Sẽ có Italexit hay EU rạn nứt?
Trong bối cảnh viện trợ kinh tế từ Brussels còn đang tranh cãi và bị trì hoãn, hàng triệu người dân châu Âu sống dọc Địa Trung Hải, trong đó có Italy, bắt đầu đặt câu hỏi về dự án của ngôi nhà chung.
Tranh cãi về giải pháp
Theo The American Conservation, kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) ra đời, người ta đã tranh luận gay gắt về khả năng tạo ra một châu Âu với đường phân chia hai nửa gồm các quốc gia thuộc Địa Trung Hải và các nước Bắc Âu. Những người ủng hộ giải pháp này lập luận rằng, sự khác biệt giữa hai khu vực trên là không thể hòa giải, cả về lối sống, nhận thức xã hội lẫn tâm lý người dân. Khả năng chia rẽ đã xuất hiện lần đầu tiên ở Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng nợ năm 2008, và giờ đây nó càng trở nên căng thẳng với sự bùng phát của virus Corona chủng mới.
Ngày nay, ranh giới giữa Bắc và Nam tại châu Âu đã rắn lại, và được xác định bởi các quan điểm trái ngược nhau về cách khắc phục sự lây lan của virus. Một mặt, các quốc gia Nam Âu yêu cầu sử dụng cái gọi là Eurobonds (trái phiếu châu Âu) hay còn gọi là Coronabonds (trái phiếu Corona), công cụ tài chính gắn với khoản nợ chung của châu Âu liên quan đến các nguồn lực cần thiết nhằm đối phó với tình trạng khẩn cấp về y tế như dịch Covid-19. Italy và Tây Ban Nha không yêu cầu chia sẻ nợ công thông thường của mình với Đức và các quốc gia Bắc Âu khác. Họ chỉ tìm cách chia sẻ các tài nguyên cần thiết để có chi phí chống lại virus Corona. Mặt khác, các chính trị gia Đức và giới truyền thông lại cáo buộc Nam Âu tìm tài trợ đối phó với khủng hoảng bằng tiền của Đức.
Giải pháp được Thủ tướng Đức Angela Merkel và các chính phủ Bắc Âu đề xuất là sử dụng các nguồn lực của Cơ chế ổn định châu Âu (ESM), quỹ được thành lập để cho các quốc gia thành viên gặp khó khăn về tài chính trong giai đoạn bình thường vay tiền nhằm ngăn chặn các tình huống khủng hoảng như năm 2008. Các nguồn lực của cơ chế này sẽ được các quốc gia đơn lẻ sử dụng, do đó sẽ không tạo thành khoản nợ chung.
Tuy nhiên, quan điểm của Italy rất rõ ràng, dựa trên hai điểm chính: Thứ nhất, vì châu Âu không phải đối mặt với tình huống thông thường, nên nước này cần những phương tiện đặc biệt mà không thể đến từ việc sử dụng quỹ ESM. Thứ hai, trường hợp khẩn cấp Covid-19 không liên quan đến một quốc gia nào mà cả châu Âu, vì vậy chi phí đối phó và tái thiết nên do tất cả các quốc gia cùng chia sẻ.
Người ta cũng nhìn thấy những cân nhắc khác trong quan điểm của Italy. Thực tế, đất nước hình chiếc ủng đóng góp nhiều hơn nhận được cho EU. Khoản đóng góp ròng hàng năm của họ lên tới 20 tỷ EUR, mức lớn thứ 3 chỉ sau Đức và Pháp. Điều này có nghĩa là các nguồn lực được EU cấp dưới dạng viện trợ cũng là một phần tiền của Italy. Điều tương tự cũng áp dụng cho các tài nguyên của ESM. Italy đóng góp 17,80% tài nguyên của mình và Tây Ban Nha góp khoảng 11,83%. Trong số các quốc gia khác phản đối việc sử dụng Eurobonds, Hà Lan chỉ đóng góp 5,68%, Áo với 2,77% và Phần Lan là 1,79%.
Vậy tại sao, các nước Nam Âu lại không chấp nhận sử dụng quỹ ESM?
Theo nhà báo Nicola Porro, cây bút nổi tiếng thuộc cánh hữu ở Italy, việc chấp nhận các khoản vay từ quỹ EMS có thể sẽ mạo hiểm đưa Italy vào sự kiềm chế của bộ tam gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giống như những gì đã xảy ra với Hy Lạp năm 2008. Nguy cơ của việc chấp nhận các khoản tiền từ ESM hiện nay có thể dẫn đến những hậu quả không tốt do các điều kiện vay có thể thay đổi sau khi tình trạng khẩn cấp kết thúc. Các đảng trung hữu đang lo ngại, Chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte cuối cùng sẽ chấp nhận ESM, cho dù cách tiếp cận và trình bày khác nhau nhưng thực chất nó vẫn như cũ.
