Siết chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Bệnh viện gặp khó

Theo Thành An/sggp.org.vn

Năm 2019 là năm đầu tiên các bệnh viện (BV) chính thức được giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho cả năm. Với phương thức này, các BV sẽ không bị động về quỹ BHYT do không còn áp dụng quỹ BHYT đa tuyến đi và đa tuyến đến.

Siết chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bệnh viện gặp khó...
Siết chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bệnh viện gặp khó...

Tuy nhiên, theo thông báo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hồ Chí Minh (TPHCM), đến nay, hầu hết các BV trên địa bàn thành phố đều đã chi vượt quá 50% dự toán cả năm, trong khi 6 tháng cuối năm thường có lượt khám chữa bệnh tăng cao hơn nhiều 6 tháng đầu năm. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS,.TS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, về vấn đề này.

PV: Thưa ông, những BV nào đã vượt chi quá nhiều và nguyên nhân của sự vượt chi này là gì?

PGS.,TS. Tăng Chí Thượng.
PGS.,TS. Tăng Chí Thượng.

PGS.,TS. Tăng Chí Thượng: Tính đến thời điểm này, ngoại trừ các phòng khám đa khoa tư nhân và BV tư, tất cả BV công lập thuộc thành phố đều đã sử dụng quá 50% dự toán chi khám chữa bệnh BHYT. Ở tuyến huyện, điển hình như BV Huyện Củ Chi (đã sử dụng 76%), BV Huyện Bình Chánh (64%), BV Quận 2 (61%), BV Quận 11 (60%), BV Quận Gò Vấp (59%)… Một số BV tuyến thành phố như BV Nhi đồng Thành phố đã sử dụng 68%, kế đến là Viện Tim (60%)… 

Nguyên nhân của sự vượt chi này, đầu tiên phải kể đến là dự toán chi của các BV và cơ sở y tế trên địa bàn thành phố được giao căn cứ trên tình hình khám chữa bệnh BHYT của năm trước liền kề (hay nói cách khác là căn cứ trên số thẻ BHYT phát hành trên địa bàn thành phố của năm 2018). Trong khi thực tế cho thấy, số lượt khám chữa bệnh trên địa bàn TPHCM năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, tương ứng với số thẻ phát hành năm 2019 là 7.401.840 thẻ, tăng 283.495 thẻ so với năm 2018 (tăng 3,22%).

Nguyên nhân thứ 2 là các chính sách mới có liên quan đến khám chữa bệnh BHYT như: tăng lương cơ sở tác động đến số người bệnh có chi phí dưới 15% lương cơ sở và người bệnh có chi phí vật tư y tế trên 45% lương cơ sở; tăng giá viện phí.

Nguyên nhân thứ 3 là do thực hiện Nghị định 146/NĐ-CP, giao tổng mức thanh toán cho cơ sở khám chữa bệnh không bao gồm đa tuyến đi, nên làm tăng số lượt BV đa tuyến ngoại tỉnh đến TPHCM (6 tháng đầu năm đã tăng 6,03%).

Khi các BV đã chi quá lố cho 6 tháng đầu năm thì có thể sẽ xảy ra nhiều vấn đề, như: chuyển bệnh nhân qua các BV khác, đẩy bệnh nhân BHYT qua làm dịch vụ, hoặc “cắt xén” bớt quyền lợi của bệnh nhân. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Việc đã sử dụng hơn 50% dự toán chi BHYT trong 6 tháng đầu năm thật sự làm các giám đốc BV rất lo lắng, vì 6 tháng cuối năm bao giờ cũng đông bệnh hơn.

Do đó, các giám đốc BV công lập cần tập trung rà soát và củng cố các hoạt động, không “cắt xén” quyền lợi của người bệnh mà là sử dụng nguồn lực hợp lý nhất, tránh lãng phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh như: kê đơn hợp lý và tuân thủ nguyên tắc kê đơn theo quy định; chỉ định nhập viện đúng theo phác đồ; thời gian nằm viện hợp lý, không trì hoãn xuất viện, tăng cường điều trị trong ngày thay vì nhập viện điều trị nội trú (đối với những bệnh lý có chỉ định điều trị trong ngày); chuyển người bệnh về tuyến trước điều trị tiếp (khi đã chẩn đoán và điều trị ổn định nhưng cần được chăm sóc và theo dõi thời gian dài); chỉ định thuốc và kỹ thuật chẩn đoán, kỹ thuật điều trị có chi phí lớn phù hợp; đảm bảo sử dụng phần mềm liên thông khám chữa bệnh BHYT để ngăn chặn hành vi lạm dụng khám chữa bệnh BHYT...

Để không ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và quyền lợi của người bệnh BHYT, ngành y tế thành phố đã có chủ trương, chỉ đạo gì, thưa ông?

Ngành Y tế TPHCM rất mong Hội đồng BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Y tế xem xét và điều chỉnh kịp thời dự toán chi cho phù hợp với thực tế của từng địa phương, nhằm ổn định nguồn thu cho các BV, đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT. Cụ thể đối với TPHCM, xem xét điều chỉnh tăng dự toán chi cho phù hợp với số lượt khám chữa bệnh trên địa bàn, do số thẻ BHYT phát hành năm 2019 cao hơn so với năm 2018 và dự báo số lượt chuyển tuyến của các tỉnh về thành phố sẽ tăng (do dự toán chi không kèm đa tuyến đến).

Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT, lãnh đạo các BV phải nâng cao năng lực theo hướng chuyên nghiệp hóa của các phòng, ban; tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa các khoa, phòng; hình thành tổ BHYT chuyên trách…

Bác sĩ PHẠM QUỐC DŨNG, Giám đốc BV Quận 11: Kiểm soát bệnh nhân sử dụng BHYT nhiều lần

Trong năm 2019, BV được giao quỹ dự toán chi BHYT là 144,5 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm BV đã sử dụng hơn 87,8 tỷ đồng (chiếm 60,74 %). Để có thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong 6 tháng cuối năm của người dân, BV sẽ điều chỉnh thuốc (bỏ bớt những thuốc không cần thiết), kiểm soát số lượng bệnh nhân đến khám nhiều lần.

Bác sĩ TRẦN VĂN KHANH, Giám đốc BV Quận 2: Đến đâu hay đến đó

Nếu như năm 2018, BV quận 2 được giao dự toán chi BHYT là 193 tỷ đồng, thì năm 2019 còn 184 tỷ đồng. BV ngày càng phát triển và mở rộng thêm danh mục kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, lượng bệnh nhân ngày càng nhiều và khả năng dự toán không đáp ứng được. BV đã chi 61% trong 6 tháng đầu năm, 39% còn lại e không đủ, bởi theo quy luật, 6 tháng cuối năm nhu cầu khám chữa bệnh tăng, khả năng vượt dự toán sẽ rất cao. BV đang tính toán việc hạn chế thuốc hỗ trợ, nâng cao chất lượng điều trị để bệnh nhân mau hết bệnh, được đến đâu hay đến đó.