Sát sao cơ chế khoán xe công
(Tài chính) Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2013, việc quản lý xe ô tô công nhìn chung đã đi vào nề nếp, các bộ, ngành, địa phương cơ bản đã tuân thủ đúng tiêu chuẩn, định mức về trang bị xe ô tô cho các chức danh.
Thay thế nhiều xe đã hết thời hạn sử dụng
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vừa trình Quốc hội, năm 2013 số ô tô mua mới của cả nước là 1.477 chiếc với nguyên giá gần 1.329 tỷ đồng.
Trong đó, khối trung ương mua sắm 448 xe, khối địa phương mua sắm 1.029 xe. Trong tổng số xe mua mới có 85 xe phục vụ chức danh với giá gần 94 tỷ đồng; xe ô tô phục vụ chung chiếm 934 xe với tổng nguyên giá trên 817 tỷ đồng và xe ô tô chuyên dùng là 458 xe với tổng nguyên giá trên 417 tỷ đồng. Số lượng xe ô tô này chủ yếu để thay thế số xe ô tô đã hết thời hạn sử dụng hoặc được điều chuyển cho đơn vị khác.
Như vậy, cùng với việc mua mới, số xe ô tô công năm 2013 tăng lên 2.725 chiếc, trong đó có 1.248 xe tăng do việc tiếp nhận, điều chuyển giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bà Tạ Thanh Tú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, việc mua sắm đảm bảo phù hợp với mức giá quy định của Thủ tướng Chính phủ, đúng đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng.
Tuy nhiên, có một thực tế vẫn tồn tại đó là việc sử dụng xe ô tô công còn nhiều lãng phí, mà nguyên nhân cơ bản nằm ở chỗ chủ trương đổi mới quản lý xe công chưa được thực hiện quyết liệt. Mặc dù, đã có quy định về cơ chế khoán xe nhưng lại không bắt buộc nên nhiều cơ quan, đơn vị đã không áp dụng.
Áp dụng rộng rãi cơ chế khoán
Trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 văn bản quy định chi tiết và rất rõ ràng đối với việc quản lý xe công, đó là Quyết định số 59/2007/QĐ- TTg và Quyết định số 61/2010/QĐ- TTg.
Hiện tại, Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng đề án hoàn thiện các quy định tại các quyết định trên để tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản xe công, đồng thời phù hợp với các chính sách khác. Chẳng hạn, với xe ô tô chuyên dùng, tới đây quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị, chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc ban hành tiêu chuẩn, định mức xe chuyên dùng. Bên cạnh đó, phải có báo cáo định kỳ hàng năm về việc ban hành định mức xe để đảm bảo việc trang bị xe chuyên dùng được sử dụng đúng mục đích cho công tác chuyên môn nghiệp vụ, cũng như những nhiệm vụ đặc thù của đơn vị, với số lượng, chủng loại xe phù hợp.
Đối với xe ô tô phục vụ hoạt động của các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài (nguồn vốn ODA, nguồn viện trợ), thực hiện theo Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ nếu trong hiệp định có quy định cụ thể việc mua xe ô tô; trường hợp không có quy định cụ thể sẽ không thực hiện mua sắm phương tiện này.
Với cơ chế khoán xe, theo bà Tú, thực tế đã có quy định nhưng mới chỉ dừng ở việc áp dụng theo hướng tự nguyện mà chưa quy định thành Luật, là do cơ chế này phù hợp với địa bàn thành phố, nhưng đối với các địa bàn vùng khó khăn, dịch vụ xe công cộng chưa phát triển thì cơ chế này lại tỏ ra không phù hợp.
Với lần sửa đổi này, Bộ Tài chính đang xem xét, định hướng xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương để làm rõ những thuận lợi cũng như khó khăn khi áp dụng cơ chế khoán xe. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tham mưu và xây dựng một chính sách phù hợp để có thể áp dụng cơ chế khoán xe trên cả nước giúp cho công tác quản lý xe công ngày càng hiệu quả, tránh lãng phí.