Cải cách thủ tục hành chính - “đòn bẩy” thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân
Nhằm đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã có những sáng kiến trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch về BHYT.
Ngày 29/11/2013, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết đề ra, thời gian qua BHXH đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó công tác truyền thông chính sách BHYT, cải cách TTHC đã được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia.
Báo cáo định kỳ 2 năm một lần gửi Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 trong đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2018 - 2019, BHXH Việt Nam cho biết, trong giai đoạn năm 2018 - 2019, ngành BHXH đã bãi bỏ, cắt giảm nhiều TTHC trong lĩnh vực BHYT.
Cụ thể, BHXH Việt Nam bãi bỏ một số thành phần hồ sơ theo quy định trước đây như đơn, công văn đề nghị, xác nhận; một số thủ tục chỉ còn quy định về tờ khai và danh sách; giảm số lần lập, kê khai hồ sơ, chỉ yêu cầu đơn vị sử dụng lao động lập, kê khai lần đầu và khi có thay đổi thông tin. Đến nay, số TTHC thuộc lĩnh vực giải quyết chính sách BHYT đã giảm xuống còn 4 thủ tục.
Đồng thời, để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, theo BHXH Việt Nam, cơ quan này đã chủ động giảm thời gian thực hiện TTHC, rút ngắn thời gian cấp thẻ BHYT. Như, Luật BHYT năm 2008 quy định thời hạn cấp thẻ BHYT là 10 ngày, BHXH Việt Nam thực hiện 5 ngày; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 quy định thời gian cấp thẻ BHYT là 7 ngày, BHXH Việt Nam thực hiện 3 ngày và 1 ngày đối với trường hợp cấp cứu, chuyển công tác hoặc không thay đổi thông tin.
Đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận và trả kết quả TTHC cũng được ngành BHXH quyết liệt thực hiện, đến nay việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua 3 hình thức gồm: giao dịch điện tử, sử dụng dịch vụ bưu chính và trực tiếp tại Bộ phận “một cửa”.
Đối với giao dịch điện tử, BHXH Việt Nam cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 9/3/2015 về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Thông qua đó, các đơn vị lựa chọn hình thức giao dịch điện tử sẽ không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHYT trực tiếp tại cơ quan BHXH. Kể từ 1/3/2017, ngành BHXH triển khai giao dịch điện tử trên tất cả lĩnh vực: Thu, cấp thẻ BHYT; giải quyết và chi trả chế độ BHYT đối với cả tổ chức và cá nhân.
Ngoài ra, với dịch vụ bưu chính, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-BHXH ngày 9/1/2017 về việc công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam. Theo đó, tổ chức, cá nhân giao dịch thủ tục liên quan BHYT được thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích không phải trả phí. Về cấp thẻ BHYT điện tử, BHXH Việt Nam hiện đang chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định về việc thực hiện thẻ BHYT điện tử nhằm tạo thuận lợi nhất cho cơ quan, đơn vị, tổ chức trong thực hiện giao dịch về BHYT và cá nhân khi đi khám chữa bệnh BHYT.
Ghi nhận từ BHXH Việt Nam, nhờ sự chủ động và quyết liệt cải cách TTHC đã góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách BHYT, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, tiến tới BHYT toàn dân. Tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT. Hết năm 2018, toàn quốc có 12.141 đại lý thu đang hoạt động với 36.384 điểm thu…
Tính đến hết năm 2018, toàn quốc có trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 88,5% dân số, vượt và hoàn thành trước mục tiêu theo Nghị quyết số 68/2013/QH13 (giao đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT); đồng thời cũng vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg là 3,3%. Trong đó, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 15,7 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với năm 2017 (tương đương tăng 6,3%).
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cho biết, bên cạnh nỗ lực cải cách TTHC để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân thì hiện vẫn có không ít khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật BHYT nói chung. Trong đó, theo BHXH Viêt Nam, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tuy nhiên, một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức tới nhiệm vụ này, coi công tác tuyên truyền chính sách BHYT là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH.
Mặt khác, một bộ phận người dân chưa nhận thức sâu sắc về chính sách BHYT, chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cho cá nhân mình và gia đình, chưa ý thức được quyền lợi và trách nhiệm để tham gia BHYT theo quy định của pháp luật. Tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ sử dụng lao động vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương.
Bên cạnh đó, còn một số bất cập, chưa thống nhất của pháp luật BHYT như: Vướng trong xác định giá trị thẻ BHYT của người lao động khi người sử dụng lao động nợ tiền đóng BHYT; chưa có chế tài xử phạt người không tham gia BHYT dù quy định là bắt buộc; khó khăn trong thực hiện tham gia BHYT với người lao động có yếu tố nước ngoài…