Sắp xử vụ “bầu” Kiên: Dàn lãnh đạo ACB bị khép tội gì?
(Tài chính) Từ 17 - 29/4/2014, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử vụ đại án “bầu” Kiên. Theo cáo trạng, dàn lãnh đạo Ngân hàng ACB đã bị truy tố cùng với “bầu” Kiên vì đã chấp thuận và thực hiện chủ trương đầu tư trái với các quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước, gây thiệt hại cho ACB khoảng 1.400 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của các công ty chứng khoán (CTCK), từ năm 2007, Bộ Tài chính đã đưa ra quy định về hạn chế đầu tư của các CTCK như không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc phần vốn góp của công ty sở hữu trên 50% vốn điều lệ của CTCK.
Tuy nhiên, các lãnh đạo của Ngân hàng ACB và CTCK Ngân hàng ACB (ACBS) đã vi phạm các quy định này, gây thiệt hại 687,7 tỷ đồng. Dàn lãnh đạo của ACB đã có chủ trương đầu tư cổ phiếu trái luật này gồm nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Trần Xuân Giá, các Phó chủ tịch HĐQT gồm Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ và thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lý Xuân Hải.
Cụ thể, theo tài liệu truy tố, tháng 11/2009, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã có quyết định cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua một số ít cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao do nhận định giá cổ phiếu đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư sinh lợi. Thường trực HĐQT ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) Chủ tịch Hội đồng đầu tư chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư này.
Sau đó, ông Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo ACBS tiến hành đầu tư một số cổ phiếu trong đó có cổ phiếu của Ngân hàng ACB.
Trong khi đó, ACBS là CTCK do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ và theo quy định thì ACBS không được đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB.
Để lách quy định trên, ông Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Á Châu (Công ty ACI), và CTCP Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (Công ty ACI – Hà Nội). Cả hai công ty này đều do ông Kiên thành lập và làm đại diện theo pháp luật.
Theo đó, Công ty ACBS hợp tác với Công ty ACI đầu tư cổ phiếu với giá trị tối đa là 2.000 tỷ đồng, với Công ty ACI - Hà Nội là 700 tỷ đồng và Công ty ACBS có quyền duyệt danh mục các loại cổ phiếu trước khi mua, bán.
Để Công ty ACBS có tiền mua cổ phiếu, ông Kiên chỉ đạo Ngân hàng ACB cho Ngân hàng Kiên Long vay liên ngân hàng 1.000 tỷ đồng, cho Vietbank vay 500 tỷ đồng với lãi suất 9,8% - 11,7%/năm. Sau đó, hai ngân hàng này lại cho ACBS vay lại thông qua hình thức mua trái phiếu của ACBS, lãi suất 11,05%/năm - 14%/năm để ACBS có tiền đầu tư cổ phiếu.
Cơ quan điều tra xác định, việc Ngân hàng ACB chuyển tiền cho ACBS thông qua việc cho Kienlongbank và Vietbank vay tiền liên ngân hàng đã khiến Ngân hàng ACB bị thiệt hại 60,4 tỷ đồng do chênh lệch lãi suất.
Tuy nhiên, việc đầu tư trái luật này gặp rắc rối và dẫn đến nhiều giao dịch phát sinh khác. Sau khi ACBS đã chuyển 1.500 tỷ đồng cho hai công ty nói trên đứng tên mua hơn 51,7 triệu cổ phiếu ACB với số tiền 1.544 tỷ đồng thì tháng 7/2010, Công ty Kiểm toán PwC phát hiện việc đầu tư này là trái pháp luật. PwC đã yêu cầu ACBS phải loại bỏ số cổ phiếu ACB ra khỏi danh mục hợp tác đầu tư.
Với yêu cầu này của kiểm toán, Công ty ACI và Công ty ACI - Hà Nội phải trả lại số tiền đã đầu tư cổ phiếu cho ACBS. Số tiền này từ đâu ra?
Ngân hàng ACB tiếp tục cho Vietbank vay liên ngân hàng số tiền 1.693 tỷ đồng lãi suất 9,8% - 11,7%/năm, sau đó Vietbank cho 2 công ty nói trên vay lại toàn bộ thông qua hình thức mua trái phiếu với lãi suất 11,05% - 14,6%/năm. Chênh lệch lãi suất này khiến cho Ngân hàng ACB bị thiệt hại số tiền 12,78 tỷ đồng (Vietbank được hưởng).
