Sẽ phải 'soi' kỹ các khoản vay của chính quyền địa phương
“Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay, giảm dần vay bảo lãnh Chính phủ, vay để cho vay lại; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách”, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT- XH 5 năm 2016-2020 của Quốc hội nêu rõ.
Thúc đẩy vốn đầu tư ngoài nhà nước
Theo Nghị quyết, trong 5 năm 2016-2020, cả nước sẽ tiếp tục cụ thể hóa và triển khai Hiến pháp 2013, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại, hội nhập quốc tế. Đánh giá và xây dựng lộ trình tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch trong từng lĩnh vực, từng ngành nghề.
Đồng thời, phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cụ thể, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020, điều hành lãi suất linh hoạt theo diễn biến lạm phát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh, thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí và các luật thuế. Quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế. Cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu lại, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm các giới hạn nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, giảm dần vay bảo lãnh Chính phủ, vay để cho vay lại; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách.
Cùng với đó, chuyển phương thức quản lý đầu tư công theo kế hoạch hằng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, nâng cao hiệu quả đầu tư. Bố trí nguồn lực tài chính nhà nước phù hợp để tham gia và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước. Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia. Điều chỉnh phân bổ vốn đầu tư nhà nước gắn với phân cấp phù hợp giữa Trung ương và địa phương, đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản vốn ứng trước.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả, thực chất
Nghị quyết nêu rõ, trong 5 năm tới, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư đạt chỉ số nhóm 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả, thực chất, đúng mục tiêu, có thời hạn cụ thể hoàn thành và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Nghiên cứu, hình thành cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp tình hình mới.
Mặt khác, tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân; hoàn thiện pháp luật, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên.
Song song với đó, đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp gắn với chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thúc đẩy xã hội hoá sở hữu và sản xuất kinh doanh, khuyến khích phát triển các hình thức doanh nghiệp cổ phần. Trợ giúp để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác./.
Tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm. Quan tâm phát triển nhanh thị trường vốn và thị trường bảo hiểm, phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh gắn với cơ cấu lại hoạt động thị trường tiền tệ phù hợp giai đoạn phát triển mới. Tăng hiệu quả hoạt động các loại hình bảo hiểm, triển khai rộng rãi bảo hiểm sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý giảm nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống và áp dụng quản trị ngân hàng theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế.