Sẽ không cấp bảo lãnh Chính phủ đối với các tổ chức tài chính
(Tài chính) Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi các nghị định về quản lý nợ công, cấp bảo lãnh Chính phủ; dự kiến sẽ loại bỏ chinh sách bảo lãnh Chính phủ đối với các tổ chức tài chính tín dụng để tập trung vào các dự án trọng điểm.
Theo quy định hiện hành thì có ba đối tượng được Chính phủ cấp bảo lãnh là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (nhưng hầu hết chỉ có DNNN được cấp bảo lãnh), các tổ chức tài chính, tín dụng và các ngân hàng chính sách (Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng phát triển Việt Nam).
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, để chuẩn bị cho việc tổng kết, đánh giá thực hiện Luật quản lý nợ công, báo cáo Thủ tướng vào quí 3 năm nay, Bộ Tài chính sẽ đề xuất một số thay đổi, trong đó có việc sẽ loại bớt đối tượng được cấp bão lãnh là các tổ chức tài chính tín dụng.
Đề xuất của Bộ Tài chính không đề cập đến việc dừng cấp bảo lãnh cho các ngân hàng chính sách.
Trao đổi với báo giới mới đây, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết dự kiến đến năm 2015 nợ công sẽ tiến sát giới hạn được Quốc hội phê duyệt nên việc rà soát các khoản nợ, đối tượng vay nợ là rất cần thiết.
Theo báo cáo của Chính phủ gởi tới Quốc hội hồi tháng 10/2014 thì nợ công có xu hướng tăng nhanh cả về quy mô lẫn tốc độ, tiệm cận sát ngưỡng an toàn nợ công là 65% GDP mà Quốc hội cho phép.
Dự tính đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3% GDP và đến 31/12/2015 bằng khoảng 64% GDP. Trong số này nguồn vốn vay được Chính phủ bảo lãnh tăng nhanh, đạt mức tăng bình quân 50%/năm, phạm vi ngày càng mở rộng.
Trong tổng số nợ được Chính phủ bảo lãnh năm 2014, ước tính xấp xỉ 500.000 tỉ đồng, và dự báo gần mức 642.000 tỉ đồng năm 2015, Bộ Tài chính không tách bạch cụ thể các nguồn bảo lãnh doanh nghiệp vay, nguồn bảo lãnh các ngân hàng, tổ chức tín dụng vay và nguồn cho các ngân hàng chính sách vay.
Song việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho các ngân hàng hiện nay chủ yếu qua hình thức bảo lãnh các khoản tín dụng của một số ngân hàng cho doanh nghiệp vay đầu tư các dự án lớn, nhiều nhất là dự án đầu tư các nhà máy điện.
Ví dụ, tháng 8/2014, Chính phủ đã bảo lãnh cho khoản tín dụng 157 triệu đô la (gốc và lãi) trong thời gian 24 tháng của Ngân hàng LienVietPost Bank khi ngân hàng này cho Công ty cổ phần điện Việt-Lào vay thực hiện dự án Xekaman1. Nếu Công ty cổ phần điện Việt-Lào không trả được nợ thì Bộ Tài chính sẽ thanh toán khoản vay này cho LienVietPost Bank.
Mục đích của việc loại bỏ chính sách bảo lãnh Chính phủ đối với các tổ chức tài chính là để tập trung vào các dự án trọng điểm được Quốc hội hoặc Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, giảm quy mô và tốc độ phát triển nợ công.
Thực tế hiện nay, Bộ Tài chính đang phải xây dựng Đề án chương trình trung hạn về trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để tăng cường huy động các nguồn vay dài hạn, tái cơ cấu các khoản ngắn hạn, giảm chi phí và đa dạng hóa hình thức vay cho đầu tư phát triển. Mục đích cuối cùng là không quá phụ thuộc vào việc Chính phủ vay về cho vay lại hoặc chờ cấp bảo lãnh.