Sẽ siết chặt và áp trần lãi suất các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp?

Theo Trần Thúy/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Việt Nam có thể áp dụng trần “chi phí toàn bộ” cho nợ nước ngoài tự trả nhằm giới hạn chỉ những người vay có uy tín tín dụng và có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý mới được vay nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 12/2014/TT-NHNN năm 2014 quy định điều kiện vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Tại dự thảo, NHNN cho biết, trong Thông tư 12/2014/TT-NHNN ban hành tháng 3/2014 có quy định, khi cần thiết, NHNN quyết định việc áp dụng điều kiện về chi phí vay nước ngoài, quyết định và công bố mức trần chi phí vay nước ngoài trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, thực tế, thời gian qua, NHNN chưa sử dụng biện pháp quy định trần chi phí đi vay.

Nhà điều hành cho biết, quy định trần chi phí đi vay nước ngoài được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị áp dụng trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ kỹ thuật về quản lý vay trả nợ nước ngoài cho Việt Nam, theo đó, Việt Nam có thể áp dụng trần “chi phí toàn bộ” cho nợ nước ngoài tự trả nhằm giới hạn chỉ những người vay có uy tín tín dụng và có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý mới được vay nước ngoài.

Theo đó, NHNN đề xuất các mức trần chi phí vay trên cơ sở xem xét chi phí vay trung bình của các khoản vay nước ngoài được NHNN xác nhận đăng ký và tham khảo mặt bằng lãi suất bình quân cho vay bằng USD và VND trong nước, đồng thời, có dự phòng cho xu hướng tăng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới trong bối cảnh lạm phát tại các quốc gia lớn trên thế giới có xu hướng tăng.

NHNN cho biết, vay nước ngoài chủ yếu là các khoản vay bằng ngoại tệ, một số ít trường hợp đặc thù được thay bằng VND. Do đó, NHNN quy định mức trần chi phí vay chia theo đồng tiền vay là đồng Việt Nam và ngoại tệ để đảm bảo phản ánh sát hơn mặt bằng chi phí vay của từng đồng tiền vay.

Đối với chi phí vay bằng ngoại tệ, thực tế cách tính lãi suất vay rất đa dạng, do đó, NHNN đặt ra trần chi phí phân theo chi phí khoản vay có sử dụng lãi suất tham chiếu hoặc không sử dụng lãi suất tham chiếu để bao quát cơ bản các cách thức tính lãi suất hiện nay.

Đối với các khoản vay sử dụng lãi suất tham chiếu, xu hướng tăng lãi suất sẽ phản ánh tại biến động của lãi suất tham chiếu. Dự thảo Thông tư đề xuất trần chi phí vay đối với khoản vay bằng ngoại tệ sử dụng lãi suất tham chiếu ở các mức cao so với số liệu thống kê lịch sử, ở mức lãi suất tham chiếu + 8%/năm.

Đối với các khoản vay không sử dụng lãi suất tham chiếu, nhà điều hành cho rằng, việc chọn lãi suất “SOFR Term kỳ hạn 6 tháng do tổ chức CME công bố” để tính toán mức trần chi phí cho các khoản vay không sử dụng lãi suất tham chiếu công bố rộng rãi là phù hợp do lãi suất SOFR Term do tổ chức CME công bố là các mức lãi suất có kỳ hạn được tính toán dựa trên lãi suất SOFR do Fed New York công bố và được chính Ủy ban thay thế lãi suất tham chiếu (ACCR) thuộc Fed New York khuyến nghị sử dụng, do đó, sử dụng mức này đảm bảo chi phí đó bám sát biến động lãi suất trên thị trường quốc tế.

Đồng thời, lãi suất này giúp tránh việc đặt ra mức cố định mang tính chất áp đặt về chi phí mà không có tính thị trường, hạn chế việc phải sửa đổi Thông tư khi có biến động lãi suất lớn trên thị trường.

Đối với chi phí vay bằng đồng Việt Nam, dự thảo Thông tư đặt mức trần trên cơ sở tham chiếu lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam cộng với biên độ 8%/năm.

Theo lý giải của NHNN, trái phiếu chính phủ là công cụ nợ có rủi ro thấp, tính ổn định cao, lãi suất TPCP phản ánh chi phí vay của Chính phủ (đối tượng gần như không có rủi ro tín dụng), do đó, có thể sử dụng như lãi suất tham chiếu để tính mức trần chi phí.

Dự thảo Thông tư lựa chọn tham chiếu đến lãi suất TPCP trúng thầu là lãi suất phản ánh sát hơn mức giá trái phiếu mà bên mua sẵn sàng mua, và mức tham chiếu tại kỳ hạn 10 năm là loại TPCP được giao dịch thường xuyên với khối lượng giao dịch chiếm tỷ trọng lớn có tính đại diện cho lãi suất TPCP nói chung và thuận tiện cho việc tra cứu.

Để đảm bảo rõ ràng, dự thảo Thông tư quy định rõ nguyên tắc tính chi phí vay và trách nhiệm của bên đi vay trong việc tính toán chi phí vay nước ngoài, qua đó đảm bảo khả thi và hạn chế khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình theo dõi việc tuân thủ điều kiện về chi phí vay nước ngoài của bên đi vay.

Ngoài ra, như thông tin vừa đề cập, tại dự thảo này, NHNN cũng định hướng sẽ siết chặt hoạt động vay ngắn hạn nước ngoài của các doanh nghiệp có mục đích, phương án sử dụng vốn liên quan đến đầu tư chứng khoán và bất động sản, thanh toán mua cổ phần, mua phần vốn góp tại doanh nghiệp...