Sau Sabeco, đến Habeco vào tay người nước ngoài?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Nếu Carlsberg đạt được thỏa thuận nâng tỷ lệ sở hữu tối thiểu tại Habeco lên 51%, hãng bia Đan Mạch này sẽ trở thành cổ đông chi phối hãng bia lớn thứ 3 tại Việt Nam, sau Sabeco và Heineken.

Vướng mắc lớn nhất trong đàm phán bán cổ phần giữa Habeco và Carlsberg là ở vấn đề giá. Nguồn: Internet
Vướng mắc lớn nhất trong đàm phán bán cổ phần giữa Habeco và Carlsberg là ở vấn đề giá. Nguồn: Internet

Theo Reuters, Carlsberg đã tiến gần đến một thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam để tăng cổ phần tại công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (mã: BHN).

Carlsberg Breweries A/S hiện là cổ đông lớn thứ 2 tại Habeco, với sở hữu 17,51%, chỉ sau Bộ Công Thương (81,79%).

Carlsberg “muốn” từ lâu

Carlsberg có hợp tác đầu tiên với Habeco tại thị trường miền Nam với việc thành lập liên doanh Nhà máy Bia Hà Nội – Vũng Tàu, có công suất 50 triệu lít/năm, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, trong đó Habeco nắm 45%.

Năm 2008, Carlsberg đã được chỉ định là đối tác chiến lược của Habeco và mua lại 16,07% cổ phần của Habeco. Thời gian này, Carlsberg mua cổ phần của Habeco với mức giá cao ngất ngưởng 50.100 đồng/cp.

Tính đến nay, sau nhiều năm hợp tác, Carlsberg là cổ đông ngoại nắm giữ 17,51% cổ phần tại Habeco (1,5% tỷ lệ cổ phần mua thêm là mua ngoài thị trường tự do) và là nhà đầu tư ngoại lớn nhất tại Habeco.

Năm 2012, Habeco từng triệu tập họp ĐHCĐ bất thường để xin ý kiến về việc bán 13% cổ phần nhà nước nhằm tăng tỷ lệ sở hữu của Carlsberg từ 17,23% lên 30,23% vốn. Song cuộc họp bất ngờ bị hoãn vào phút chót vì lý do “chưa được chuẩn bị đầy đủ”.

Mặc dù việc bán vốn nhà nước tại Habeco được chuẩn bị từ cuối năm 2016, nhưng qua 9 phiên đàm phán, hai bên vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng. Do Carlberg muốn có những lợi ích lớn hơn các cổ đông khác, trong đó có một số điều không phù hợp với luật pháp Việt Nam.

Chẳng hạn, hiện Habeco có kinh doanh nhiều lĩnh vực khác ngoài bia, như rượu, lương thực… Trong các lĩnh vực này, quy định chỉ cho nhà đầu tư ngoại được sở hữu không quá 49% vốn điều lệ.

Trong khi hai bên đang khó khăn về đàm phán thoái vốn, cam kết kinh doanh chưa hiệu quả, thì lộ trình thoái vốn nhà nước có thay đổi, Chính phủ muốn thoái toàn bộ gần 82% vốn nhà nước tại Habeco. Lúc này, Carlsberg lại muốn được mua số cổ phần để có thể nắm tối thiểu 51% vốn tại Habeco.

Đối với Carlsberg, sở hữu không dưới 51% vốn tại Habeco sẽ giúp hãng bia này nhanh chóng nâng thị phần bia tại Việt Nam lên mức 30%, trở thành đối trọng với Bia Sài Gòn (Sabeco) đang nắm 40% thị phần. Hãng đã thực thi kế hoạch này trong gần một thập kỷ, sau khi đặt chân vào Habeco từ năm 2008. 

Vướng vấn đề giá

Theo tiết lộ của một lãnh đạo Bộ Công Thương, vướng mắc lớn nhất trong đàm phán bán cổ phần giữa Habeco và Carlsberg là ở vấn đề giá.

Sau khi được niêm yết trên thị trường chứng khoán cuối năm 2016, cổ phiếu BHN của Habeco đã có thời điểm đắt giá nhất thị trường chứng khoán, khi giao dịch ở mức hơn 225.000 đồng/cp.

Theo nguyên tắc xác định giá cơ bản để bán vốn, tương tự như Sabeco, khi thoái vốn nhà nước ở Habeco được xác định căn cứ theo giá thị trường, không bán dưới thị giá giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Habeco lên kế hoạch bán cổ phần nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ với giá bán đề xuất là 50.015 đồng/cp (giá bán khi IPO). Tuy nhiên hiện nay, thị giá cổ phiếu BHN đã tăng rất mạnh sau khi lên sàn, và hiện đang giao dịch tại mức giá khoảng 130.000 đồng/cp, gấp 2,5 lần mức giá mà Bộ Công Thương định chào bán, tương đương vốn hóa thị trường đạt 30.157 tỷ đồng.

Giả sử, nếu muốn nắm sở hữu chi phối từ 51% trở lên tại Habeco, Carlberg sẽ phải mua thêm 33,5% cổ phần. Với thị giá hiện tại, dự kiến Carlberg sẽ phải chi hơn 10.000 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần này – khá lớn so với mức giá trước khi doanh nghiệp này lên sàn.

Hiện không rõ Carlberg có sẵn lòng trả giá mua cổ phần Habeco bằng thị giá hay không, và số lượng cổ phần Carlsberg sẽ mua của Nhà nước là bao nhiêu. Nhưng gần đây, Carlsberg đã thể hiện cam kết lâu dài tại Việt Nam liên quan đến Habeco và thương hiệu bia lâu đời nhất tại Hà Nội.

Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết trong báo cáo phân tích thị trường bia, thị phần bia Việt hiện nằm trong tay hai ông lớn là Sabeco (40%) và Heineken (25%). Habeco ở vị trí thứ 3 với 18%. Riêng Carlsberg nắm giữ 10,8% thị phần. Ngoài ra, thị trường còn có sự góp mặt của các tên tuổi khác như Sapporo, AB InBev, Masan… 

VCSC nhận định, nâng sở hữu tại Habeco là cách để Carlsberg thâm nhập thị trường miền Bắc và giải quyết bài toán thị phần tại Việt Nam, trong bối cảnh không chỉ có Heineken và Sabeco mà nhiều đối thủ ngoại đang tiến vào.

Sức ép thị trường bao giờ cũng có, nhưng đi kèm với đó là những lợi ích cũng rất rõ ràng. Với Carlsberg, đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để bỏ qua vị trí thứ 3, nắm giữ vị trí thứ 2 với 30% thị trường bia Việt Nam có thể là giá rẻ, thậm chí là rất rẻ.

Nên nhớ, để thôn tính Sabeco và qua đó nắm 40% thị trường bia Việt, nhà đầu tư Thái Lan đã chi hơn 110.000 tỷ đồng. Trong khi với 30% thị trường bia, Carlsberg chỉ đầu tư thêm có 10.000 tỷ đồng. Đó rõ ràng là giá quá rẻ. Habeco có thể “lấy chồng ngoại”, sau màn tăng giá vũ bão nữa theo cách đó, điều này là đã… nhìn thấy.