Sau năm rút ròng gần một tỷ USD, khối ngoại sẽ giao dịch ra sao ở thị trường Việt Nam?
Thị trường quan ngại về xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong năm qua với con số gần một tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây chỉ là giá trị bán ròng trên thị trường niêm yết cổ phiếu, nếu xét cả vốn tư nhân chưa niêm yết thì khối ngoại vẫn đang rót ròng vào thị trường Việt Nam.
Nguyên nhân khối ngoại bán ròng?
Năm 2023, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trở thành tâm điểm thị trường. Khối ngoại đã mua vào trên cả 3 sàn HSX, HNX và UPCoM 11,2 tỷ đơn vị cổ phiếu, trị giá gần 330 nghìn tỷ đồng và bán ra 11,9 tỷ đơn vị cổ phiếu, trị giá hơn 352 nghìn tỷ đồng. Như vậy, họ đã bán ròng gần 700 triệu đơn vị cổ phiếu, tương đương giá trị bán ròng gần 22.600 tỷ đồng (riêng sàn HSX là hơn 24.000 tỷ đồng).
Như vậy, năm qua, khối này đã rút ròng giá trị gần bằng giá trị rót ròng trong năm 2022 (hơn 26.700 tỷ đồng). Nhìn lại lịch sử giao dịch, 2023 là năm bán ròng mạnh thứ hai của khối ngoại, chỉ sau năm 2021 (hơn 57.000 tỷ đồng).
Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng liên tiếp trong 9 tháng, từ tháng 4/2023 tới tháng 12/2023. Trong đó, lực bán ròng mạnh nhất ở tháng cuối năm với giá trị bán ròng hơn 360 triệu USD.
Cổ phiếu bị khối ngoại “xả” mạnh nhất là EIB của Eximbank với giá trị bán ròng gần 5.400 tỷ đồng, kế đến là VPB của VPBank với gần 3.500 tỷ đồng, VHM của Vinhomes và MWG của Thế giới Di động cùng ở trên 3.000 tỷ đồng…
Theo nhìn nhận của ông Andy Ho - Tổng giám đốc Hội đồng đầu tư VinaCapital, có một số nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng. Đầu tiên là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát, khiến đồng USD mạnh lên, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vào tháng 10/2023 đã vượt 5%, là mức cao nhất kể từ năm 2007. Do đó, dòng tiền đã bị rút ra khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi cũng là điều dễ hiểu.
Đồng thuận quan điểm trên, ông Trịnh Hoài Giang - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) phân tích thêm, chênh lệch lãi suất VNĐ và USD cao là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng trên thị trường Việt.
“Lãi suất ngắn hạn USD khoảng 5,5%, lãi suất của chúng ta khoảng 3,5%. Lãi suất dài hạn của Mỹ khoảng 4,5%, trong đó Việt Nam lại thấp hơn hai trăm điểm, chỉ 2,5% - điều chưa bao giờ xảy ra”, chuyên gia HSC chia sẻ.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, có một số vấn đề riêng của Việt Nam trong năm 2023, đó là vấn đề chấn chỉnh thị trường và kinh tế tăng trưởng chậm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết yếu hơn kỳ vọng. Các doanh nghiệp mà khối ngoại bán ròng nhiều nhất đều có những vấn đề về tình hình kinh doanh trong ngắn hạn.
Đà bán ròng có tiếp diễn?
Kết thúc tháng 1/2024, khối ngoại đã chấm dứt đà bán ròng với việc mua ròng 185 tỷ đồng. Nếu như trong năm 2023, cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu nhóm bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất thì ngay ở tháng đầu năm, cổ phiếu “vua” lại được khối này “vợt” mạnh nhất. Hàng loạt cổ phiếu trong top đầu mua ròng thuộc ngành Ngân hàng như Vietcombank (mã VCB) đạt giá trị mua ròng 899 tỷ đồng, Sacombank (mã STB) đạt 771 tỷ đồng hay VPBank (mã VPB) đạt 663 tỷ đồng…
Với việc mua ròng trở lại trong tháng đầu năm 2024 có là tín hiệu khởi sắc cho dòng vốn ngoại giao dịch trên thị trường Việt trong năm nay?
Ông Andy Ho cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đặt niềm tin vào khả năng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Có thể lấy dẫn chứng về số liệu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2023, mặc dù trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tăng trưởng chậm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam vẫn tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 36,6 tỷ USD. Còn vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 80% tổng vốn FDI thực hiện. Theo chuyên gia này, tăng trưởng của dòng vốn FDI, nhất là vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, là minh chứng rõ ràng về niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Qua tiếp xúc với giới đầu tư nước ngoài, chuyên gia VinaCapital cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện sự quan tâm lớn đến triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm tới. Họ đánh giá cao sự ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam, sự gia tăng về thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân Việt Nam, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam khi các tập đoàn đa quốc gia đang áp dụng chiến lược Trung Quốc +1, và khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong 2-3 năm tới.
“Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, ước tính tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell và dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể lên tới 5-8 tỷ USD”, ông Andy Ho nhận định.
Trong khi đó, ông Trịnh Hoài Giang lưu ý rằng, khối ngoại bán ròng gần 1 tỷ USD nhưng đó là thị trường niêm yết cổ phiếu. Còn trên thị trường Private Equity (PE) – vốn tư nhân – dòng vốn ngoại vẫn đang chảy ròng vào Việt Nam. “Nếu tính tổng vốn ngoại vào ra thì vẫn là con số vào ròng. Vậy tức họ chỉ đang bán ròng mạnh trên thị trường niêm yết”, ông Giang nói.
Nhận định xu hướng của khối ngoại năm nay, CEO của HSC cho rằng, năm 2024, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và đồng VND vẫn tiếp tục. Bởi, vị này tin rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ mức lãi suất thấp hiện nay và có thể lãi suất đồng USD vẫn cao, không loại trừ khả năng sẽ lên cao nữa thay vì giảm như mọi người nghĩ vì lạm phát vẫn đang là vấn đề lớn còn quá sớm để nói việc giảm được lạm phát.
Theo đó, chuyên gia này dự báo dòng vốn nước ngoài vẫn bán ròng trên thị trường niêm yết vì câu chuyện chênh lệch lãi suất, nhưng ông cũng tin rằng, lòng tin vào thị trường đã tốt hơn, nên nếu có bán ròng thì bán ròng nhẹ hơn 2023. Riêng thị trường PE, dòng vốn ngoại vẫn sẽ chảy vào mạnh mẽ, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tìm mua doanh nghiệp Việt tốt, quản trị tốt dù chưa niêm yết.