Như vậy, Công ty ACI và Công ty ACI - Hà Nội đã vay 1.693 tỷ đồng của Vietbank qua hình thức phát hành trái phiếu, sau đó trả cho ACBS và đổi lại là sở hữu 51,7 triệu cổ phiếu ACB.
Những giao dịch vay mượn phức tạp vẫn chưa kết thúc. Khi trái phiếu 500 tỷ đồng bán cho Vietbank của Công ty ACI đến hạn, Công ty ACI phải tìm nguồn để trả nợ bằng cách vay thêm Ngân hàng Nam Á 385 tỷ đồng để trả cho Vietbank.
Tiếp tục, để có tiền trả cho Vietbank, Công ty ACI lại vay của Ngân hàng ACB 400 tỷ đồng. Sau đó, lại vay 506 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển nhà TP. Hồ Chí Minh (HDBank), tài sản bảo đảm là 37,5 triệu cổ phiếu ACB. Số tiền này dùng để trả nợ Ngân hàng ACB và một số khoản nợ khác.
Đến tháng 9/2012, để thu hồi khoản nợ này, HDBank đã bán 32,9 triệu cổ phiếu ACB.
Như vậy, sau một loạt giao dịch, Công ty ACI và Công ty ACI Hà Nội chỉ còn nắm giữ 19,5 triệu cổ phiếu ACB, trị giá 578,56 tỷ đồng (tính theo giá bình quân mua vào là 29.566 đồng/CP).
Cơ quan điều tra xác định, Công ty ACI và Công ty ACI còn nợ Ngân hàng ACB số tiền này nhưng chỉ có số cổ phần tương đương 578,5 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng ACB chưa thu hồi được số tiền 614,4 tỷ đồng.
Do đó, cơ quan điều tra xác định hành vi thống nhất ban hành chủ trương đầu tư cổ phiếu ACB trái quy định pháp luật của các ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải và hành vi tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu này của ông Nguyễn Đức Kiên đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền 687,7 tỷ đồng.
Phi vụ với Huyền Như
Vào tháng 3/2010, Thường trực HĐQT ACB triệu tập cuộc họp bàn phương án sử dụng nguồn vốn chưa đầu tư của ACB. Ông Trần Mộng Hùng, Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB đưa ra phương án giảm lãi suất huy động tiền gửi để làm giảm áp lực bị lỗ khi nhận tiền tiết kiệm mà không cho vay được.
Tuy nhiên, Nguyễn Đức Kiên không chấp nhận phương án này và chỉ đạo không được làm giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB.
Nguyên Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải đã đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền của ACB đi gửi vào ngân hàng để nhận lãi suất tiền gửi và hưởng thêm hoa hồng, khuyến mại của các ngân hàng khác. Đề xuất này của Lý Xuân Hải đã được Nguyễn Đức Kiên ủng hộ.
Sau đó, các ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã thống nhất phương án này và ký vào biên bản cuộc họp với nội dung: “Đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VND/USD tại các tổ chức tín dụng. Giao Tổng giám đốc kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng lớn… Ủy quyền cho Kế toán trưởng tổ chức thực hiện, ký hợp đồng ủy thác.”
Cũng theo cáo trạng, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho Kế toán trưởng thực hiện ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbank - Nhà Bè và Vietinbank -TP. Hồ Chí Minh, thời hạn 3 - 6 tháng, lãi suất 14%/năm, lãi suất ngoài hợp đồng là 3,7 - 13%/năm. Tuy nhiên, số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối, rút ra chiếm đoạt 718,9 tỷ đồng.
Tổng cộng, trong giai đoạn từ 26/1/2011 đến 26/9/2011, ACB qua ủy thác đã gửi vào 22 ngân hàng số tiền hơn 28.379 tỷ đồng với lãi suất từ 7,5 - 22%/năm. Tổng tiền lãi là 1.162,5 tỷ đồng, trong đó lãi vượt trần 243,6 tỷ đồng.
ACB cũng đã gửi 71,2 triệu USD với lãi suất 3 - 6%/năm, thu được tiền lãi hơn 1,2 triệu USD.
Hành vi của các bị can Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn, Nguyễn Đức Kiên đã phạm vào tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự. Dư luận đang chờ đợi và dõi theo những diễn biến tại phiên Tòa bởi có nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư chéo giữa ngân hàng mẹ - con không chỉ xảy ra tại ACB, đồng thời, xét điều kiện pháp lý khi ACB gửi tiền ngân hàng khác hưởng lợi thì các bị can không phạm tội nặng như cáo trạng.