Siết chặt xác thực sinh trắc học, phòng ngừa lừa đảo tài chính

Hương Dịu

Trong bối cảnh các hành vi lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng với nhiều hình thức tinh vi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang triển khai hàng loạt biện pháp nhằm tăng cường an toàn và minh bạch trong quản lý tài khoản ngân hàng.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, NHNN nhận thức được tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng diễn tiến gia tăng với những hoạt động khó lường. Vì thế, NHNN luôn quán triệt nhiệm vụ phải làm sạch dữ liệu, xác minh, đối chiếu thông tin sinh trắc học của khách hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Từ ngày 1/1/2025, khách hàng phải được thu thập, đối chiếu, kiểm tra thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, khớp đúng thì mới được thực hiện giao dịch online. Với tài khoản tổ chức thì người đại diện hợp pháp của tổ chức cũng phải thực hiện đối chiếu thông tin sinh trắc học.

Ông Phạm Anh Tuấn thông tin thêm, NHNN dự kiến sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có sửa đổi Thông tư số 17/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Dự kiến, khách hàng thực hiện giao dịch tại quầy cũng sẽ phải kiểm tra, đối chiếu thông tin sinh trắc học khớp đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư hoặc cơ sở dữ liệu do ngân hàng đã thu thập, để đảm bảo người thực hiện giao dịch là chính chủ.

Đặc biệt, đối với các tài khoản tổ chức mới thành lập, có hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ như các hộ kinh doanh cá thể, NHNN cũng dự kiến quy định thực hiện đối chiếu sinh trắc học khi thực hiện giao dịch trực tuyến.

Dự thảo cũng sẽ tăng cường siết quy định giao dịch với các tài khoản tổ chức, với yêu cầu các doanh nghiệp phải trực tiếp tới ngân hàng để mở tài khoản, không chấp nhận bất kỳ hình thức nào mở tài khoản qua thư, ủy quyền cho người khác mang hồ sơ đến mở tài khoản. 

Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) chia sẻ, các dự thảo đang trong giai đoạn hoàn thiện, nên rất hy vọng nhận được thêm thông tin đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp để góp phần tăng cường các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo gian lận như hiện nay.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh các biện pháp tăng cường an toàn cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng, chẳng hạn như xây dựng kho dữ liệu về tài khoản nghi ngờ gian lận.

Các ngân hàng cũng đang phát triển kho dữ liệu về các tài khoản có dấu hiệu gian lận, kết hợp với các biện pháp kiểm tra, đối chiếu dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện cả nước có khoảng 200 triệu tài khoản ngân hàng, nhưng mới chỉ khoảng 113 triệu tài khoản có đủ thông tin xác thực. 

Một vấn đề đáng chú ý khác trong quản lý tài khoản ngân hàng là quy định cấm sử dụng tài khoản alias (tài khoản bí danh). Theo ông Tuấn, việc sử dụng tài khoản thay thế bằng biệt danh có thể gây nhầm lẫn hoặc bị lợi dụng để mạo danh các tổ chức lớn, tạo tâm lý tin tưởng giả tạo cho người chuyển tiền.

Do đó, NHNN đang xem xét yêu cầu làm rõ nội dung này khi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung ứng các ứng dụng. Dự thảo của NHNN sẽ yêu cầu tài khoản nhận tiền bắt buộc phải hiển thị bằng số tài khoản cụ thể, không được sử dụng bí danh.

NHNN đang nghiên cứu sửa đổi các quy định để yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hiển thị đầy đủ thông tin định danh của người nhận khi sử dụng biệt danh.

Song song với việc siết chặt quản lý tài khoản, NHNN cũng đẩy mạnh chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip để nâng cao an toàn giao dịch. Dù theo quy định, việc chuyển từ thẻ từ sang thẻ chip là định hướng từ rất lâu của NHNN, với thời hạn cuối vào cuối năm 2022. Nhưng hiện nhiều tổ chức tội phạm lợi dụng thẻ từ để thực hiện các hành vi ăn cắp thông tin.

Nên theo ông Phạm Anh Tuấn, từ ngày 1/7/2025, NHNN sẽ chính thức chấm dứt việc chấp nhận thẻ từ trong các giao dịch. “Với công nghệ thẻ chip, kẻ gian sẽ không thể lấy cắp thông tin của khách hàng qua các máy tự động hoặc thiết bị POS, góp phần tạo sự yên tâm và đảm bảo an ninh, an toàn cho khách hàng”, ông Tuấn khẳng định.

Bên cạnh đó, NHNN đang tích cực xây dựng hệ sinh thái số thông minh, thể hiện vai trò tiên phong của ngành Ngân hàng trong chuyển đổi số. Hệ sinh thái này tích hợp ngành Ngân hàng với doanh nghiệp và các lĩnh vực khác, cho phép người dân ở bất kỳ hệ sinh thái nào cũng có thể sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số như thanh toán, vay vốn, bảo hiểm…

Ông Phạm Anh Tuấn cho hay, người tiêu dùng không nhất thiết phải vào ứng dụng của ngân hàng để thực hiện giao dịch. Họ có thể thực hiện các giao dịch đó thông qua các ứng dụng của doanh nghiệp hoặc hệ sinh thái khác được tích hợp với hệ thống ngân hàng, mang lại sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian tối đa.