Sẽ rà soát tài khoản ngân hàng huy động từ thiện của các nghệ sỹ
Bộ Công an đã chính thức vào cuộc yêu cầu các bên liên quan phối hợp rà soát tài khoản của các nghệ sĩ đã sử dụng để huy động tiền từ thiện trong thời gian vừa qua.
Bộ Công an vào cuộc
Căn cứ điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự, ngày 13/10, Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an đã cùng Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp rà soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tài khoản của các nghệ sĩ liên quan đến vấn đề kêu gọi từ thiện, bao gồm: Bà Trần Thị Thủy Tiên (tức ca sĩ Thủy Tiên, sinh năm 1985, ngụ tỉnh Kiên Giang, trú quận 7, TP. Hồ Chí Minh), ông Huỳnh Minh Hưng (tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, sinh năm 1971, ngụ quận 10), ông Huỳnh Trấn Thành (danh hài Trấn Thành, sinh năm 1987, ngụ TP. Hồ Chí Minh).
Trong đó, Cục C02, Bộ Công an yêu cầu các đơn vị cung cấp bản sao hồ sơ mở tài khoản và toàn bộ thông tin cá nhân liên quan đến chủ tài khoản của các tài khoản đã rà soát, xác định (nếu có); thống kê tổng số tiền giao dịch, số dư hiện có trong tài khoản, sao kê chi tiết tất cả những giao dịch của tài khoản từ thời điểm mở tài khoản đến nay; thông tin họ tên, địa chỉ của số tài khoản đối ứng, người nộp tiền vào và người nhận tiền từ các tài khoản nói trên.
Vào hồi đầu tháng 9, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hồ Chí Minh đã nhận được đơn tố cáo Trần Thị Thủy Tiên (tức ca sĩ Thủy Tiên, ngụ quận 7) có hành vi vi phạm pháp luật, khuất tất trong việc giải ngân số tiền kêu gọi quyên góp cứu trợ đồng bào bão lụt miền Trung vào thượng tuần tháng 10/2020.
Đồng thời, Bộ Công an cũng nhận được tin báo của bà Nguyễn Phương Hằng, là Tổng Giám đốc Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), cung cấp thông tin việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có dấu hiệu chiếm dụng tiền từ thiện trái phép thông qua việc dùng tài khoản cá nhân của mình để nhận tiền từ thiện của mạnh thường quân. Thế nhưng, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không tự minh bạch, không công khai, không công bố kịp thời rõ ràng chứng từ việc sử dụng nguồn tiền từ thiện để các mạnh thường quân được biết.
Sau khi xem xét nội dung đơn, Phòng PC02, Công an TP. Hồ Chí Minh đã chuyển đơn này đến Phòng PC01, Công an TP. Hồ Chí Minh để xem xét và giải quyết theo quy định.
Trước luồng dư luận trái chiều liên quan đến các hoạt động hỗ trợ từ thiện như đã nêu, Cục C02 cũng đồng thời phối hợp với UBND và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở 7 tỉnh miền Trung gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi để xác minh làm rõ số tiền cứu trợ tại các địa phương này.
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, Chính quyền một số tỉnh, thành ở miền Trung cũng đã nhận được công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên trên địa bàn huyện năm 2020.
Cần sớm làm rõ vấn đề
Đặc biệt, tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, ông Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an đã nhấn mạnh: “Nếu ai có chứng cứ, tài liệu về việc lừa đảo từ thiện thì hãy tố giác, gửi cho cơ quan công an, các cục nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ vào cuộc, đảm bảo đúng quy định. Khi có dấu hiệu về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ, thì cơ quan chức năng xem xét xử lý với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”
Song công an các cấp vẫn cần chủ động nắm bắt dư luận về những sự việc, hiện tượng này và nếu xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây bất ổn xã hội, lực lượng chức năng sẽ vào cuộc điều tra, làm rõ. Về nguyên tắc, thông tin dư luận cũng là một nguồn tin tố giác tội phạm”.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, những nghi ngờ đồn đoán trên mạng xã hội chỉ là những thông tin dư luận, chưa được xác thực, chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Nếu để vụ việc kéo dài thì những vấn đề này sẽ ảnh hưởng lớn đến đạo đức xã hội, có nguy cơ gây ra mất đoàn kết, xung đột giữa các hội nhóm và làm giảm lòng tin của người dân đối với lòng tốt và sự tử tế. Để kết luận đúng hay sai, cơ quan chức năng cần rốt ráo vào cuộc xác minh, để có kết luận đúng đắn, chính xác và có căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
“Đối với hoạt động từ thiện có gian lận hay không, có chiếm đoạt tài sản hay không thì cần phải làm rõ nội dung kêu gọi quyên góp ủng hộ; Thời hạn quyên góp ủng hộ; Tài khoản sử dụng để tiếp nhận tiền ủng hộ; Thời điểm mở tài khoản và thời điểm đóng tài khoản; Tổng số tiền nhận được và số tiền đã chuyển khoản hoặc rút ra. Với sao kê ngân hàng thì sẽ cung cấp được thông tin số tiền chuyển vào là bao nhiêu; Thời gian nào và cụ thể từng lần chuyển khoản, qua đó sẽ biết được tổng số tiền thu về; Sao kê ngân hàng cũng sẽ xác định được tổng số tiền rút ra hoặc chuyển đi từ tài khoản đó là bao nhiêu tiền”, Luật sư Cường phân tích.
Từ sự việc bóc phốt, tố cáo các nghệ sĩ trong đó có ca sĩ Thủy Tiên thì số lượng antifan, các phe nhóm mọc lên rất nhiều trên mạng xã hội để tẩy chay một số nghệ sĩ. Dư luận xã hội cũng chia thành những bè phái công kích, chửi bới, xúc phạm lẫn nhau.
Mạng xã hội trở nên hỗn loạn với những hoạt động mắng chửi, bới móc, tìm kiếm thông tin cá nhân, xúc phạm lẫn nhau một cách vô tội vạ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm suy giảm niềm tin và đạo đức của con người, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội và có thể làm suy giảm hiệu quả của hoạt động từ thiện trong thời gian tới đây.
Bởi vậy đã đến lúc cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác quản lý trên không gian mạng, đồng thời xác minh làm rõ sự việc để xử lý những sai phạm theo quy định pháp luật.