công vì các ông chủ ngân hàng đã có những cái nhìn tinh tường, xác định được các giá trị tiềm năng của đối tác mục tiêu và các sức mạnh tổng hợp tiềm năng sau khi thực hiện M&A.

Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại được thực hiện trong thời gian qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho hệ thống ngân hàng nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Trong đó, việc sáp nhập các ngân hàng đã giúp giảm số lượng những đơn vị nhỏ yếu, góp phần hình thành lên ngân hàng lớn, đủ khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập hiện nay. Vấn đề nợ xấu cũng đã được khoanh vùng lại, tạo điều kiện cho dư nợ tín dụng tăng lên. Dư nợ tín dụng trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng 4,52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhộn nhịp làn sóng sáp nhập ngân hàng

Sau 3 năm đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng và sáp nhập, hợp nhất đối với nhiều ngân hàng có hoạt động không hiệu quả, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cũng từng bước giảm dần.

Ngay từ đầu năm 2015, NHNN trở thành chủ sở hữu của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách của các cổ đông hiện hữu bằng việc mua lại toàn bộ vốn cổ phần của ngân hàng này với giá 0 đồng.

Theo lãnh đạo của NHNN, với động thái này, VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Cùng với đó, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB sẽ được bảo đảm.

Còn việc sáp nhập MHB vào BIDV không chỉ giúp BIDV mở rộng mạng lưới, khách hàng, mà còn tăng cường năng lực của BIDV trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nâng cao vai trò của BIDV để trở thành định chế tài chính mạnh, có chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đủ năng lực cạnh tranh, hội nhập với các ngân hàng trong khu vực và thế giới. BIDV đã đặt mục tiêu cho năm 2015 là tăng trưởng nguồn vốn 16,5%, dư nợ tín dụng tăng 16%, lợi nhuận trước thuế 7.500 tỷ đồng, nợ xấu dưới 3%, tỷ lệ chi trả cổ tức trên 9%.

Đặc biệt với việc VietinBank "kết hôn" với Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank), lãnh đạo VietinBank cũng khẳng định, với định hướng xây dựng VietinBank trở thành ngân hàng hàng đầu, có quy mô, năng lực xứng tầm khu vực, sau một thời gian nghiên cứu, nhận thấy PGBank là tổ chức tín dụng tiềm năng để sáp nhập vào VietinBank. Việc sáp nhập PGBank vào VietinBank sẽ giúp ngân hàng này có cơ hội phát triển mới, hướng đến mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài giữa Petrolimex và VietinBank.

Theo đánh giá của NHNN, trong năm 2015, sẽ có 5-6 thương vụ mua bán, sáp nhập được tiếp tục xem xét. Trong số đó, thương vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank thu hút sự quan tâm của dư luận.