Cuộc khủng hoảng hiện nay không thể so sánh với năm 2008. Lúc đó, châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính với những hậu quả nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn xã hội. Ngày nay, thế giới đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, đồng nghĩa với việc, cảm xúc cũng đóng vai trò quan trọng. Làm thế nào để người ta có thể nói với một doanh nhân hay một thường dân từ Lombardy, một trong những khu vực giàu có nhất ở châu Âu với GDP cao hơn nhiều khu vực của Đức, rằng EU cần những 10 ngày để thảo luận và tìm giải pháp giữa đại dịch khi cuộc sống đang bị đe dọa?
Không còn đồng cảm
Dường như, đối với phần lớn công dân các nước châu Âu dọc theo bờ Địa Trung Hải, EU không còn thực sự có ý nghĩa. Thậm chí, nhiều nhà bình luận nhận định, nếu mai đây, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trực tuyến tại Italy, 80% người tham gia có thể sẽ bỏ phiếu chọn cách ra đi giống nước Anh. Không chỉ các đảng bảo thủ và trung tâm đã phản đối liên minh lá cờ xanh hiện tại, nhiều cử tri tự do và cánh tả cũng không đứng về phía EU khi họ quan sát phản ứng của khối trước đại dịch và sự thờ ơ đối với số phận của Italy. Hiện nước này phải chứng kết hàng trăm ca dương tính với SARS-Cov-2 tử vong mỗi ngày, trong khi đội ngũ bác sĩ mệt mỏi vì quá tải.
Thực sự Covid-19 đang làm nổi lên sự thất bại của hệ tư tưởng toàn cầu hóa. Trong khi đó, một trong những trụ cột chính của hệ tư tưởng này chính là chủ nghĩa châu Âu, nơi khuyến khích tự do trao đổi thương mại, đi lại và vẫn đang trong quá trình mở rộng “biên giới ngoài”.
Ở Italy, ngay cả khi hạn chế đề cập trực tiếp đến Italexit, lần đầu tiên trong các cuộc tranh luận chính trị và truyền thông, dường như đang có cuộc nói chuyện nhất quán về kế hoạch B, một giải pháp thay thế cho châu Âu. Tuy nhiên, xét trên thực tế, việc rời khỏi EU đưa ra hai vấn đề nan giải, đó là tiền tệ của Italy là đồng euro và những khó khăn trong việc tổ chức trưng cầu dân ý. Không giống như Vương quốc Anh, nơi vẫn giữ đồng bảng Anh sau khi gia nhập EU, Italy đã từ bỏ đồng lira. Nước này đã chấp nhận đồng euro trong điều kiện bất lợi cho nền kinh tế của mình, nhưng từ bỏ đồng euro bây giờ sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Bên cạnh đó, luật pháp của Italy không quy định khả năng tổ chức trưng cầu dân ý như ở Anh để quyết định Brexit, và việc diễn ra một sự kiện như vậy sẽ yêu cầu phải sửa đổi Hiến pháp. Trong trường hợp không có sửa đổi, nếu đa số người Italy bỏ phiếu cho Italexit, Quốc hội sẽ phải thông qua một đạo luật thông thường, giống như trường hợp phê chuẩn Hiệp ước Lisbon. Song tại điểm này, lại có nguy cơ xảy ra sự không tương thích với Điều 117, Hiến pháp Italy, quy định về năng lực lập pháp giữa chính phủ quốc gia, các vùng địa phương và EU với tư cách là chủ thể thứ ba. Do đó, vẫn phải thay đổi Hiến pháp.
Con đường phức tạp trên thực sự khó xảy ra, ít nhất trong một tình huống thông thường. Tuy nhiên, thế giới hiện không ở tình huống bình thường mà là một tình huống khác thường, khi đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng mạnh đến tâm tư của người Italy. Trong thực tế, một khả năng khác có thể thành hiện thực dù cũng rất khó: Sự sụp đổ của EU. Nếu toàn bộ “giàn giáo” châu Âu sụp đổ, sẽ không còn cần đến Italexit nữa. Trên khắp Nam Âu, nhiều công dân đang tự hỏi, quan điểm của một thực thể siêu quốc gia đắt đỏ và cồng kềnh về mặt pháp lý là gì, mà không thể cung cấp các giải pháp thích hợp cho hơn 120 triệu công dân Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong thời điểm kịch tính hiện tại?