Sẽ cổ phần hóa 500 doanh nghiệp nhà nước trong 2 năm
(Tài chính) Làm việc với nhóm chuyên gia tư vấn chiều 22/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay trong năm nay và 2015, phải cổ phần hóa 500 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Đẩy mạnh cổ phần hóa để tái cơ cấu các tổng công ty, DNNN là một trong những nội dung mà nhóm chuyên gia tư vấn nêu tại buổi làm việc. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, cần niêm yết công khai trên phương tiện truyền thông danh sách các tổng công ty, DNNN phải cổ phần trong 2 năm tới.
Để hỗ trợ cổ phần hóa, các bộ chủ quản, Chính phủ cần có phản ứng nhanh, xử lý nhanh cả về pháp lý và kỹ thuật về cổ phần hóa. Theo ông, đây là hai điều kiện cần để vừa tạo áp lực hành chính, vừa tạo áp lực giám sát từ xã hội với tiến trình cổ phần hóa, tạo tín hiệu triển khai thực sự quyết liệt đối với tái cơ cấu DNNN.
Trao đổi với các chuyên gia tư vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay tái cơ cấu DNNN với giải pháp cổ phần hóa sẽ là trọng tâm, được làm căn cơ. Việc tái cơ cấu DNNN là chủ trương của Đảng, nhằm đảm bảo tài sản công, vốn liếng được chi đầu tư hiệu quả, đồng thời DN phải hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường.
Thủ tướng cho biết trong năm nay và năm 2015 tới sẽ cố gắng cổ phần hóa 500 các tập đoàn, tổng công ty, DNNN. Thủ tướng đồng tình ý kiến niêm yết công khai danh sách các công ty phải cổ phần hóa.
Một nội dung cũng được đề cập là giá. Ngoài giá xăng đã theo cơ chế thị trường không còn bù lỗ, than theo giá xuất khẩu thì quan tâm lớn hiện nay là giá điện. TS. Trần Du Lịch kiến nghị trong năm nay EVN dứt khoát phải thực hiện minh bạch hóa giá điện "để lấy niềm tin". Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, người dân có thể chưa kêu việc tăng giá điện bao nhiêu trước mà quan trọng là muốn minh bạch.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định năm 2014 dứt khoát phải có bước tiến về giá điện. Cụ thể, giá điện phải tiến tới không còn giá bán dưới giá thành, bù lỗ. Riêng phần hỗ trợ giá cho hộ nghèo, chính sách, các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc vẫn duy trì trực tiếp. Thêm vào đó, phải minh bạch hóa giá điện để xem các yếu tố hình thành giá, chi phí khấu hao đã đúng chưa, công khai rõ để xã hội kiểm soát.
Cải cách đón thời cơ từ hiệp định thương mại đa phương
Thủ tướng và các chuyên gia tư vấn cũng trao đổi về tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại đa phương quan trọng như FTA với EU, hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Để chuẩn bị đón thời cơ từ các hiệp định này, Việt Nam cần chuẩn bị thông qua những cải cách thể chế kinh tế, tái cơ cấu DN, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, việc đàm phán thành công các hiệp định giúp Việt Nam mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư, tạo việc và quan trọng hơn là cơ hội để đẩy mạnh những cải cách từ bên trong. Ông nhấn mạnh những nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, hoàn thiện hạ tầng...
Thông báo tiến trình đàm phán TPP, FTA, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đề cập nỗ lực cải cách thể chế, đổi mới để đón gió cơ hội, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Các chuyên gia cũng trao đổi các vấn đề xung quanh tái cơ cấu ngân hàng với nội dung quan trọng nhất là tập trung xử lý nợ xấu và tình trạng sở hữu chéo. TS. Lê Xuân Nghĩa dẫn những khuyến cáo từ các báo cáo quốc tế cho rằng Việt Nam cần lưu ý tập trung xử lý nợ xấu không chỉ của một số tập đoàn lớn mà cả nợ xấu ở trong bất động sản. Nếu kinh tế phục hồi chậm, xử lý không khéo sẽ khiến hệ thống ngân hàng rơi vào khó khăn, cản trở cải cách.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, các chính sách, chỉ đạo vừa qua đã làm cho hệ thống ngân hàng hoạt động trở lại cơ bản bình thường như xử lý nợ xấu nhưng giờ phải đi vào giám sát, lành mạnh hóa tài chính căn cơ hơn. Bên cạnh đó, chính sách ứng phó nợ công phải bài bản, khéo léo trong điều chỉnh tỉ giá, phải nghĩ dài hơn cho thị trường hoạt động theo đúng thị trường, lãi suất phải rút hẳn khỏi các biện pháp hành chính để có cơ chế tỉ giá linh hoạt hơn...