Sau Covid, ngành thời trang xa xỉ phải đợi tới năm 2022 để phục hồi
Một báo cáo mới từ Bain & Company dự đoán doanh số toàn cầu của ngành thời trang xa xỉ có thể giảm tới 60% trong quý II, tăng trưởng năm 2020 giảm 20-35% so với năm 2019 vì đại dịch Covid-19.
Các tập đoàn và nhà bán lẻ xa xỉ cũng gánh chịu những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Bain ước tính rằng doanh số bán hàng xa xỉ đã giảm 25% trong quý I và dự kiến doanh số sẽ giảm hơn nữa vào cuối năm nay, dự kiến giảm 35% so với năm 2019.
Doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn thế giới - bao gồm quần áo, trang sức, đồng hồ, sản phẩm làm đẹp và phụ kiện - sẽ giảm khoảng 50% đến 60% trong quý II. Về doanh thu, giá trị sẽ đạt khoảng 180 tỷ EUR đến 220 tỷ EUR (khoảng 195 tỷ USD đến 239 tỷ USD). Báo cáo mới nhất của Bain & Company được CNBC trích dẫn, là kết quả sau quá trình hợp tác cùng Altagamma, một nền tảng đại diện cho các nhà sản xuất xa xỉ của Italia để chỉ ra những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch Covid-19 gây ra.
"Sẽ có một sự phục hồi cho thị trường xa xỉ nhưng ngành công nghiệp này sẽ chứng kiến chuyển đổi sâu sắc. Cuộc khủng hoảng do virus corona sẽ buộc ngành công nghiệp xa xỉ phải suy nghĩ sáng tạo hơn và đổi mới thậm chí nhanh hơn nhằm theo kịp và đáp ứng loạt nhu cầu mới của người tiêu dùng, bên cạnh các hạn chế phát sinh từ kênh phân phối và bán hàng", theo nhận định của Claudia D’Arpizio, một trong những đối tác của Bain, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu.
Mặc dù khoảng thời gian cuối của năm 2019 việc kinh doanh đã tăng trưởng mạnh mẽ trên khắp các thị trường Trung Quốc, châu Âu và châu Mỹ, nhưng việc cách ly trên phạm vi toàn cầu do dịch bệnh Covid-19 vào đầu năm 2020 đã hạn chế việc đi du lịch, một yếu tố quan trọng trong thúc đẩy doanh số bán hàng xa xỉ. Điều này cũng đúng với các thương hiệu đồ thể thao.
Bain & Company cũng dự đoán về thời gian phục hồi đáng kể cho ngành công nghiệp xa xỉ, phải đến năm 2022 thậm chí năm 2023 doanh số tăng trưởng mới đạt được con số của năm 2019, sau đó tăng trưởng sẽ dần trở lại quỹ đạo.
Nghiên cứu chỉ ra rằng kỳ vọng dựa trên một loạt các yếu tố, từ khả năng thấu hiểu nhu cầu tiêu dùng, xu hướng kinh tế đến du lịch và nhiều hơn nữa. Một yếu tố mà Bain đặc biệt tin tưởng là người tiêu dùng Trung Quốc rất khao khát sở hữu các mặt hàng xa xỉ - công ty hy vọng thị trường này sẽ chiếm gần 50% lượng mua hàng xa xỉ vào năm 2025, so với 35% vào năm 2019.
Người tiêu dùng Trung Quốc được dự đoán sẽ dẫn đầu sự phục hồi về sức mua hàng xa xỉ. Hầu hết các quốc gia đã sớm ban hành việc phong toả và việc bùng phát virus ở Trung Quốc đại lục hiện đang được kiểm soát tốt. Sau nhiều tháng đóng cửa hàng, thực hiện cách ly xã hội và phá vỡ thói quen cá nhân bình thường, khách hàng Trung Quốc có thể sẽ sẵn sàng "phục hồi một phần mua hàng không được thực hiện trong thời gian phong toả," Bain phân tích.
Về địa điểm mua, do các hạn chế du lịch toàn cầu, khách hàng Trung Quốc - những người vốn thường đi du lịch nước ngoài đến các điểm đến như Paris, London và New York để mua các mặt hàng xa xi có khả năng chuyển sang mua sắm nhiều hơn tại các cửa hàng trong nước của thương hiệu này. Theo Bain, các thương hiệu hoạt động tốt nhất đã chứng kiến sự gia tăng số lượng hàng năm của họ tại Trung Quốc.
Thị trường xa xỉ được dự đoán sẽ đạt từ 320 tỷ EUR đến 330 tỷ EUR vào năm 2025, một phần là do sự tăng trưởng của người tiêu dùng xa xỉ Trung Quốc. 5 năm kể từ bây giờ, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần một nửa tổng chi tiêu xa xỉ trên toàn thế giới. Phần còn lại của châu Á "sẽ theo sát", được thúc đẩy bởi sự kết hợp của cả tiêu dùng bản địa và du lịch nội vùng.
Tất nhiên, thị trường xa xỉ không hề đơn độc trong việc gánh vác những hậu quả của địa dịch Covid-19, các nhà bán lẻ thời trang nhanh cũng đang rơi vào tình cảnh đau đầu.