Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu:
Xử lý hiệu quả tin báo qua đường dây nóng
Từ khi đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu được công bố, đến nay đã tiếp nhận và xử lý nhiều tin báo giá trị. Qua đó, góp phần quan trọng trong hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo dựng lòng tin của người dân vào công tác quản lý thị trường.
Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu, tại một số địa điểm trung tâm TP. Cà Mau và các huyện, chợ đầu mối, các hệ thống chuỗi bán hàng như Co.opmart, VinMart, chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh, Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau... sức mua bán bình thường, không có hiện tượng tập trung đông người, thu mua tích trữ hàng hoá, do người dân đã có sự chuẩn bị từ trước.
Các cơ sở đảm bảo cung ứng hàng hoá, thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thịt, cá, các loại thực phẩm thiết yếu khác, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân; thực hiện niêm yết giá đầy đủ, đúng quy định.
Các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường. Hiện nay, sức mua tại các chợ đã giảm, các hộ dân chỉ được đi chợ với tần suất 2 ngày/lần. Giá cả các mặt hàng tại các chợ TP. Cà Mau, chợ truyền thống tại các huyện có dao động nhẹ, nhưng không đáng kể. Các loại vật tư, trang thiết bị y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, phục vụ nhu cầu của Nhân dân trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Ông Huỳnh Vũ Phong - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu, cho biết, từ đầu đợt dịch đến nay, các đội quản lý thị trường trực thuộc đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm chặt địa bàn, kiểm soát tình hình kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng.
Qua công tác giám sát, kiểm soát tình hình diễn biến thị trường, đến nay các đội quản lý thị trường trực thuộc đã thực hiện tuyên truyền cho 238 cơ sở kinh doanh hàng hoá thiết yếu ký cam kết không lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán hàng hoá bất hợp lý; không buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hầu hết các cơ sở kinh doanh đều thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện tốt thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cùng với đó, sau khi đường dây nóng được công bố, đến thời điểm này, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu đã tiếp nhận khoảng 30 tin báo phản ánh, kiến nghị của người dân về giá cả các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, trứng, thịt... tại các chợ địa bàn các huyện và TP. Cà Mau, chủ yếu là thông tin phản ánh về hành vi không chấp hành niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Ðơn cử, vào ngày 26/8 vừa qua, thông qua đường dây nóng, Ðội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Tổ kiểm tra liên ngành TP. Cà Mau và UBND Phường 5 kiểm tra thớt thịt heo Ðăng Khôi, địa chỉ đường Hùng Vương, Phường 5, TP. Cà Mau. Qua kiểm tra, điểm kinh doanh này đã có hành vi không thực hiện niêm yết giá và tăng giá bán. Tổ kiểm tra đình chỉ hoạt động và buộc đóng cửa đối với thớt thịt heo Ðăng Khôi.
Trước đó, ngày 5/8, nhận được tin báo qua đường dây nóng, Ðội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh tạp hoá Ái Vy, địa chỉ Khóm 5, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi. Qua kiểm tra cho thấy hộ kinh doanh này đã có hành vi vi phạm hành chính: kinh doanh không thực hiện việc niêm yết giá bán và bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu. Ðội ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 4.750.000 đồng.
“Bất kỳ cuộc gọi nào của người dân cũng được bộ phận chuyên môn ghi nhận, báo cáo và được chỉ đạo xử lý. Thông tin từ người dân là nguồn tin khá quan trọng và tích cực trong công tác quản lý thị trường, giúp cơ quan chức năng phát hiện nhiều hành vi vi phạm để kịp thời xử lý”, ông Huỳnh Vũ Phong khẳng định.
Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục củng cố và phát huy hiệu quả xử lý thông tin qua đường dây nóng, góp phần tạo dựng lòng tin của người dân trên địa bàn, ổn định tâm lý, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch tại địa phương.
Cùng với đó, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra tại địa phương.
Ðặc biệt, chú trọng phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hoá do dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, định giá bán hàng hoá bất hợp lý; sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ dùng để phòng, chống dịch…